Đòn giáng vào kinh tế
Giá trị của đồng USD so với đồng nội tệ Ai Cập trên thị trường không chính thức của Ai Cập đã tăng vọt trong 2 tuần qua. Đây là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của đất nước. Sự gia tăng của tý giá hối đoái này được cho là hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột Israel-Hamas.
Một đồng USD Mỹ chính thức bằng 30,90 bảng Ai Cập, trong khi giá trị của nó so với thị trường chợ đen nội tệ dao động từ 45-47 bảng Ai Cập khiến giá các mặt hàng cơ bản tăng mạnh. Các mặt hàng này chủ yếu được nhập khẩu.
Nhà nghiên cứu kinh tế Ahmed Abdel-Thaher nói với The New Arab: "Xung đột Israel - Gaza là một trong những yếu tố gây thiệt hại nặng nề cho đồng bảng Ai Cập, khiến đồng tiền này giảm ở mức kỷ lục. Tuy nhiên đây không phải là lý do duy nhất sau sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ."
Ông giải thích: "Có lẽ Ai Cập là nước đứng đầu trong số các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh đang diễn ra giữa lực lượng Hamas và Israel."
Cho tới nay, tất cả các chỉ số đều cho thấy tình trạng thiếu ngoại tệ đang diễn ra, đặc biệt là đồng USD của Mỹ, ngay cả sau khi chính phủ nước này thực hiện một số biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào đồng bạc xanh.
(Từ trái sang phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi chụp ảnh bên lề cuộc họp của nhóm BRICS. Ảnh: AFP
Ai Cập sẽ chính thức gia nhập nhóm BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) vào năm 2024. Đầu năm nay, ngân hàng trung ương Nga đã bổ sung đồng bảng Ai Cập vào tỷ giá hối đoái của Nga. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy vẫn chưa mang lại kết quả.
Ai Cập trước đó đã mở cửa cho các giao dịch thương mại không sử dụng đồng USD thông qua Hiệp định Song phương với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một bước đi có thể giúp thúc đẩy việc đưa đồng bảng Ai Cập vào các giao dịch tài chính quốc tế với các nước BRICS - nhóm vốn cũng đang tìm cách chấm dứt sự thống trị của đồng USD.
Thị trường sôi nổi
Ảnh: Getty
Đồng nội tệ của Ai Cập từ lâu đã gặp khó khăn so với đồng USD Mỹ do các biện pháp kinh tế gây khó khăn so với đồng USD Mỹ.
Chính phủ nước này đã thực hiện một số biện pháp khuyến khích người dân hạn chế sử dụng đồng USD, ví dụ, hạn chế việc sử dụng thẻ tín dụng ở mức 250USD/tháng và cấm sử dụng thẻ ghi nợ để rút tiền mặt ở nước ngoài.
Người dân cũng không thể nhận USD từ các ngân hàng hoặc văn phòng đổi tiền của Ai Cập.
Một thương nhân hoạt động trong chợ đen nói với The New Arab rằng: "quyết định gần đây nhằm kiểm soát việc sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng ở nước ngoài khiến nguồn cung cao hơn nhu cầu. Điều này làm tỷ giá đồng USD tăng cao, thậm chí tăng theo giờ thay vì theo ngày."
Một nguồn tin quan chức cấp cao của Ai Cập nói với TNA rằng “ngay cả các tổ chức nhà nước hiện đang tìm kiếm USD và các ngoại tệ khác thông qua thị trường chợ đen để xử lý các giao dịch. Những nỗ lực gần đây của Ai Cập nhằm giảm bớt sự thống trị của đồng USD chưa thể được coi là thành công vì tỷ giá hối đoái của đồng USD trên thị trường chợ đen không ngừng tăng.”
Mất sạch nguồn cung khí đốt
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 29/10, nội các Ai Cập cho biết trong một tuyên bố rằng, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Ai Cập đã giảm từ 800 triệu feet khối/ ngày xuống còn 0. Điều này dẫn tới việc tình trạng cắt điện xảy ra thường xuyên hơn ở quốc gia này.
Chính phủ Ai Cập đã tăng thời gian cắt điện do nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao đồng thời việc nhập khẩu khí đốt giảm, một phát ngôn viên nội các Ai Cập nói với Reuters.
Ông cũng cho hay, năng lượng được tạo ra từ năng lượng tái tạo cũng đã giảm.
Mỏ khí Tamar. Ảnh: NewMed Energy/Delek Drilling
Đầu tháng này, tập đoàn năng lượng Chevron đã đóng cửa mỏ khí đốt Tamar của Israel trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas và đình chỉ xuất khẩu khí đốt qua đường ống EMG dưới biển chạy từ Ashkelon ở miền nam Israel đến Ai Cập.
Ai Cập dựa vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Israel để đáp ứng một số nhu cầu trong nước cũng như để tái xuất khẩu.
Reuters cho biết, Ai Cập, nơi có nhu cầu khí đốt ngày càng tăng, cũng đã chứng kiến sản lượng khí đốt của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trong năm nay. Đất nước này đã phải vật lộn với tình trạng thiếu điện vào mùa hè do nhu cầu làm mát không ngừng tăng.