Ảnh minh họa
Séc cố gắng giữ ấm cho người dân
Đại sứ phụ trách An ninh Năng lượng Cộng hòa Séc Vaclav Bartuška cam kết chính phủ nước này sẽ làm mọi thứ trong khả năng để tạo ra nhiệt và điện nếu nguồn cung cấp khí đốt trong mùa đông tới không đảm bảo.
"Về cơ bản chúng ta sẽ lặp lại khủng hoảng dầu năm 1973… Nếu khí đốt bị cắt vào mùa đông này, chúng tôi sẽ đốt bất cứ thứ gì có thể để giữ ấm cho người dân và sản xuất điện", hãng RT (Nga) dẫn lời ông Bartuška phát biểu hôm 20/6.
Theo quan chức này, nếu các nước châu Âu ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp LNG thì nguồn cung cấp khí đốt vẫn được đảm bảo cho EU trước mùa sưởi ấm. Trước đây, Ủy ban châu Âu (EC) không muốn ký hợp đồng này nhưng theo ông Bartuška, tình hình hiện nay đã thay đổi.
"Bạn sẽ không nghe điều đó từ ủy viên [Ủy ban châu Âu EC) một năm trước, nửa năm trước, hoặc bốn tháng trước. Họ hiểu rõ rằng các quốc gia thành viên cần tồn tại, các chính phủ cần tồn tại qua mùa đông", ông nhấn mạnh.
Ông Bartuška nói thêm, trong nhiệm kỳ Séc giữ chức Chủ tịch EU, mục tiêu chính của khối sẽ là lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt trước mùa đông. Praha cũng sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mua khí đốt chung và dự định đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch REPowerEU của EC, kế hoạch này nhằm giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trước cuối năm nay cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của EU.
Theo đại sứ, kế hoạch REPowerEU đã được khởi động, và khi giá năng lượng tăng vọt cũng như những vấn đề chính trị đang xảy ra thực sự có thể giúp EU đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Ông nói: "Quá trình chuyển đổi sẽ khó khăn và phức tạp nhưng chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Công nghệ xanh sẽ chiến thắng. Sẽ chỉ mất một thời gian và 5 năm nữa, về cơ bản chúng ta sẽ hỏi tại sao chúng ta lại dùng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện".
Một bể chứa dầu ở Nga. Ảnh: Bloomberg
Thủ tướng Scholz: Lệnh cấm vận Nga khiến Đức thiệt hại
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 21/6 cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này.
Trong khi nói chuyện với các nhà công nghiệp Đức, ông nói "các biện pháp trừng phạt chưa từng có" mà phương Tây áp đặt lên Moscow đang "phát huy tác dụng". Tuy nhiên, nền kinh tế Đức cũng chịu tổn thất từ những lệnh trừng phạt này, đặc biệt là các công ty năng lượng Đức.
Trong tháng này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã cảnh báo rằng người Đức nên chuẩn bị cho một mùa thu và mùa đông khó khăn do giá cả tăng vọt, khi nước này thúc đẩy mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượngNga.
Theo ông, giá đã rất cao và "nhiều người sẽ nhận được hóa đơn cao hơn bình thường rất nhiều" trong mùa đông sắp tới.
EU cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt trước mùa đông
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết châu Âu sẽ không thể lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt trước mùa đông trừ khi thực hiện các phương án bổ sung.
"Chúng tôi thấy rằng nguồn cung khí đốt tổng thể từ Nga sang châu Âu đang suy giảm nhanh chóng. Điều này có nghĩa là nếu không có các biện pháp bổ sung thì khó đảm bảo rằng có thể lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt ở châu Âu và Hà Lan, nhằm chuẩn bị cho mùa đông tới", hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Jetten.
Ông Jetten cho hay Hà Lan đang thực hiện các kế hoạch chuẩn bị cho mùa sưởi ấm nhưng không nêu chi tiết cụ thể. Ông nói thêm rằng đối với các mục đích hiện tại, Hà Lan có đủ khí đốt.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tại không có tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng", ông Jetten tuyên bố, tuy nhiên, ông tiết lộ "nhiều quốc gia hiện đang bị Nga siết chặt về khí đốt".
Các bình luận của quan chức Hà Lan được đưa ra sau khi Gazprom cắt giảm khoảng 60% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên đến châu Âu qua đường ống Nord Stream.
Một nhân viên Gazprom làm việc tại trạm đo khí đốt Sudzha, Nga. Ảnh: EPA
Thụy Sĩ bất ngờ nhập nhiều vàng từ Nga
Ở một khía cạnh liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga, tờ Bloomberg hôm 21/6 cho biết, lần đầu tiên kể từ sau khi xung đột Ukraine bùng phát vào tháng 2, Thụy Sĩ đã nhập khẩu vàng từ Nga trong tháng 5.
Theo báo Mỹ, động thái của Thụy Sĩ, một nước lớn ở châu Âu, cho thấy lập trường của ngành này đối với kim loại quý của Nga có thể đang dịu đi.
Thụy Sĩ đã nhập hơn 3 tấn vàng từ Nga vào tháng trước, Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Liên bang Thụy Sĩ. Giao dịch này chiếm khoảng 2% lượng vàng nhập khẩu của Thụy Sĩ trong tháng 5. Thụy Sĩ là trung tâm tinh luyện quan trọng, xử lý 2/3 lượng vàng trên thế giới.
Sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine và áp dụng các lệnh trừng phạt quốc tế, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) đã loại tất cả các nhà máy tinh chế vàng và bạc của Nga ra khỏi danh sách các nhà cung cấp được phê duyệt. Động thái này được ngành công nghiệp vàng bạc đá quý coi là lệnh cấm trên thực tế và hầu hết các nhà tinh chế từ chối nhận vàng mới từ Nga.
Giao dịch của Thụy Sĩ diễn ra khi kim loại quý này được coi là mục tiêu mới có thể nằm trong lệnh trừng phạt sắp tới của EU nhằm vào Nga. Theo Reuters ngày 21/6, các nhà lãnh đạo EU muốn tiếp tục gây áp lực lên Nga khi họ chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh trong tuần này.
Nga hiện đang dự trữ một khối lượng vàng khổng lồ và nguồn dự trữ dồi dào này đang được xem là lá chắn tài chính quan trọng giúp nền kinh tế Nga chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.