Tân Hoa Xã (Trung Quốc) dẫn số liệu từ Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia cho biết nước này ghi nhận tổng nợ công là 10,27 tỷ USD vào cuối quý đầu tiên năm 2023, tăng 2,8% so với quý trước từ 9,99 tỷ USD.
Theo Bản tin thống kê nợ công Campuchia của Bộ Kinh tế và Tài chính nước này xuất bản, nợ công có 67% từ các đối tác phát triển song phương (DP) và 33% từ các đối tác phát triển đa phương.
“Thành phần của cổ phiếu nợ công bao gồm ngoại tệ, trong đó 43% là USD, 21% là SDR (Quyền rút vốn đặc biệt), 12% là CNY (tiền tệ của Trung Quốc), 11% là JPY (tiền tệ của Nhật Bản), 7% là EUR và 6% là nội tệ Campuchia (đồng riel) và các loại tiền tệ khác”, báo cáo nêu.
Trong quý đầu tiên, Chính phủ Campuchia đã ký các khoản vay ưu đãi mới với các đối tác phát triển với tổng số tiền là 488,3 triệu USD, chiếm 21,24% mức trần mà pháp luật nước này cho phép.
"Nhìn chung, tất cả các khoản vay đều có ưu đãi cao với yếu tố tài trợ trung bình khoảng 38%", bản tin cho biết.
Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nước này ghi nhận tổng nợ công là 10,27 tỷ USD vào cuối quý đầu tiên năm 2023. Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Aun Pornmoniroth cho hay tất cả khoản vay được sử dụng để tài trợ cho các dự án đầu tư công trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn và tăng năng suất kinh tế.
Ông này cho biết tình hình nợ công của Campuchia tiếp tục duy trì ở mức "bền vững" và đặt ra "rủi ro thấp" về tình trạng khó khăn về nợ.
Còn theo Khmer Times (Campuchia), trong quý đầu tiên năm 2023, Chính phủ Campuchia đã phát hành chứng khoán chính phủ với tổng số tiền là 100 tỷ KHR (tiền tệ của Campuchia) tương đương 24,67 triệu USD, chiếm 12,30% mức trần mà pháp luật cho phép (813 tỷ KHR) để hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư công nhằm tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo tờ này, tổng nợ công hồi cuối năm 2022 của Campuchia là khoảng 9,97 tỷ USD, dự kiến tăng khoảng 1,42%. Trong khi 5 năm trước đó, con số này là hơn 7 tỷ USD.
Phát biểu về Quản lý kinh tế vĩ mô và Luật ngân sách 2023 tại khách sạn Sofitel Phnom Penh Phokeethra hồi đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Ngân sách (thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia) Hav Ratanak cho biết nợ nước ngoài chiếm 99,82% trong tổng số nợ công của nước này trong năm 2022.
Tổng nợ công hồi cuối năm 2022 của Campuchia là khoảng 9,97 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Ông Ratanak cũng cho biết các khoản nợ đã được thực hiện thông qua các hiệp định song phương và đa phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Trung Quốc và nợ cũ - nợ kế thừa từ các chính phủ tiền nhiệm. Trong bối cảnh Campuchia, nợ cũ được hiểu là các khoản phát sinh trước năm 1993.
"Thứ nhất, nhu cầu đầu tư công ngày càng tăng nên Campuchia phải huy động thêm nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, các dự án phát triển sẽ được ký kết trong năm nay (2023 - PV) sẽ là các dự án đầu tư công trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng vật chất, năng suất kinh tế và sản xuất", ông Ratanak nói.
Tuy nhiên, ông Ratanak cũng cho biết Chính phủ Campuchia sẽ huy động thêm nguồn tài chính với mức ưu đãi cao và tăng cường hiệu quả trong việc quản lý và thực hiện các dự án, trong khi các khoản nợ công của Campuchia trong thời gian hiện tại và trung hạn sẽ vẫn bền vững với rủi ro thấp và nợ công sẽ được duy trì ổn định.
Các nguyên tắc quản lý nợ công của Campuchia bao gồm quy mô khoản vay phải phù hợp với tình hình ngân sách và khả năng của nền kinh tế, là khoản tín dụng phải có ưu đãi cao hoặc ưu đãi nhất.
Cùng đó là khoản vay phải được sử dụng vào mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, phân bổ phải minh bạch cao, có trách nhiệm giải trình, hiệu lực và hiệu quả.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia kỳ vọng năm 2023 nền kinh tế Campuchia sẽ đạt tăng trưởng 6,6% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người dự kiến đạt 1.924 USD cao hơn so với năm 2022 là 1.785 USD.