Đối với nhiều cô gái, tiếp viên hàng không là một nghề rất đáng mơ ước. Ở đó, họ sẽ được thoải mái bay lượn trên bầu trời, được đi tới những vùng đất mới, quen những con người mới. Cuộc sống với họ là sự chuyển động không ngừng.
Nhưng nghề nào cũng vậy, sẽ luôn có những góc không sáng. Và với các tiếp viên hàng không cũng không phải ngoại lệ, khi mà càng những ngày người ta được nghỉ thì mình sẽ phải đi làm.
Mạc Huyền Trang, 30 tuổi hiện đang làm tiếp viên hàng không hạng thương gia cho hãng Vietnamairlines cũng cảm nhận y như vậy về cuộc sống và nghề nghiệp của mình. Vào nghề đã 8 năm nhưng càng những ngày cận Tết, cô lại càng bận, và hơn nữa cũng chưa có năm nào từ ngày vào nghề, cô được đón năm mới tròn vẹn ở nhà.
Huyền Trang là một tiếp viên hàng không của hãng bay quốc gia với 8 năm kinh nghiệm.
Từng đó thời gian trong nghề cũng là bao nhiêu năm chị không được đón giao thừa với gia đình.
Vốn yêu thích nghề tiếp viên hàng không từ bé nên sau khi sang Praha, Cộng hòa Séc để học ngành kinh tế, Trang lại về nước để thi vào làm tiếp viên. Cô đã chọn môi trường làm việc khác hoàn toàn so với những gì đã được học trong suốt những năm tháng ngồi ghế giảng đường.
"Hiện mình đang làm tiếp viên hạng thương gia và đã trong nghề được 8 năm rồi. Hồi bé mình ở Praha cùng bố mẹ, mỗi lần về Việt Nam chơi đi máy bay nhìn thấy mấy cô tiếp viên lại mơ ước lắm. Mình vào trong hãng rồi gặp chồng mình cũng làm ở đây luôn. Vậy là hai vợ chồng cùng nghề cùng nghiệp", Trang cho biết.
Cả hai vợ chồng Trang đều làm trong ngành hàng không và cùng là tiếp viên ở khoang hạng thương gia.
Sau khi được nhận vào làm tiếp viên hàng không, Trang cũng rời Praha về Hà Nội sinh sống. Cô giờ đã là mẹ hai con, một bé gái lớn và mới đây lại sinh thêm một cậu con trai kháu khỉnh nữa. Đến khi sinh con nhỏ, Trang không sinh con ở nhà mà chọn Praha để ở cùng với ông bà ngoại các bé. Vậy là cái Tết năm nay, tuy được nghỉ ngơi, không phải bay nhưng Trang vẫn ăn Tết xa nhà.
Cô nữ tiếp viên hàng không kể rằng, nằm ở nhà ôm con những ngày cuối năm này mới có thời gian tĩnh lặng nghĩ về những mùa Tết đã qua, những mùa chị phải trực xuyên không gian để phục vụ hành khách, đón giao thừa trên cao, rồi lại tiễn khách về với gia đình, còn mình tiếp tục bay, đó là những trải nghiệm đáng nhớ.
"Mình còn nhớ lần đầu đi bay cũng là vào đúng đêm giao thừa. Lúc đó cảm giác buồn lắm, nhìn hành khách tay xách nách mang đồ đạc để về quê ăn Tết mà nước mắt cứ thế rơi luôn vì nhớ nhà.
Nhưng rồi sau đó lại nghĩ rằng mình đưa được hành khách về nhà an toàn với người thân thì lại thấy vui và yêu công việc của mình hơn. Thậm chí trong lòng mình còn cảm thấy rất hãnh diện nữa", Trang chia sẻ.
Thời thanh xuân thì thấy Tết trên máy bay cũng rất đỗi bình thường.
Trang vào ngành 2 năm thì gặp và kết hôn với người chồng hiện tại và những ngày còn độc thân thì mới có cảm giác tủi thân. Còn khi lập gia đình rồi thì mọi thứ lại hoàn toàn khác, cô trở nên... sợ Tết, sợ cái cảm giác vội vàng, hối hả của những ngày lễ lớn nhất năm này.
"Khi có con rồi thì Tết lại tự nhiên lại trở thành cơn ác mộng. Con không có người trông mà lịch bay Tết thì lại dày đặc, hầu như ngày nào mình cũng phải xách va li đi. Thú thật là chưa năm nào mình đón giao thừa ở nhà , cho nên lúc nào cũng chỉ mong cho Tết qua nhanh thì sẽ đỡ cực hơn".
Khi đã có chồng và có con thì Tết với các cô tiếp viên sao lại chật vật đến như vậy.
Hai vợ chồng Trang làm cùng ngành, cùng hãng bay, hồi đang yêu nhau thì vui lắm bởi vì toàn chọn bay cùng nhau, đáp xuống sân bay là kéo nhau đi chơi luôn, chẳng thấy mệt mỏi gì. Còn giờ, khi đã về chung một nhà, những giây phút đó chẳng còn nữa, họ đành phải thay nhau đi bay, luân phiên nhau ở nhà để có người trông con.
"Nhiều khi vợ chồng xa nhau lâu ngày, về lại mệt mỏi cũng phải đi ngủ để lấy lại sức. Thời gian đầu mình cũng thấy tủi lắm, nhưng mà sau dần thành quen thì lại hiểu và thương nhau nhiều hơn. Làm nghề này cũng có nhiều áp lực cho nên việc dẹp bỏ cái tôi là điều vô cùng quan trọng. Vợ chồng nếu không tin tưởng và thấu hiểu cho nhau thì dễ đi đến bất đồng và đổ vỡ lắm".
Cũng may là vợ chồng làm cùng ngành mới hiểu nhau, yêu nhau nhiều hơn.
Bởi như vậy mới nói, để giữ được một gia đình thì cả hai bên phải cố gắng nhiều lắm. Nhất là những lúc bận rộn như ngày Tết này thì vợ chồng càng phải an ủi và động viên nhau nhiều hơn.
"Tết cũng có nghĩa là nhà mình lại phải xin bay luân phiên nhau, chồng bay sáng thì vợ bay chiều và ngược lại. Người Việt thì ngày Tết trên hết vẫn cứ phải cơm nước cúng bái đàng hoàng, thành thử mình vất vả hơn ngày thường nhiều.
Mình hầu như không một phút nào được nghỉ ngơi, đi bay về là tranh thủ nấu nướng xong lại chăm con. Tết đúng là khoảng thời gian mình thấy bận kinh hoàng.
Năm nay ở bên Praha cùng bố mẹ thì cũng không vui vì chỉ có nhà mình tự tổ chức Tết thôi, mọi người ở đây vẫn đi làm bình thường chứ không có hoạt động chào đón năm mới gì cả".
Cái Tết đầu tiên không phải bay nhưng Trang lại sang Praha để sinh em bé còn chồng và con gái lớn thì vẫn ở lại Việt Nam.
Người xưa vẫn nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ý là đã chọn nghề nào thì phải theo nghề đó bằng tất cả tâm huyết của mình nếu muốn thành công.
Nghề tiếp viên hàng không là một nghề cho con người ta nhiều trải nghiệm nhưng lại lấy đi nhiều thời gian và những phút giây yên bình bên gia đình. Không dừng lại ở đó, phụ nữ làm nghề này cũng vất vả hơn gấp bội vì không chăm được con, cường độ công việc cao bất kể đêm ngày.
Những cô tiếp viên như Huyền Trang, ai cũng biết điều đó nhưng đã chọn rồi thì biết phải làm sao, đành cứ cống hiến với nó cho đến khi nào không thể nữa thì thôi. Và với họ, những cái Tết tròn vẹn với gia đình sao vẫn cứ xa khỏi tầm tay.