Đồng ruble yếu đi
Alexei Nikolayev, một trong 56 triệu cử tri Nga bỏ phiếu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hồi tháng 3, nhẩm tính về những hậu quả khi đồng ruble yếu đi: nước Nga phải bớt các khoản đầu tư và thu mua ở nước ngoài, thị trường trong nước tăng giá, và một thời kì "thắt lưng buộc bụng" khác đang tới gần.
Nhưng ông Nikolayev, một nhà thiết kế đồ họa 56 tuổi với sở thích đi du lịch và thưởng thức rượu ngoại, tin rằng các nước phương Tây - chứ không phải ông Putin - phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề của nước Nga. Ông Nikolayev bày tỏ không hối hận vì đã bỏ phiếu cho nhà chính trị gia mà ông tin là người sẽ "dìu dắt" nước Nga qua thời kì tăm tối.
"Rất đau đớn và không hề dễ chịu chút nào, nhưng điều đó không thay đổi được quan điểm của tôi," ông Nikolayev chia sẻ sau khi đồng ruble giảm 10% giá trị so với đồng USD vào cuối tháng 7, chủ yếu sau khi Mỹ áp đặt cấm vận lên Nga.
"Ngược lại, chuyện đó chỉ khiến tôi ngày càng tin rằng họ [phương Tây] đang tìm cách phá hoại nước Nga".
"Tương lai tươi sáng sẽ tới. Ngày đó sẽ không còn xa nữa, tôi tin là như vậy," một cư dân Moskva nói. Ảnh: SBS
Theo Stepan Goncharov, một nhà xã hội học tại Trung tâm thăm dò dư luận Levada, khá nhiều người Nga có chung quan điểm với ông Nikolayev.
Cùng lúc đồng ruble mất giá trị, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu chung số phận. Tổng thống Tayyip Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang là nạn nhân của chiến tranh kinh tế và sẽ kêu gọi bài trừ hàng hóa Mỹ để trả đũa.
Tại Nga, đồng ruble yếu đi gây ra rắc rối trực tiếp cho nhiều người. Giá hàng hóa nhập khẩu có xu hướng tăng. Các kì nghỉ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.
Irina Turina, nữ đại diện cho Liên đoàn Công nghiệp Du lịch Nga, cho biết nhu cầu du lịch của người dân đã giảm 10-15% vào hồi tuần trước.
"Những người chưa thanh toán đủ tiền cho kì nghỉ dưỡng cũng vội vàng trả nốt phần còn lại mặc dù đó là việc không cần thiết. Họ lo rằng khi các đại lý du lịch tính toán lại tỉ lệ ngoại tệ thì các chi phí sẽ đội lên cao hơn," cô Turina nói.
"Những người chưa đặt gói du lịch nào có xu hướng tạm ngừng kế hoạch. Vấn đề ở đây không chỉ là đặt gói du lịch trong nước. Khi ra nước ngoài, bạn cần phải tiêu tiền và nhiều nơi chỉ chấp nhận USD."
Tinh thần lạc quan
Putin - "Người đưa nước Nga run rẩy trở lại vị thế siêu cường"
Tuần trước, nữ phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cấm vận lên Nga không hề liên quan gì tới những động thái của Moskva tại Ukriane hay Syria mà chính vì Mỹ muốn kìm hãm sự phát triển của Nga.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đa số người Nga vẫn bình tĩnh trước những thách thức tiền tệ. Một vài người bày tỏ đã từng trải qua thời kì đen tối hơn.
"Không gì là mãi mãi, cuối cùng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn thôi," một cư dân Moskva có tên Gennady Tsurkan nói.
"Tương lai tươi sáng sẽ tới. Ngày đó sẽ không còn xa nữa, tôi tin là như vậy."
Đồng ruble mất giá gây ra ít thiệt hại hơn khủng hoảng tiền tệ sau năm 2014, khi nền kinh tế Nga liên tục gặp vấn đề sau khi sát nhập Crimea.
Kể từ thời điểm đó, các công ty Nga đã giảm vay mượn nước ngoài, giảm các khoản nợ tại thị trường phương Tây và nhập khẩu ít hàng hóa buộc phải thanh toán bằng đồng USD hơn.
Dù tỉ lệ tín nhiệm ông Putin có đi xuống trong vài tháng trở lại, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy đó không phải vì đồng ruble yếu đi, mà do cải cách chính sách lương hưu.
Ông Nikolayev so sánh: "Cũng như tuyết và nắng. Tôi không thể can thiệp gì được. Có thể tôi sẽ phải uống loại rượu khác. Hoặc có thể tôi sẽ chỉ mua một đôi giày thay vì hai đôi. Mọi chuyện tệ nhưng không đến nỗi quá tệ."