Nước Nga đối mặt thách thức: Ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới vẫn phải nới lỏng cách ly vì người dân hết tiền

AB |

Khoảng 50% số người dân Nga hiện nay không có tiền tiết kiệm hoặc chỉ đủ tiền tiết kiệm cho khoảng 4 tuần tới, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không được khôi phục.

Tình hình dịch Covid-19 tại Nga đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ chỉ vài ca nhiễm vào đầu tháng 3 thì nay Nga đã có hơn 290.000 người lây bệnh, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ trong khi dân số của Nga chỉ bằng một nửa.

Dù đã có nhiều động thái chống dịch nhưng rõ ràng dịch Covid-19 đã khiến ngành y tế Nga bộc lộ nhiều yếu điểm. Hệ thống cơ sở hạ tầng y tế của Nga vốn không được đầu tư nhiều, cải cách ít. Hậu quả là phần lớn thiết bị, dược phẩm của Nga phải phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu.

Kể từ thời Liên Xô, chính phủ đã cố gắng đưa hệ thống y tế trở thành miễn phí cho mọi người dân nhưng nó lại không phải ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Hệ quả là y tế dù rẻ nhưng chất lượng lại khá thấp, dịch vụ không hiệu quả và ít nhận được tiền đầu tư từ ngân sách. Tình trạng quá tải các giường bệnh cũng như việc bệnh nhân phải ở dài ngày chữa trị là điều quá bình thường tại Nga.

Thậm chí các bác sĩ phần lớn đều bị trả lương thấp hơn khả năng thực tế và cũng không được xã hội tôn trọng.

Nước Nga đối mặt thách thức: Ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới vẫn phải nới lỏng cách ly vì người dân hết tiền - Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng thay đổi tình hình. Nhờ nguồn thu từ dầu mỏ, chính phủ đã tăng cường các chương trình chăm sóc phụ và dịch vụ y tế cho người dân, lương bác sĩ cũng được cải thiện.

Mặc dù tỷ lệ tử vong vì bệnh tật tại Nga đã giảm, các phòng khám kém chất lượng bị dẹp bỏ và số bệnh viện được xây mới tăng lên nhưng như vậy là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu người dân. Tệ nạn tham nhũng trong những dự án xây bệnh viện, nhập thiết bị vẫn tồn tại.

Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy Nga vẫn là một trong những nước có hệ thống y tế kém hiệu quả nhất thế giới. Trớ trêu thay, hệ thống y tế của Mỹ, Azerbaijan và Bulgaria thậm chí còn bị đánh giá kém hơn do giá thuốc quá cao hay thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc người bệnh.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều bác sĩ của Nga thiếu kinh nghiệm đối phó với những đại dịch lây lan tương tự, nhân viên y tế thì thiếu đồ bảo hộ trong khi các bệnh viện không đủ giường bệnh cũng như máy thở cho bệnh nhân. Hãng tin Bloomberg cho biết Nga hiện có khoảng 400 điểm nóng về dịch Covid-19 trên toàn quốc và hàng nghìn nhân viên y tế có triệu chứng nhiễm bệnh. Theo một nguồn tin không chính thức của Bloomberg, Nga hiện đã có hơn 220 nhân viên y tế thiệt mạng vì dịch Covid-19, mức cao đáng kinh ngạc trong số những nước nhiễm dịch.

Nước Nga đối mặt thách thức: Ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới vẫn phải nới lỏng cách ly vì người dân hết tiền - Ảnh 3.

Số ca nhiễm mỗi ngày tại Nga

Điều đáng ngại hiện nay là hệ thống y tế của Nga tập trung quá nhiều vào khu vực thành thị mà bỏ qua vùng nông thôn. Trong báo cáo năm 2016 của Nghị viện Nga, chỉ một nửa trong số 130.000 khu định cư nông thôn của nước này là tiếp cận được với hệ thống chăm sóc y tế. Nga hiện có 42.000 máy trợ thở, nhiều hơn gấp vài lần so với Anh nhưng ¼ trong số đó lại tập trung ở thủ đô Moscow.

Hết tiền

Bỏ qua câu chuyện yếu kém của hệ thống y tế, người dân Nga hiện còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn, đó là làm thế nào để sống sót sau dịch Covid-19.

Anh Grigory Sverdlin là một người chuyên phát các bữa ăn từ thiện miễn phí ở St.Petersburg trong suốt 20 năm qua. Thế nhưng người đàn ông này phải thừa nhận chưa bao giờ lượng người nghèo xin nhận bữa ăn miễn phí lại nhiều như hiện nay.

"Tại St.Petersburg chúng tôi thường phát khoảng 80 suất ăn mỗi tối ở mỗi điểm. Thế nhưng hiện nay con số này đã lên 120-140 suất. Hiện có quá nhiều người thất nghiệp hoặc vô gia cư trên phố, hay thậm chí đơn giản là không có tiền mua thực phẩm", anh Sverdlin cho biết.

Dù có số ca nhiễm hiện đã nhiều thứ 2 thế giới nhưng Nga vẫn phải cho nới lỏng lệnh cách ly để cứu nền kinh tế, nhất là khi nguồn thu chính của đất nước là dầu mỏ mất giá. Hãng tin Bloomberg cho biết người dân Nga hiện nay chỉ đủ tiền tiết kiệm cho khoảng 6 tuần nếu không có hoạt động kinh doanh nào và với gói trợ giúp vô cùng hữu hạn từ chính phủ.

Trong khi đó, khảo sát của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Moscow (MCSR) cho biết khoảng 50% số người dân Nga hiện nay không có tiền tiết kiệm hoặc chỉ đủ tiền tiết kiệm cho khoảng 4 tuần tới nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không khôi phục. Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cũng cho biết khoảng ¼ công dân Nga đã phải chi tiêu tiền tiết kiệm kể từ khi lệnh cách ly được áp dụng do bị giảm thu nhập.

Nước Nga đối mặt thách thức: Ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới vẫn phải nới lỏng cách ly vì người dân hết tiền - Ảnh 4.

Hơn 40% dân số Nga chỉ đủ tiền tiết kiệm sống sót trong 1 tháng

"Tình hình giảm thu nhập tại Nga đang rất tồi tệ. Áp lực lên chính phủ sẽ ngày một lớn bất kể là có nới lỏng giãn cách hay đưa ra các chính sách hỗ trợ hay không", Chuyên gia kinh tế Dmitry Dolgin của ngân hàng ING Bank nhận định.

Chính phủ Nga hiện có khoảng 165 tỷ USD dự trữ khả dụng nhưng họ rất dè chừng trong việc bung tiền cứu người dân bởi đề phòng tình hình có thể còn tệ hơn nữa. Ngoài ra, nguồn thu chính từ dầu mỏ giảm sút do mất giá cũng giới hạn các chính sách của chính quyền Moscow.

Số liệu của Bloomberg Economics cho thấy thu nhập khả dụng của người dân Nga trong quý II/2020 đang trên đà giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2006.

Tổng thống Putin đã tuyên bố hàng loạt chính sách như phát tiền cho các hộ gia đình, miễn thuế hay cho vay ưu đãi nhưng chuyên gia Dolgin nhận định tổng giá trị của các gói cứu trợ này chỉ vào khoảng 3-4% GDP, một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Báo cáo của Viện kinh tế cao cấp Moscow (MHSE) cho thấy những chính sách hỗ trợ của chính phủ hiện nay chỉ xoa dịu được 2 điểm phần trăm trong mức sụt giảm thu nhập quý II/2020 của người dân, trong khi mức sụt giảm 20% còn lại thì chưa có bất kỳ biện pháp cứu trợ nào.

Nước Nga đối mặt thách thức: Ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới vẫn phải nới lỏng cách ly vì người dân hết tiền - Ảnh 6.

Hàng người nhận bữa ăn phát chẩn của anh Sverdlin tại St.Petersburg

Khảo sát của BoR cho thấy gần 50% số người dân Nga đã phải cắt giảm chi phí, thậm chí cho cả lương thực để tiết kiệm chi tiêu. Website thanh toán khoản tiền trợ cấp 10.000 Ruble (136 USD) cho mỗi trẻ em cũng đã nhận được hơn 2 triệu đơn xin trong ngày đầu tiên mở cửa.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 5,5% trong năm 2020, cao gấp đôi so với mức giảm bình quân của thế giới. Tốc độ hồi phục kinh tế của Nga cũng được cho là sẽ chậm hơn các khu vực khác.

Quay trở lại câu chuyện của anh Sverdlin, tổ chức từ thiện Nochlezhka của anh đã mở thêm các điểm phát chẩn tại thủ đô Moscow trước nhu cầu ngày một cao.

"Trong vài năm sau cuộc khủng hoảng dầu 2014, lượng người xin phát chẩn tại Nga có tăng nhưng chưa là gì so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Tôi đang lo rằng số người xin phát chẩn trong vài tháng tới sẽ tăng gấp đôi hay gấp 3 lần", anh Sverdlin ngậm ngùi nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại