Thâm hụt ngân sách Mỹ cao kỷ lục
Hãng tin AP đưa tin, nước Mỹ đã chi gần 3 nghìn tỷ USD từ ngân sách để giải cứu nền kinh tế khỏi những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Một khoản tiền khổng lồ mà chỉ mấy tháng trước khó ai tưởng tượng ra được. Điều ngạc nhiên hơn nữa thậm chí ngay cả khi thảo luận về vấn đề này với những người chuyên chỉ trích về tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ thì họ đều không phản đối gì cả.
Lý giải cho việc thay đổi thái độ của mình họ cho biết khi nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng trì trệ do dịch bệnh như hiện tại thì chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xuất ngân quỹ hàng nghìn tỷ để cứu trợ khẩn cấp. Nếu không làm như vậy thì thực sự sẽ là một thảm họa vì một cuộc suy thoái có thể phát triển cuộc khủng hoảng toàn diện. Và nếu kịch bản này xảy ra, cán cân tài chính của chính phủ còn mất cân bằng nghiêm trọng hơn nữa.
Hơn nữa, những bài học về Thế chiến II và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã giúp nhiều người nhận ra việc triển khai mức lãi suất cực thấp và tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố kiểm soát được các khoản nợ công và ngăn chặn một khủng hoảng ngân sách.
Dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng về suy thoái kinh tế hơn là việc chính phủ Mỹ có khả năng trả nợ công đang leo thang hay không chính là tỷ suất sinh lợi của trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ vẫn ở mức dưới 1%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng trong khi nợ công tăng vọt cuối cùng có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế nhưng nếu chính phủ không vay tiền và chi tiêu mạnh tay như hiện tại thì thậm chí còn nền kinh tế sẽ không có cơ hội hồi phục.
“Giống như hầu hết mọi người, tôi bây giờ không quá quan tâm đến tình trạng thâm hụt và vay nợ nữa. Lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp. Trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho y tế và kinh tế”, ông Donald Marron, Giám đốc Trung tâm chính sách thuế, một tổ chức nghiên cứu chiến lược tại Washington nói.
Tuy vậy, những con số trong chiến dịch cứu trợ kinh tế rất đáng chú ý. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), sau khi Quốc hội thông qua bốn chương trình lèo lái nền kinh tế qua “cơn bão” mang tên COVID-19, mức thâm hụt ngân sách của nước Mỹ đã tăng cao kỷ lục ở mức 3,7 nghìn tỷ USD.
Nước Mỹ chấp nhận nợ để cứu nền kinh tế. Ảnh:
Đầu tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo, họ sẽ vay 2,99 nghìn tỷ USD trong quý II, phá vỡ kỷ lục quý I trước đó là 569 tỷ USD. Kỉ lục này được thiết lập trong cuộc suy thoái năm 2008 và vượt xa giá trị trái phiếu nước Mỹ phát hành trong cả năm ngoái là 1,28 nghìn tỷ USD. Cũng theo CBO, khi năm ngân sách kết thúc vào tháng 9 năm nay, khoản nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tương đương 101% GDP.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đang nỗ lực để tình huống này không xảy ra. Lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đang làm xói mòn nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP quý II dự kiến sẽ giảm ở mức 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là quý tồi tệ nhất kể từ năm 1947. 30 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Ngay trước đại dịch, khoản nợ công cũng đã chiếm tới hơn 80% GDP do quyết định giảm thuế hồi năm 2017 của Tổng thống Donald Trump. Tỉ lệ nợ này cũng là mức cao nhất kể từ năm 1950. Nước Mỹ chẳng xa lạ gì với tình trạng nợ “đầm đìa” như thế này. Hồi năm 1946, một năm sau khi Thế chiến II kết thúc, nợ liên bang đã chiếm tới gần 109% GDP. Đến năm 1962, gánh nặng nợ đã giảm xuống dưới mức năm1940 chỉ chiếm 44% GDP. Nền kinh tế hậu chiến tăng trưởng mạnh đã lấp đấy kho bạc vốn trống rỗng của chính phủ.
Giới phê bình: Chấp nhận chồng chất nợ để cứu kinh tế
Bây giờ mọi thứ đã khác. Nền kinh tế không đạt tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy. Từ năm 1947- 1962, nền kinh tế Mỹ đã phát triển thần kỳ, mỗi năm đều tăng trưởng 3.5%. Hiện tại, kinh tế Mỹ sẽ chưa thể đạt thành tựu gì ấn tượng cả. Kể từ năm 2010, tăng trưởng GDP trung bình của nước này ở mức 2,3%/ năm.
Các nhà kinh tế học từ lâu đã lo lắng về hậu quả của các khoản nợ công lớn của chính phủ. Khi chính phủ phải vay nợ, tức là nhà nước phải cạnh tranh với tư nhân. Điều này sẽ khiến cho thị trường đầu tư tư nhân cạnh tranh hơn, tăng lãi suất và sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà kinh tế bắt đầu suy nghĩ lại về cách tiếp cận nợ. Sự phục hồi từ cuộc Đại suy thoái, ở Mỹ và đặc biệt là ở Châu Âu, diễn ra chậm chạp một phần vì các nhà hoạch định chính sách đã từ chối vay nợ để kích thích tăng trưởng kinh tế. 19 quốc gia châu Âu sử dụng chung đồng euro đã lâm vào suy thoái vào năm 2011. Khi đó, vấn đề nợ công còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Tại Mỹ, lãi suất không tăng lên nhiều ngay cả khi nền kinh tế dần dần hồi phục. Nguyên nhân là các nhà đầu tư luôn muốn được sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ, do đây là kênh đầu tư an toàn nhất thế giới. Việc họ nhanh chóng thu mua trái phiếu đã kéo giảm lãi suất đi vay của chính phủ và đồng thời giữ tỉ lệ lạm phát ở mức thấp.
Trong một nền kinh tế tỉ lệ lạm phát và lãi suất thấp như vậy, rủi ro núi nợ công ở mức dễ kiểm soát hơn, ít nhất là đối với các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản vay bằng đồng nội tệ. Ông Douglas Elmendorf, cựu Giám đốc CBO và hiện là trưởng khoa Trường Kinh doanh Harvard, một nhà phê bình về tình trạng nợ công cao, nói rằng: “Chúng ta không lo lắng về nợ công nhiều như mức các nhà kinh tế đồn đoán”.
Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ nhận được sự hỗ trợ tối đa của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), định chế tài chế sẵn sàng in thêm tiền và giữ mức lãi suất đi vay ở mức cực thấp.
Trong cuộc họp báo hai tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có một động thái bất thường khi kêu gọi quốc hội không nên lo lắng về hệ quả nợ công tăng cao từ các chương trình cứu trợ kinh tế của chính phủ.
“Từ lâu, tôi luôn ủng hộ nước Mỹ duy trì cán cân tài chính cân bằng. Tuy vậy, lúc này không phải là thời điểm thích hợp cho mối bận tâm đó. Đây là thời điểm chúng ta sử dụng công cụ tài khóa hùng mạnh của nước Mỹ để hỗ trợ nên kinh tế vượt qua sóng gió từ đại dịch COVID-19”, ông Powell nói.
Đồng quan điểm như trên, ông Olivier Blanchard, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế, đã phản đối về quan điểm cũ về nợ công trong một bài phát biểu năm ngoái: “Nói một cách thẳng thắn, nợ công có thể không tạo ra chi phí tài khóa gì... Chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện tái đầu tư nợ, họ có thể phát hành nợ và giảm tỉ lệ nợ so với GDP mà sau đó không phải tăng thuế”.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Hãng phân tích Moody, cho biết lãi suất sẽ bắt đầu tăng lên khi nền kinh tế hồi phục, có thể vào năm 2022 hoặc 2023. “Sẽ có ngày chúng ta sẽ hồi tưởng lại ngày hôm nay khi chúng tôi hành động với tư cách một quốc gia phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ nần chồng chất. Chúng tôi sẽ phải tăng thuế và kiềm chế chi tiêu. Nhưng hiện tại chúng ta phải làm tất cả mọi việc để giúp nền kinh tế không sụp đổ vì dịch bệnh”.
“Không nên đặt câu hỏi hỏi chi phí hồi phục kinh tế sẽ là bao nhiêu. Câu hỏi đúng nên là số nợ sẽ tăng lên bao nhiêu nếu kinh tế hồi phục và không hồi phục”, ông Richard Kogan, thành viên cao cấp tại Trung tâm ưu tiên chính sách và ngân sách và là cố vấn ngân sách trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nói.