Tờ New York Times (Mỹ) mới đây đăng tải bài viết của cố vấn tình báo chiến lược Nicholas Borroz và Hunter Marston - chuyên gia phân tích sự vụ Đông Nam Á nhận định, người Mỹ thường cho rằng, sự bành trướng quân sự của Trung Quốc chính là nguyên nhân gia tăng khả năng xung đột Trung - Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách của Washington lại bỏ qua một điểm: Bắc Kinh có đủ lý do để cảm thấy "khó chịu" vì những chiến lược quân sự của Mỹ gây ảnh hưởng tới nước này.
Trong đó, chính sách "xoay trục châu Á - Thái Bình Dương" của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bao gồm tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này đã kích nổ khả năng xung đột Trung - Mỹ.
"Nếu muốn tránh dẫn đến xung đột ở châu Á, nước Mỹ nên hạn chế xây dựng đồng minh và căn cứ quân sự bao quanh Trung Quốc, tránh để Bắc Kinh nảy sinh sự thù địch", Borroz - Marston nhấn mạnh.
Khi Trung Quốc "ngứa mắt", vượt lằn ranh đỏ
Những năm gần đây, Trung Quốc luôn tiếp diễn những động thái nhằm leo thang căng thẳng tại biển Đông và Hoa Đông thì Mỹ cũng không ngừng tăng cường nguồn lực vào khu vực châu Á Thái Bình Dương nhằm đối đầu Bắc Kinh.
Cách đây không lâu, chính phủ Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên nhưng sự việc này "vô tình" đã khiêu khích Trung Quốc.
Hay Mỹ tuyên bố tới năm 2017, số lượng đồn trú ở căn cứ Darwin, Australia của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lên tới 2.500 quân.
Lính Thủy quân lục chiến Mỹ trong một lần diễn tập. (Ảnh: specialoperations.com)
Theo Lý Kiệt - chuyên gia Viện nghiên cứu khoa học quân sự Hải quân Trung Quốc, căn cứ quân sự Darwin có vai trò vô cùng quan trọng khi nó hình thành chuỗi liên kết các căn cứ hiện có của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam.
Điều đó giúp Mỹ tăng cường sức mạnh ở khu vực biển Đông, dễ dàng điều động lực lượng nhằm bao vây kẹp chặt Trung Quốc.
Đặc biệt, những thỏa thuận quốc phòng mới được ký giữa Mỹ và Ấn Độ cũng là mối đe dọa đối với Trung Quốc bởi New Delhi và Bắc Kinh vốn có quan hệ khá căng thẳng.
Quân đội Mỹ còn tiếp tục triển khai một thế hệ máy bay mới, tàu khu trục và máy bay không người lái khắp Thái Bình Dương.
Thậm chí, ngay trước khi Tổng thống Obama công bố chính sách chuyển hướng châu Á, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này cũng là mối đe dọa lớn của với Bắc Kinh.
Ví như, từ Chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng quân Mỹ xuất hiện tại Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhanh chóng hay căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam chiếm 28% diện tích đảo này.
Đặc biệt, Washington còn có một mạng lưới đồng minh quân sự phức tạp ở châu Á với cam kết có thể vì an ninh nước Mỹ mà chống đối Trung Quốc. Sự hiện diện hùng hậu của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương đang thách thức Trung Quốc.
Bởi sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập năm 1949, chính phủ Bắc Kinh cho rằng, trong quá trình nỗ lực vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới thì Trung Quốc chính là cường quốc duy nhất có quyền giành ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực.
Mỹ và các đồng minh đã phản đối rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở châu Á chính nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực. Mỹ đang bảo vệ các nước nhỏ, trong khi Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các nước này và coi thường luật pháp quốc tế.
Với luận điểm, bảo vệ nước nhỏ trước sự kiểm soát của Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng rất nhanh có thể đưa ra minh chứng nhằm lật mặt Washington.
Ví như, trong thế kỷ 19, khi châu Âu đang nắm vị trí chủ đạo trên trật tự thế giới, Mỹ đã tuyên bố thực hiện học thuyết Monroe nhằm chiếm vị trí chủ đạo ở khu vực này.
"Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài xuất hiện tại vùng biển Caribe thì cũng giống như việc Trung Quốc không ưa lực lượng khác xuất hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Borroz - Marston nhận định.
Khi quân đội Mỹ tăng cường sức mạnh ở châu Á, bất cứ bên nào cũng đều có thể vượt qua lằn ranh đỏ. Ví như, Trung Quốc có thể dùng sức mạnh quân sự để trả đáp cuộc tập trận chung của hải quân Mỹ - Nhật Bản.
Mỹ nên hạn chế quân sự, "xoay trục" châu Á theo hướng khác
Tăng cường phát triển các chương trình giáo dục - văn hóa ở châu Á sẽ giúp giảm khả năng xung đột Trung Quốc Mỹ. (Ảnh: pbs.org)
Theo Borroz - Marston, trước phản ứng giả định trên của Trung Quốc, nước Mỹ có thể không từ bỏ đồng minh nhưng Washington nên tránh ký các hiệp ước phòng ngự quốc phòng quy mô lớn và khó duy trì.
Mỹ cần duy trì số lượng cam kết an ninh vừa phải, từng bước cân bằng với lực lượng Trung Quốc ở châu Á Thái Bình Dương.
Washington không nên thách thức mà cần "bắt tay" với Bắc Kinh. Chính phủ Obama nên đưa ra lập luận "quân đội Mỹ tăng cường sức mạnh tại khu vực do yêu cầu của các nước đồng minh" và nhấn mạnh, đây không phải là "hành động đơn phương của Washington".
Ví như, khi ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao giữa Mỹ - Philippines năm 2014, Washington nên nhấn mạnh, mục đích chính là nhằm khôi phục Hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.
Chính quyền Washington cũng nên bớt tự tin hơn trước Trung Quốc, bởi xem thường Bắc Kinh là thái độ không ít gặp trên chính trường Mỹ.
Borroz - Marston kêu gọi Mỹ ngừng hoặt động tăng cường quân sự ở châu Á Thái Bình Dương và cần coi trọng phát triển quan các liên kết phi quân sự ở toàn khu vực này.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là minh chứng tuyệt vời nhất cho thấy các thỏa thuận thương mại tự do có thể dùng để tăng cường sợi dây liên kế chính trị.
Đồng thời, Mỹ nên tăng cường phát triển các chương trình giáo dục và văn hóa ở châu Á, xem xét phát triển và chuyển nhượng các dự án kỹ thuật, triển khai quyền lực mềm trong hợp tác năng lượng hạt nhân.
"Chính sách tại châu Á càng được thực hiện cẩn trọng, chu đáo thì mục tiêu dân chủ và duy trì ổn định của Washington càng dễ dàng đạt thành công. Ngược lại, nếu chú ý nhiều đến lĩnh vực quân sự sẽ chỉ dễ dẫn đến xung đột", Borroz - Marston kết luận.