Nữ sinh chém bạn trai vì đòi quà có phải là phòng vệ chính đáng?

Hoàng Hải |

Theo luật sư, nếu có căn cứ xác định nam sinh cầm mũ bảo hiểm đánh nữ sinh đến mức đường cùng thì hành động dùng dao chống trả là phòng vệ chính đáng.

Liên quan đến vụ việc nữ sinh trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội (đang ở tại ký túc xá trường) dùng dao chém bạn trai gây thương tích, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh (đoàn LSTP Hà Nội) về vụ việc trên.

Theo Luật sư Anh Thơm cho biết: Qua nội dung ban đầu báo chí thông tin, xuất phát từ việc chia tay nhau, nam sinh đã đến Ký túc xá nữ sinh để giải quyết mâu thuẫn và đòi lại những món quà bản thân đã tặng trước đó nên hai bên xảy ra cãi chửi nhau.

Nam sinh dùng mũ bảo hiểm đánh vào người nữ sinh. Do bức xúc bị đánh nên nữ sinh đã chạy vào trong phòng lấy dao chém lại gây thương tích cho nam sinh phải khâu 03 mũi trên đầu.

"Nếu có căn cứ xác định, nam thanh niên cầm mũ bảo hiểm truy đuổi đánh nữ sinh đến mức đường cùng chạy vào phòng không có lối thoát thì hành vi bột phát lấy dao dùng trong sinh hoạt chống trả lại trước sự quyết liệt của nam sinh để bảo vệ tính mạng bản thân được coi là phòng vệ chính đáng.

Điều 15 Bộ luật hình sự qui định phòng vệ chính đáng " Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm", Luật sư Anh Thơm cho biết.

Nữ sinh chém bạn trai vì đòi quà: Phòng vệ chính đáng? - Ảnh 1.

Rất nhiều sinh viên hiếu kỳ sống trong ký túc xá trường Đại học Giao thông vận tải tập trung theo dõi vụ việc. (Ảnh: Beat.vn)

Luật sư Anh Thơm cũng cho biết thêm: Trường hợp, nếu xác định nữ sinh bị nam sinh dùng mũ bảo hiểm gây thương tích về sức khỏe nhưng do yếu thế không đánh trả được đã chạy vào phòng cầm dao quay lại chém nam sinh vào đầu với thương tích nặng thì có dấu hiệu Tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự vì do nạn nhân có lỗi đánh gây thương tích trước.

Ngược lại, nếu nữ sinh bị nam sinh đánh cũng gây thương tích mà yêu cầu cơ quan pháp luật khởi tố và cho đi trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật thì nam sinh sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Nếu thương tích của nữ sinh dưới 11 % thì vẫn có thể xử lý trách nhiệm hình sự nam sinh theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết "có tính chất côn đồ".

Nữ sinh chém bạn trai vì đòi quà: Phòng vệ chính đáng? - Ảnh 2.

Khu ký túc xá trường Đại học Giao thông vận tải, nơi xảy ra vụ việc.

Theo thông tin phản ánh, thương tích vùng đầu nam sinh bị khâu 03 mũi nhiều khả năng đã bị nữ sinh chém sượt.

Như vậy, mặc dù nữ sinh đã dùng dao tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể nam sinh nhưng xét mức độ thương tích là không đáng kể, thực tế chưa gây nguy hiểm đến tính mạng thì hành vi của nữ sinh có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.

Như vậy, để có căn cứ xử lý hình sự nữ sinh thì nam sinh phải có đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị cho đi trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở xử lý theo qui định của pháp luật.

Nếu nam sinh không yêu cầu khởi tố thì không có căn cứ xử lý hình sự nữ sinh về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Như đã thông tin trước đó, vào khoảng 22h đêm ngày 17/10, một nam thanh niên là sinh viên 1 trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội đã tìm đến phòng trọ của bạn gái đang ở tại ký túc xá trường Đại học Giao thông chơi.

Tuy nhiên, sau khi đến đây, hai người này đã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Sau đó, nam sinh này đã bất ngờ dùng mũ bảo hiểm đánh bạn gái. Bị đánh bất ngờ, nữ sinh này đã lấy dao chém nhiều nhát vào tay và đầu bạn trai.

Sau khi bị bạn gái chém trọng thương, nam sinh đã nhanh chóng được các sinh viên trong ký túc xá đưa đi cấp cứu. Đồng thời, ban quản lý của ký túc xá đã thông báo cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ vụ việc.

Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại