Nữ nhà văn kể về 2 lần cứu các cô gái trẻ ở Lào Cai bị bắt giữa phố mang về làm vợ

Hoàng Đan |

Theo nhà văn Ngọc Hân, nhìn vào tục bắt vợ có thể thấy, quyền mưu cầu hạnh phúc của chàng trai nghèo được bảo vệ nhưng quyền lựa chọn hôn nhân chính đáng của cô gái lại bị chà đạp.

Xâm phạm quyền con người như tục bắt vợ thì nên bỏ.

Chia sẻ với PV, nhà văn Tống Ngọc Hân, người từng có nhiều năm gắn bó với Lào Cai cho biết, sau khi theo dõi thông tin về việc cô gái bị kéo tụt váy, bắt về làm vợ trên phố ở Sa Pa trong chiều mùng 2 Tết Nguyên đán vừa qua, chị cảm thấy rất buồn.

Theo nhà văn, hàng năm, từ Tết Nguyên đán cho đến hết mùa xuân sang hè, người Mông đều tổ chức kéo vợ cho các chàng trai nhà nghèo kém may mắn hoặc vì lý do gì đó mà chưa lấy được vợ như mong muốn.

"Tục kéo vợ ở đây có nét nhân văn, đó là tìm đến sự công bằng cho những chàng trai Mông, Dao... nghèo có thể lấy được vợ mà không phải sa vào cái cảnh sính lễ nặng nề.

Bởi thực tế để cưới được một cô vợ thì có khi chàng trai người Mông sẽ bị thách cưới từ vài chục đến cả trăm triệu đồng", nhà văn Tống Ngọc Hân nói.

Nữ nhà văn kể về 2 lần cứu các cô gái trẻ ở Lào Cai bị bắt giữa phố mang về làm vợ - Ảnh 1.
Ảnh cắt từ clip.

Tuy nhiên, theo nhà văn, tục lệ nào cũng phải dựa trên luật pháp và tôn trọng luật pháp cũng như quyền con người. Tục lệ nào tôn trọng quyền con người thì giữ lại còn đã xâm phạm quyền con người thì nên bỏ.

Đối với tục bắt vợ có thể thấy rõ, quyền mưu cầu hạnh phúc của người trai nghèo được bảo vệ, nhưng quyền lựa chọn hôn nhân chính đáng của các cô gái lại bị chà đạp. Vì thế, lợi bất cập hại và rất phản cảm.

"Nếu có giữ, theo tôi, chỉ nên giữ ở hình thức nguyên khai ban đầu khi những đôi trai gái yêu nhau, đồng thuận đi đến hôn nhân thì chàng trai mới tổ chức bắt vợ như thế vừa đẹp đẽ, nhân văn.

Còn một khi đã biến tấu từ kéo vợ sang bắt vợ là không tốt. Bản thân phong tục cũng có sự thay đổi, dịch chuyển qua từng giai đoạn cho phù hợp với điều kiện sống chứ không phải là bất di bất dịch.

Vì thế việc hoán cải theo chiều hướng tích cực để làm đẹp cuộc sống là hoàn toàn có thể nhưng có điều, chúng ta làm hay không mà thôi", nhà văn chia sẻ.

Hai lần cứu nạn nhân bị bắt vợ

Nữ nhà văn cho biết thêm, trong quá trình sinh sống, làm việc tại Sa Pa, Lào Cai chị đã từng nhiều lần gặp các trường hợp bắt vợ của thanh niên người Mông và đã phản đối không ít lần bằng các tác phẩm cũng như trực tiếp giúp đỡ nạn nhân là các cô gái còn rất trẻ.

Lần đầu tiên vào năm 1997, nhà văn Ngọc Hân đã chứng kiến và giúp đỡ nạn nhân một vụ bắt vợ ở thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai). Cô gái bị bắt vợ khi đó còn rất trẻ và là người Mông Hoa Bảo Yên còn chàng trai cùng với nhóm bạn thanh niên đi bắt là người Mông Bắc Hà.

"Khi hai bên đang giằng kéo nhau giữa cầu, cô gái gào khóc rất thảm thiết, tôi không biết làm thế nào thì may lại nhìn thấy ba cán bộ quản lý thị trường đang đứng trước cửa một quầy tạp hóa.

Tôi vội năn nỉ nhờ các anh ấy giúp nhưng ban đầu, các anh bảo việc này phải gọi công an chứ quản lý thị trường không có thẩm quyền.

Lúc đó, đồn công an ở xa nên tôi bảo bộ quần áo các anh mặc cũng giống công an nên cứ dọa cho đám thanh niên đấy vài câu.

Ba cán bộ thị trường liền tiến vào đám đông và một người bảo, mọi người buông cô ấy ra, bắt người như thế này là vi phạm luật pháp đấy, có thích đi tù không?.

Nghe thấy đi tù, một lúc sau, đám thanh niên nhà trai nao núng rồi buông cô gái ra trong tiếc nuối", nhà văn Ngọc Hân nhớ lại.

Vào tháng 5/2016, nhà văn Ngọc Hân tiếp tục chứng kiến và trực tiếp liên hệ, giúp đỡ một cháu gái mới học lớp 9 tên Van là nạn nhân trong vụ bắt vợ của nhóm thanh niên ở thị trấn Sa Pa.

"Tôi đã nhờ người liên hệ với nhà trường và thầy giáo của cháu Van kịp đến để thương lượng, cứu cháu trước khi "gạo thổi thành cơm".

Thực tế, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc nhưng tôi cảm thấy, họ mới chỉ giải quyết sự việc ở bề nổi còn sâu gốc vấn đề thì chưa. Do đó, cần có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bỏ được biến tấu bắt vợ này đi", nhà văn đề nghị.

Đồng quan điểm đó, nhà văn, nhà nghiên cứu Mã A Lềnh cho hay, cá nhân ông cũng cảm thấy rất đau lòng khi chứng kiến những biến tướng của việc bắt vợ.

Theo ông A Lềnh, tục kéo vợ hay bắt vợ của người Mông không phải lần đầu tiên xảy ra mà đã có từ thời phong kiến và xét trên khía cạnh văn hóa, đây là một nét đẹp, truyền thống.

"Tuy nhiên, dù tục lệ có thế nào cũng phải tuân thủ, tôn trọng pháp luật và nếu không thực hiện được việc này thì cần xử lý nghiêm minh", nhà văn A Lềnh nói.

Cô gái bị bắt giữa đường để mang về làm vợ vào ngày mùng 2 Tết


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại