Nước EU bất ngờ "cấm cửa" người đi xe đạp từ Nga: Lo sợ khủng hoảng chấn động châu Âu tái diễn

An An |

Quốc gia châu Âu này gần đây đã thắt chặt các biện pháp biên giới bằng cách cấm người dân đi bằng xe đạp từ Nga sang.

Phần Lan cảnh báo đóng cửa biên giới với Nga

Hãng tin RT đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen hôm 14/11 tuyên bố, Phần Lan có thể sớm đóng cửa các trạm kiểm soát biên giới với Nga vì lý do an ninh - lo ngại về những trường hợp nhập cư bất hợp pháp từ các nước thứ ba. Helsinki gần đây đã thắt chặt các biện pháp biên giới bằng cách cấm người dân đi bằng xe đạp từ Nga sang.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, quan chức Phần Lan cáo buộc Nga đã thay đổi chính sách biên giới để cho phép những người di cư bất hợp pháp tràn vào Phần Lan. Do đó, bộ của bà sẽ chuẩn bị một đề xuất gửi chính phủ.

Bộ trưởng Rantanen nói thêm rằng, Helsinki đã liên lạc với Moscow nhưng cuộc đàm phán không mang lại kết quả như mong muốn. Nga hiện vẫn chưa bình luận về cáo buộc của Phần Lan.

Theo chính quyền Phần Lan, khoảng 60 người đã đến biên giới phía đông nước này vào 13 và 14/11, hầu hết trong số họ đến từ Iraq, Somalia và Yemen.

Nước EU bất ngờ cấm cửa người đi xe đạp từ Nga: Lo sợ khủng hoảng chấn động châu Âu tái diễn - Ảnh 1.

Phần Lan dọa đóng cửa biên giới với Nga. Ảnh: Reuters

Bà Rantanen nhấn mạnh, mối quan tâm chính của Phần Lan không phải là số lượng người di cư mà là việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quy mô lớn tương tự như cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn đã gây chấn động khắp Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2015.

Đối với châu Âu, 2015 được coi là năm nhiều sóng gió khi hàng trăm nghìn (một số thống kê cho rằng con số lên đến hàng triệu) người di cư đã đổ về lục địa già, tạo nên cuộc khủng hoảng nhập cư. Người di cư đến từ các khu vực có xung đột khi đó như Syria, Afghanistan hay Libya,...

Cuộc khủng hoảng đã gây nhiều chia rẽ, bất đồng sâu sắc trong nội bộ các nước EU về chính sách ứng phó. Hungary thậm chí đã xây dựng bức tường ngăn chặn dòng người nhập cư vào quốc gia này.

Mối quan hệ giữa Nga và Phần Lan đã xấu đi đáng kể kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.

Phần Lan cũng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Vào tháng 9, Helsinki đã tuân theo các khuyến nghị của khối về hạn chế nhập khẩu và cấm hầu hết ô tô mang biển số Nga vào nước này, đồng thời yêu cầu bất kỳ phương tiện tương tự đã ở trên lãnh thổ Phần Lan phải rời đi trước tháng 3/2024.

EU công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Brussels đang hoàn thiện "các chi tiết cuối cùng" của gói trừng phạt thứ 12 đối với Moscow, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell nói với các phóng viên sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU hôm 13/11.

Theo ông Borrell, gói này sẽ được trình lên Ủy ban Châu Âu phê duyệt vào ngày 15/11. Ông nói thêm, các biện pháp được đề xuất sẽ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu kim cương của Nga đã gây tranh cãi từ lâu.

"Gói thứ 12 này sẽ bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu mới, trong số đó có kim cương hay các biện pháp nhằm thắt chặt trần giá dầu, nhằm giảm doanh thu mà Nga nhận được từ việc bán dầu - không phải bán cho EU mà bán cho các nước khác...", ông Borrell nói.

Nếu nhận được đèn xanh từ Ủy ban Châu Âu, gói này sẽ được chuyển đến Hội đồng EU và phải được tất cả 27 quốc gia thành viên nhất trí thông qua.

Lệnh cấm tiềm năng đối với kim cương của Nga đã được các nước phương Tây thảo luận trong nhiều tháng nay.

Trong khi việc nhập khẩu kim cương thô từ Nga đã bị Mỹ, Anh, Canada và New Zealand cấm hoặc hạn chế một phần vào năm ngoái thì hầu hết các quốc gia châu Âu không có luật nào nhắm vào loại đá này.

Nhóm G7 và EU đang xem xét một lệnh cấm sâu rộng nhằm hạn chế cả việc mua kim cương trực tiếp từ Nga và cơ chế truy xuất nhằm ngăn chặn nhập khẩu gián tiếp.

Theo hãng tin El Pais, một nhóm chuyên gia G7 sẽ đến thăm trung tâm giao dịch kim cương Antwerp, Bỉ trong tuần này để phân tích các đề xuất truy xuất nguồn gốc. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cách đây vài ngày cho biết, lệnh cấm kim cương của Nga đang "đến gần hơn".

Theo RT, các chuyên gia trong ngành cho rằng, ngay cả khi được phê duyệt ở cấp EU thì lệnh trừng phạt kim cương vẫn có thể mất vài tháng mới có hiệu lực. Bỉ hy vọng cơ chế này sẽ bắt đầu hoạt động vào quý 1 năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại