Nữ sinh tình nguyện khuyết một tay, điều phối phân làn giao thông tại điểm thi đại học

Lê Ái |

Hình ảnh nữ sinh viên tình nguyện một tay đã truyền cảm hứng cho nhiều người xem, đặc biệt là những ai đang ở cùng hoàn cảnh khiếm khuyết như Mai.

Kỳ thi THPT Quốc gia đang diễn ra với những thông tin thú vị về sĩ tử, đề thi cũng như những câu chuyện cảm động chạm đến trái tim triệu độc giả.

Có những bạn trẻ không là nhân vật chính, nhưng vẫn được chú ý của cộng đồng theo cách của riêng mình. Phạm Thị Hồng Mai (sinh năm 1997, tại Hải Phòng), nữ sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại TP. Hải Phòng là một trong số những người như vậy.

Bức ảnh được đăng tải trên Fanpage Tiếp sức mùa thi Hải Phòng ghi lại khoảnh khắc Mai khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện, biểu tượng của tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết, ánh mắt cô gái kiên định nhìn thẳng, một tay gương cao ngọn cờ, một bên tay còn lại chỉ có ống tay áo lủng lẳng.

Nữ sinh tình nguyện khuyết một tay, điều phối phân làn giao thông tại điểm thi đại học - Ảnh 1.

Hình ảnh gây xúc động của Mai, nữ sinh viên một tay trên mạng xã hội.

Hình ảnh nữ viên tình nguyện một tay đã truyền cảm hứng cho nhiều người xem, đặc biệt là những ai đang ở cùng hoàn cảnh khiếm khuyết như Mai.

Nữ điều phối viên một tay năng nổ

Chia sẻ với chúng tôi, Mai hào hứng cho biết: "Mình là sinh viên năm 2 ngành Tài chính kế toán của trường ĐH Hàng Hải Việt Nam. Đây là năm thứ hai mình tham gia tiếp sức mùa thi.

Ở trường, có hoạt động nào của khoa, của trường mình đều tham gia hết, một số chương trình có thể kể đến như cùng em đến trường, tổ chức tặng quà tại làng trẻ mồ côi Hoa Phượng, hiến máu nhân đạo, chương trình áo ấm mùa đông, mùa đông nơi biên giới...".

Trong đợt tuyển sinh năm nay, Mai và các bạn trong nhóm tình nguyện "đóng" tại điểm thi trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Hải Phòng).

Cô bạn được giao nhiệm vụ hỗ trợ các thí sinh và điều phối làn đường, giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông trước điểm thi.

Nhìn cái dáng nhỏ xíu chỉ cao 1m50 nặng 43kg của Mai trong lúc làm nhiệm vụ, nhiều người ghi nhận sự nhiệt tình và nỗ lực của cô gái trẻ.

Không giống như các bạn, mọi việc lớn nhỏ Mai đều phải làm đôi bàn tay phải. Khuyết tật bẩm sinh đã cướp đi của Mai bàn tay trái và khiến cô bạn đối diện với nhiều khó khăn trong sinh hoạt lẫn cuộc sống.

Năm lớp 7 là giai đoạn khủng hoảng của Mai. Ở cái tuổi 13 chưa hẳn đã lớn cũng không là trẻ con Mai nhận thức được sự khác biệt của mình.

Cô gái buồn lắm. Mỗi lần có bạn nam nào trong lớp trêu, nữ sinh cảm thấy như có ai đó cầm dao cứa từng nhát vào tim mình. Mai khóc và có nhiều lúc suy nghĩ tiêu cực: "Tay mình như thế này còn làm được gì trên đời".

Nữ sinh tình nguyện khuyết một tay, điều phối phân làn giao thông tại điểm thi đại học - Ảnh 2.

Mai trò chuyện vui vẻ với các bạn trong nhóm sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi.

Những lúc buồn bã nhất, Mai có gia đình ở cạnh để yêu thương và động viên. Bố Mai khuyên nhủ: "Con gái à, con hãy nhìn ra xung quanh đi.

Còn có biết bao nhiêu người yêu quý con, tin tưởng vào nghị lực sống của con. Có những hoàn cảnh còn khổ hơn mình nhiều mà họ vẫm vươn lên mạnh mẽ....".

"Buồn thì buồn nhưng mình vẫn phải học để làm những việc mà mình muốn", Mai tự nói với chính mình

Suốt ba năm cấp 3, Mai giành danh hiệu học sinh giỏi. Lên đại học, kỳ nào Mai cũng đạt học bổng. Điểm trung bình chung tích lũy của nữ sinh đạt 3,63/4. Điểm trung bình mỗi kỳ học, Mai được 3,6 điểm, riêng kỳ 1B vừa rồi cô bạn được 3,78.

Với số điểm này, có lúc Mai trở thành nữ sinh viên có điểm phẩy cuối kỳ cao nhất lớp, nhất ngành Kế toán của khóa.

"Trường Hàng hải không phải trường mà mình mơ ước. Mong muốn của mình là được học Dược nhưng "học tài thi phận", điểm thi của mình không được như mong đợi.

Gia đình không muốn mình đi học xa nên mình quyết định vào ĐH Hàng hải. Mình chọn ngành Kế toán vì nghĩ đây là ngành học thích hợp", Mai nói.

Hoạt động xã hội: Mở tung cánh cửa bước ra thế giới

Để tham gia tiếp sức mùa thi, Mai phải dậy thật sớm buổi sáng. Cô bạn đi nhờ xe máy của bạn học đến điểm tiếp sức vì không thể tự lái xe máy.

Nhà nữ sinh cách điểm thi 5 km. Buổi trưa, Mai ăn cơm hộp miễn phí rồi lại tiếp tục vào "ca" hỗ trợ thí sinh thi buổi chiều.

"Ngay từ ngày đầu bước chân vào trường đại học, mình đã ý thức là phải tham gia thật nhiều hoạt động tình nguyện.

Mình xem đó là niềm đam mê, sở thích mà không ai có thể ngăn cấm được. Mình có khuyết tật và gầy nhưng sức khỏe không hề thua kém bạn nào.

Làm việc hay đứng dưới nắng, mình cũng chưa phải truyền nước bao giờ. Với mình, tham gia các hoạt động tình nguyện là cách để bản thân bước qua rào cản và hòa nhập với cộng đồng, xã hội", Mai mạnh mẽ.

Nghĩ về những ngày tháng trước mắt, cô sinh viên khuyết tật thoáng chút chông chênh.

Song nỗi sợ ấy nhanh chóng được xóa tan bởi quyết tâm của tuổi trẻ: "Cứ gắng học cho thật giỏi đi đã, sau này ra trường rồi sẽ tìm được một công việc thích hợp cho mình".

Nữ sinh tình nguyện khuyết một tay, điều phối phân làn giao thông tại điểm thi đại học - Ảnh 3.

Tham gia nhiều hoạt động xã hội khiến Mai thấy mình tự tin, hòa nhập hơn với cuộc sống.

Nữ sinh tình nguyện khuyết một tay, điều phối phân làn giao thông tại điểm thi đại học - Ảnh 4.

9X đặt mục tiêu học thật giỏi để kiếm được việc làm sau khi ra trường.

Bố mẹ Mai ủng hộ con gái trước quyết định mạnh dạn bước ra thế giới bên ngoài bằng cách tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện.

Năm trước, cô bạn có mặt trong hoạt động Mùa hè xanh, về xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy cách nhà 30 km trong 2 tuần.

Đó là lần đầu tiên Mai xa nhà lâu đến thế. Cô bạn cảm thấy vui vì được nhận sự tin tưởng của bố mẹ, cảm thấy mình đã thật sự trưởng thành.

"Bố mẹ mình rất dễ tính và luôn tôn trọng quyết định của mình. Hơn ai hết, bố biết nếu mình tham gia những hoạt động xã hội nhiều thì nó sẽ khiến mình tự tin hơn, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn", 9X nói.

Trong mắt cô gái trẻ, tình nguyện là một hoạt động rất thiết thực, nó mang lại cho bản thân mình nhiều trải nghiệm mới, có thêm nhiều bạn bè, khiến mình cảm thấy vui, cuộc đời sinh viên thêm ý nghĩa, tươi đẹp hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại