Trung-Mỹ khôi phục đàm phán thương mại
Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu vào thứ Ba ngày 30/7 nhưng theo The New York Times, triển vọng đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt là khá ảm đạm và cả hai bên dường như quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn chặn căng thẳng leo thang trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, thay vì nhượng bộ lẫn nhau.
"Đại diện thương mại của hai nước tiếp tục thúc đẩy đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận chung nhưng nhiều tháng đã qua, hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về các vấn đề khó khăn nhất và không có dấu hiệu nào cho thấy hai nước có thể thỏa hiệp.
Ngược lại, hai nước dường như đang cố gắng tìm cách cho phép các cuộc đàm phán tiếp tục, để tránh phá vỡ đối thoại cũng như để tránh đẩy thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái hỗn loạn, ảnh hưởng tới cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump", NYT nhận định.
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ nghi ngờ, Trung Quốc đang cố gắng trì hoãn các cuộc đàm phán đến tháng 1/2020 - sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vì ông cho rằng, Bắc Kinh đang chờ đợi tiến hành đối thoại với một tân Tổng thống mới có quan điểm dễ dàng hơn với nước này.
"Tôi không biết liệu họ có muốn đạt được thỏa thuận hay không", ông Trump nói, "Có thể có, có thể không. Tuy nhiên, tôi không quan tâm bởi vì chúng ta đang đánh thuế hàng chục tỷ USD [đối với hàng hóa Trung Quốc]".
Cố vấn Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh quan điểm này. Ông Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng chia sẻ trên CNBC rằng: "Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thỏa thuận lớn nào. Tôi cho rằng, thông qua các cuộc đối thoại với đại diện thương mại của chúng ta, họ sẽ tái khởi động đàm phán, hy vọng sẽ trở lại thực trạng cuộc đàm phán bị gián đoạn vào tháng 5".
Đại diện thương mại Trung-Mỹ tái khởi động đàm phán vào ngày 30/7. Ảnh: Reuters
Theo NYT, đầu năm nay, đại diện đàm phán hai nước dường như sắp đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, tiến trình cuộc đàm phán đã bất ngờ bị gián đoạn vào tháng 5 vì Bắc Kinh đã sửa đổi phần lớn nội dung đối với bản dự thảo về các điều khoản cơ bản của thỏa thuận và Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm các cam kết của mình.
Kể từ đó, con đường dẫn đến một hiệp định thương mại vẫn chưa rõ ràng. Nội dung các cuộc đàm phán được bảo mật cao, tuy nhiên theo báo Mỹ vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới của Mỹ tại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đồng ý nhập khẩu bao nhiêu sản phẩm từ Mỹ và mức thuế mà Tổng thống Trump sẽ áp dụng đối với lô hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc như thế nào v.v... dường như vẫn có sự khác biệt lớn giữa hai bên.
Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson, cho biết việc tồn tại càng nhiều bất đồng trong thỏa thuận càng có thể gây ra nhiều tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà đàm phán Mỹ nhấn mạnh rằng, để đạt được tiến bộ, Trung Quốc phải quay trở lại với bản dự thảo trước khi các cuộc đàm phán bị đình trệ. Tuy nhiên điều này khó có khả năng xảy ra.
"Câu hỏi thực sự vào tuần tới là: "Họ có quay trở lại trạng thái trước khi họ thay đổi quyết định không?", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox Commercial TV vào thứ Sáu. "Đây là điều quan trọng nhất vì chúng tôi đã rất gần với việc đạt được thỏa thuận."
Tương lai thỏa thuận vẫn ảm đạm
Vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Doald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau trong cuộc họp G20 tại Nhật Bản, cố gắng đưa các cuộc đàm phán trở lại đúng quỹ đạo. Ông Trump nói sau cuộc họp rằng, Trung Quốc đã đồng ý mua một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ tạm dừng thuế quan bổ sung và phê duyệt việc bán một số sản phẩm không nhạy cảm cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Trước đó, vì lý do an ninh quốc gia, chính phủ Mỹ đã cấm Huawei mua công nghệ của Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế dường như không diễn ra đúng như kế hoạch của Tổng thống Trump. Vào Chủ nhật ngày 28/7 vừa qua, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, hàng triệu tấn đậu nành Mỹ đã được chuyển đến Trung Quốc nhưng các quan chức Trung Quốc tiếp tục khẳng định rằng họ không coi việc này như một điều kiện đàm phán.
"Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường nội địa, một số công ty Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ", phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm. Ông này cho biết thêm, không có "mối quan hệ trực tiếp" giữa việc nối lại đàm phán thương mại và mua bán đậu nành.
"Trung Quốc hy vọng sẽ quay trở lại trạng thái trước khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, thời điểm trước khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ ", Andy Mok, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Toàn cầu hóa Bắc Kinh cho biết. "Mối đe dọa lớn nhất hiện nay là giải quyết vấn đề Huawei."
Theo NYT, mặc dù ông Trump khẳng định rằng, nền kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại nhưng dữ liệu kinh tế cho thấy, mâu thuẫn giữa Mỹ và đối tác kinh tế lớn nhất - Trung Quốc đang gây tổn thất rất lớn.
Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong quý II năm nay. Khi giá trị xuất khẩu ròng và đầu tư kinh doanh giảm mạnh, GDP chỉ tăng 2,1%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed liên tục đề cập rằng các cuộc chiến thương mại sẽ dẫn đến các vấn đề kinh tế và dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào thứ Tư để giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.
Các công ty lớn của Mỹ - hiệu suất giảm - cũng cáo buộc cuộc chiến thuế quan và căng thẳng thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương là một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó.
Cuộc chiến thương mại cũng đang kéo nền kinh tế Trung Quốc trượt dốc. Nhiều công ty đa quốc gia có kế hoạch rút đầu từ khỏi Trung Quốc, xu hướng này đã bắt đầu từ sự gia tăng tiền lương ở Trung Quốc và có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước này.
Nhưng theo NYT, một hiện tượng tâm lý đã xuất hiện: Trung Quốc có khả năng chờ đợi đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn từ chính quyền Tổng thống Trump hoặc tân Tổng thống sau cuộc bầu cử năm 2020. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại, nhưng quá trình này đang diễn ra chậm lại trong khi chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã tăng thêm, điều này đã làm giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế.
Theo các chuyên gia, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới đã tăng nhẹ.
"Về điểm này, tôi nghĩ mọi người không còn quá lo lắng về cuộc chiến thương mại", ông Thiện Vỹ Kiến, chuyên gia kinh tế và tài chính nổi tiếng Hồng Kông, Trung Quốc nói. "Hầu hết các doanh nghiệp không nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực thực sự từ cuộc chiến thương mại tác động đến việc kinh doanh của họ. Sự hoảng loạn đã lắng xuống".