Trào lưu du lịch ẩm thực (food tour) hiện đang thu hút lượng lớn du khách đến với Hải Phòng, trong đó có nhóm bạn của Lê Thu Phương (góc phải), nữ sinh năm 4 Học viện Ngân hàng. Phương và các bạn tranh thủ đón tàu hỏa từ 6h sáng ngày chủ nhật ở ga Hà Nội để có nhiều thời gian tham quan, khám phá.
Sau khi di chuyển 3 tiếng bằng đường sắt, nhóm Thu Phương thuê xe máy tại ga Hải Phòng. Hiện giá thuê xe trên dưới 100 nghìn đồng/ngày nên tiết kiệm hơn nhiều so với đi taxi.
Nhóm nữ sinh chọn quán bánh đa Bà Cụ (179 Cầu Đất) là điểm đến đầu tiên trong chuỗi food tour Hải Phòng. Đây là món ngon đặc trưng của thành phố hoa phượng đỏ, chia thành 2 loại bánh đa trắng - đỏ, bao gồm nước riêu cua, tôm xào, rau cần, chả cá… Để bát bánh đa thêm đậm đà thì chủ quán khuyên nhóm Thu Phương dùng kèm nước sốt me hoặc “chí chương” (cách người Hải Phòng gọi tương ớt).
Tiếp đó, nhóm trẻ di chuyển đến đường Phan Bội Châu, nơi được mệnh danh là con đường trà hoa cúc. Theo Thu Phương, trà cúc Hải Phòng có hương thanh ngọt, sử dụng quất, sả và đường để giảm vị đắng. Khác với trà cúc nóng Hà Nội, đất cảng biến tấu thức uống này thành đồ lạnh, phù hợp với thời tiết mùa hè nóng nực.
Tại quán Twinnie Coffee Lounge (25 Phan Bội Châu), các bạn vừa thưởng thức món trà độc lạ, vừa tranh thủ chụp hình với nhiều góc trang trí.
Nhóm bạn tiếp tục chọn quán cô Chuyên (159 Cát Dài) để trải nghiệm món bánh đúc Tàu. Đây là món ăn vặt do người Hoa ở Hải Phòng sáng chế ra, thường được cắt thành từng miếng nhỏ, dùng kèm nước mắm chua ngọt và đu đủ, su hào, tôm rang, hành phi, tóp mỡ. Bữa ăn nhẹ này được Thu Phương đánh giá là vừa túi tiền, có giá 12 nghìn đồng/bát.
Tới trưa, Thu Phương và các bạn quay về chợ Cố Đạo để ăn bún nem cua bể (92 Trần Nhật Duật). “Món nem gói theo hình tam giác, lại to hơn mình tưởng tượng nên ăn rất no”, Phương chia sẻ. Mình khuyên nhóm nào đi dưới 5 người thì chỉ nên gọi 3 chiếc nem, bởi đồ chiên rán dễ đầy bụng và làm mất hứng ăn uống.
Tại chợ ẩm thực Chu Văn An, nhóm nữ sinh chọn món bánh bèo là món ăn nhẹ kế tiếp cho chuyến food tour Hải Phòng. Chị Mây, người gốc Hải Phòng, cho biết gia đình mình bán bánh bèo trên 20 năm và thường xuyên giao hàng đi nhiều tỉnh, thành khác.
“Từ lúc rộ lên phong trào food tour là cuối tuần nào quán cũng đông khách. Ai đặt mua về tỉnh xa thì quán hỗ trợ đóng gói hút chân không”, chị Mây chia sẻ về tình hình buôn bán tích cực sau dịch Covid-19.
Sau nửa ngày no nê, nhóm Thu Phương quyết định không ăn tiếp nữa mà mua bánh mì que mang về ở số 26 Đinh Tiên Hoàng. Món ngon này có nguyên liệu pa tê đơn giản song lại được nhiều du khách ưa chuộng. Ai ghé mua cũng phải xin đóng gói trên dưới 20 chiếc bánh. Bản thân Thu Phương mang về tận 30 chiếc bánh mì que cho gia đình, tranh thủ đặt mua thêm 2 chiếc nem cua bể và 1 hộp bánh da lợn.
Ngoài khám phá ẩm thực thì nhóm bạn trẻ còn dừng chân ở một số địa danh đẹp, phù hợp “sống ảo" như: bến phà Bính, bưu điện Hải Phòng, sông Tam Bạc…
Thùy Chi (ngoài cùng bên trái) là cô nàng chăm chụp hình nhất nhóm. Chi nhận xét cảnh quan Hải Phòng là hoài cổ, ăn ảnh nên tạo dáng ở đâu cũng đẹp.
Kết thúc hành trình food tour Hải Phòng, nhóm bạn ghé ăn nốt dừa dầm ở đường Lạch Tray. “Món chè này như thể sinh ra cho mùa hè vậy, tiếc là hơi ngọt vì có nhiều thành phần làm từ dừa quá: thạch dừa, cùi dừa thái nhỏ xong lại nước cốt dừa béo ngậy!”, Thu Phương đánh giá.
18h, Thu Phương và các bạn đi trả xe để kịp lên tàu về Hà Nội. Chuyến đi này hết tổng cộng 800 nghìn đồng/người từ đi lại đến ăn uống, được nhóm trẻ kết luận là rất đáng đi. Tuy vậy, nhóm bạn khuyên du khách tìm hiểu kỹ địa điểm để sắp xếp lịch trình đi lại hợp lý, chú ý chọn các quán ăn gần nhau để tiết kiệm thời gian.