Mỹ phẩm Sài Gòn tiền thân là hãng nước hoa Imortel, được thành lập bởi một nhà tư sản vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước và vang danh khắp cả nước nhờ giới thiệu sáng kiến chai xịt nén, thay cho cách dùng truyền thống là nhỏ từng giọt lên da. Sau năm 1975, Imortel được chuyển thành Phân xưởng Mỹ phẩm II, sau đó là Xí nghiệp Mỹ phẩm II và trở thành Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990.
"Hương thầm"
Thương hiệu này được biết đến rộng rãi với hình ảnh đặc trưng là lọ nước hoa mang hình dáng thiếu nữ duyên dáng trong 3 loại trang phục: Miền Bắc là áo tứ thân và nón quai thao, miền Trung là áo dài và nón lá, miền Nam là áo bà ba. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2000, nước hoa vẫn là mặt hàng xa xỉ nên chưa được đông đảo người tiêu dùng tìm đến.
Nước hoa Miss Sài Gòn là một sản phẩm nổi tiếng Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn.
Trước sự đổ bộ của các đối thủ, Miss Saigon chọn xuất khẩu là thị trường chính. Trước năm 2006, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm hơn 60% tổng doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn. Sau năm 2006, xuất khẩu chiếm 50% doanh thu.
Miss Sài Gòn hiện đã có mặt tại các khu vực như Đông Âu, Úc, Đài Loan, Philippines, Maylasia, Singapore, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… Trong đó Đông Nam Á là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất.
Ngoài kênh xuất khẩu, Miss Saigon còn được phân phối qua 2 kênh khác. Đó là kênh bán hàng truyền thống, gồm các đại lý, chợ, cửa hàng, chiếm 30% doanh thu. Kênh thứ 2 là các tụ điểm gồm có siêu thị, nhà sách, bán hàng qua mạng và SC Perfume (là chuỗi cửa hàng riêng của công ty). Kênh này chiếm 20% doanh thu.
Năm 2013, SC Perfume xây dựng hệ thống bán hàng tiến ra thị trường miền Bắc. Công ty cũng tiến hành kiểm soát tốt lượng hàng tồn kho nhà phân phối, giảm bình quân tồn kho từ 2 tháng bán hàng xuống còn 3 tuần bán hàng.
Trong năm qua, Miss Saigon đã phát triển hơn 100 sản phẩm mới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị các sản phẩm cao cấp. Ngoài sản phẩm chủ lực là thương hiệu Miss Saigon, hiện nay công ty còn có nhiều dòng sản phẩm khác như nước hoa cho nam giới, dầu gội đầu bồ kết, nước hoa xịt phòng, sữa rửa tay...
Hiện, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các loại mỹ phẩm; xuất nhập khẩu trực tiếp mỹ phẩm; xuất nhập khẩu kinh doanh hàng phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng; kinh doanh các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh hóa mỹ phẩm.
Các sản phẩm nổi bật của Mỹ phẩm Sài Gòn như: nước hoa Miss Saigon Elegance, dầu gội Fresh, nước rửa tay Kleen, nước hoa xịch phòng Pure Air, Spring….
Chỗ đứng trước sự "xâu xé" của mỹ phẩm ngoại
Trong cuộc đổ bộ ngày càng nhiều của các thương hiệu nước hoa nổi tiếng thế giới như Chanel, Dior, Kenzo, Burberry, Gucci, Verscace..., thị phần của Miss Sài Gòn ngày càng thu hẹp. Thế nhưng, với phân khúc nhắm vào đối tượng bình dân và đẩy mạnh xuất khẩu nên các sản phẩm Miss Sài Gòn vẫn có thị trường riêng.
Nếu phân tích các chỉ số tài chính từ năm 2010 đến nay, có thể thấy được đà tăng trưởng khá ổn định của Miss Sài Gòn. Năm 2010, doanh thu của Miss Sài Gòn chỉ 153,5 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 5,8 tỷ đồng thì bước sang năm 2011, doanh thu dù chỉ tương đương năm trước nhưng lợi nhuận lại tăng gần gấp đôi, lên 10,6 tỷ đồng.
Giai đoạn từ 2012-2014, doanh thu của Miss Sài Gòn tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm với lợi nhuận bình quân vào khoảng 11 tỷ đồng/năm. Sang năm 2015, doanh thu của Miss Sài Gòn tăng đột biến lên trên 303 tỷ đồng (tăng trưởng 50%), lợi nhuận lên tới 41 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm trước. Khoản tăng đột biến này đến từ việc Miss Sài Gòn đầu tư bất động sản thu về 58,7 tỷ đồng, lãi 34,25 tỷ đồng.
Năm 2016, doanh thu thuần của Miss Sài Gòn đạt hơn 272 tỷ đồng, tăng trưởng đạt mức 13,17% so với thực hiện năm 2015 (nếu loại trừ yếu tố doanh thu từ bán bất động sản đầu tư của năm 2015), lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 24,9 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2015.
Năm 2017, Miss Sài Gòn đặt kế hoạch doanh thu 310 tỷ đồng và lợi nhuận 28,4 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 12% và 14% so với năm trước.
Có thể thấy đà tăng trưởng của Miss Sài Gòn vẫn ổn định và phát triển trong cơn “sóng gió” nhập khẩu của các hãng nước hoa ngoại.
Tuy nhiên, về lâu dài, trong cuộc chiến khốc liệt giữa các thương hiệu toàn cầu, hàng xách tay, hàng nhập lậu, nước hoa Việt Nam nói chung và Miss Sài Gòn nói riêng gặp nhiều bất lợi. Bên cạnh đó, mỹ phẩm nước ngoài khẳng định đẳng cấp của mình bằng việc bày bán trong các trung tâm thương mại lớn còn Mỹ phẩm Sài Gòn vẫn chưa có "cửa". Hiện Miss Sài Gòn mới chỉ tập trung kênh bán hàng truyền thống, gồm các đại lý, chợ, cửa hàng; các tụ điểm gồm có siêu thị, nhà sách, bán hàng qua mạng và SC Perfume (là chuỗi cửa hàng riêng của công ty) và kênh xuất khẩu.
Ngoài ra, hiện nay, các loại nước hoa hàng hiệu có danh tiếng đều định vị rất hoàn hảo cho sản phẩm của mình. Ví dụ như Chanel N°5 là sự sang trọng, điềm đạm của phụ nữ trưởng thành và có công việc ổn định trong xã hội, Nina Ricci nóng bỏng đầy sức sống, Chloé là biểu hiện cho những phụ nữ dễ say đắm và ngọt ngào. Còn sản phẩm nước hoa Miss Sài Gòn mới chỉ đưa ra cho công chúng thông điệp nhấn mạnh về hương thơm "Miss Sài Gòn, ngây ngất, khó quên" chứ chưa chú ý lột tả những đặc điểm nổi trội của người tiêu dùng Miss Sài Gòn, chưa thể hiện được "người dùng Miss Sài Gòn có cá tính gì?"
Bên cạnh đó, cũng như nhiều thương hiệu Việt Khác, Miss Saigon cũng gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng trong nước ngày càng có xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm ngoại khi các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài đang chiếm tới 90% thị phần tại Việt Nam.
Như vậy, sự cạnh tranh khốc liệt đã đặt ra bài toán lớn cho Miss Sài Gòn để tiếp tục đứng vững trên sân nhà và có những đột phá trong kinh doanh.