Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về "nỗi oan" của nghề và chuyện từ chối "20 triệu cho 15 phút"

Theo Huyền Trang. Ảnh: K.L |

“Những vũ công múa cột luôn được các bar “săn đón”. Mình thường nói đùa, với 15 phút nhảy múa một đêm mà được trả chừng ấy tiền, thậm chí còn cao giá hơn cả… chân dài đi khách. "

Cử nhân Đại học sư phạm, cựu nhân viên văn phòng rẽ ngang trở thành giáo viên dạy nhảy

Phạm Thị Thu Hương (Bella) trở thành huấn luyện viên múa cột đã hơn 4 năm nay, nổi tiếng vì là một trong những vũ sư múa cột đầu tiên ở Việt Nam, nhưng ít ai biết, cô nàng này đã từng có một quá khứ cực kỳ “nghiêm túc”. 

Thu Hương từ nhỏ đã theo học múa ở trường Cao đẳng Múa Việt Nam, song song với học phổ thông.

Khi thi Đại học, cô nàng rẽ hướng, tạm dừng lại việc nhảy múa chuyên nghiệp để theo học ngành Công nghệ môi trường, Đại học Sư phạm. 

Hương chia sẻ, khi học hết kỳ đầu tiên của năm 1, cô đã “vỡ mộng” vì  phát hiện ra mình học sai ngành. 

Vì thế, cô đã từ chối cơ hội du học ở Hàn Quốc ngành công nghệ sinh học khi còn là sinh viên và bỏ qua lời đề nghị giữ lại làm nghiên cứu viên trong Viện Công nghệ khi vừa ra trường.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 1.

 Thu Hương là một trong số ít giáo viên múa cột nổi tiếng tại Việt Nam.

Khi đang học năm thứ hai, Thu Hương cùng hai người bạn cùng đam mê đã mở một trung tâm dạy nhảy, tập trung vào các môn mà phụ nữ hoàn toàn chủ động, không cần bạn nhảy như belly dance, múa ghế, múa cột... 

Đây cũng là trung tâm múa cột đầu tiên ở Việt Nam. 3 người bạn đã chủ động sang Thái Lan, Singapore học múa cột, và trở về “truyền bá” bộ môn độc đáo này ở Hà Nội.

Tốt nghiệp Đại học, Thu Hương vừa tiếp tục đam mê nhảy múa, vừa trở thành một nhân viên PR, marketing. 

Làm được 1 năm, và dù công việc khá thú vị cũng như mang lại nhiều mối quan hệ, cô nàng vẫn “dứt áo ra đi” với công việc văn phòng và chuyên tâm làm cô giáo dạy nhảy ở trung tâm mình cùng bạn bè gầy dựng. 

Sau 7 năm thành lập, năm 2013, 2/3 người sáng lập theo chồng bỏ cuộc chơi, trung tâm nhảy múa nổi tiếng này đóng cửa, Thu Hương lại đầu quân cho một Trung tâm thể thao thẩm mỹ thuộc hạng cao cấp nhất Hà Nội và làm cố định tại đó cho đến giờ.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 2.

 Múa cột không phải sở trường duy nhất của Hương, nhưng bộ môn này ngốn của cô khá nhiều thời gian và công sức tập luyện.

“Khi nghỉ công việc văn phòng, không làm “hai mang” nữa mà tập trung vào nhảy múa, đó là một quyết định khiến mình cảm thấy hạnh phúc, vì đó là lúc mình đã lựa chọn ưu tiên cho thứ mình thấy quan trọng hơn, là mình hơn. 

Mình là con một, lại “cứng đầu” từ nhỏ, thích là sẽ làm bằng được, không thích nhất định không làm, nên gia đình cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định của mình. 

Được làm công việc mình yêu thích, quen biết người cùng mục đích, chí hướng và tiếp xúc với những khách hàng dễ thương mà không có cản trở gì, mình cảm thấy hạnh phúc” – cô giáo dạy múa cột chia sẻ.

Thu Hương cũng thẳng thắn chia sẻ, việc cô chuyển hướng từ vũ công sang huấn luyện viên không hẳn dễ dàng, vì “là vũ công, bạn cần nền tảng nhảy múa, tai thẩm âm, hình thể đẹp, biểu diễn tốt, nhưng làm huấn luyện viên, bạn không chỉ cần thế, mà còn cần khả năng truyền đạt, giao tiếp tốt và nhu cầu cống hiến, học hỏi, làm mới bản thân. 

Mình khá may mắn khi đã được một huấn luyện viên Thái Lan có 15 năm kinh nghiệm hướng dẫn mình trong những ngày đầu vào nghề, nên nhập cuộc cũng rất nhanh.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 3.

 Thu Hương chọn cho mình dòng múa cột kết hợp múa đương đại, mang tính hàn lâm và chất nghệ thuật cao.

Đây là nghề hào nhoáng, lương cao (khoảng 10 - 15 triệu với người mới, 20 - 25 triệu với người có kinh nghiệm và cao hơn nữa nếu là quản lý) nhưng đào thải cũng rất ác liệt, nên mỗi người, muốn trụ với nghề phải luôn dành một khoản lớn để tự đầu tư cho việc đào tạo mình, cập nhật kiến thức từ nước ngoài. 

Mình chuyên dạy về nhảy múa, trong đó, múa cột là môn “ngốn” của mình nhiều thời gian nhất. Nó là sự kết hợp, cân bằng giữa cứng và mềm, giữa gym, yoga và nhảy múa, trong đó thách thức nhất là duy trì thể lực, vóc dáng, cân nặng rất khắt khe”.

Mỗi ngày, Hương dành phần lớn thời gian ở câu lạc bộ, có thể tranh thủ thời gian rỗi có thể xem phim, cafe với bạn bè khi không có việc, nhưng bứt hẳn ra để chăm sóc gia đình thì gần như hiếm hoi. 

Chính vì thế, cô nàng “mải chơi” này, dù được khá nhiều học viên nam tán tỉnh, để ý, vẫn chưa muốn lập gia đình riêng. 

Hương bảo, trong tương lai, cô đang hướng đến con đường quản lý và trở thành người đào tạo các huấn luyện viên mới, chứ không dừng lại ở công việc huấn luyện thông thường như hiện tại.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 4.

 Là cử nhân ngành công nghệ sinh học, từng là vũ công, rồi nhân viên văn phòng, hiện tại, cô hài lòng với công việc huấn luyện thể thao.

Từng từ chối lời mời biểu diễn 20 triệu/đêm

Gắn bó với múa cột từ những ngày Hà Nội còn chưa có lớp dạy nào, cho đến giờ là một giáo viên có tiếng đang giảng dạy bộ môn này, Thu Hương thẳng thắn cho hay, múa cột hay bị nhìn theo một cách không lành mạnh lắm, nếu không muốn nói là được coi như một “công cụ” để quyến rũ đàn ông, và vũ công múa cột là những cô nàng hư hỏng. 

Hương bảo, suy nghĩ đó không sai, vì có dòng múa cột thiên về quyến rũ thật, nhưng đó không phải là tất cả. 

Trên thực tế, múa cột có nhiều trường phái, có dòng chuyên để rèn thể lực, có dòng chuyên về nghệ thuật quyến rũ, hoặc được sáng tạo kết hợp với sở trường cá nhân của từng vũ công...

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 5.

 Phải mất từ 2 - 6 năm khổ luyện, một vũ công mới có thể thành thục các kỹ thuật biểu diễn múa cột.

Có một điều lạ mà cô giáo này bật mí, đó là vũ công chuyên nghiệp biểu diễn múa cột, ở Hà Nội gần như không có, ở Sài Gòn thì nhiều hơn. 

Hầu hết những dancer biểu diễn ở các quán bar đều… không học múa cột. Bởi lẽ, để có thể biểu diễn thành thục trên cột, tùy nền tảng thể lực, rèn luyện và năng khiếu, mỗi vũ công phải mất từ 2 - 6 năm. 

Mặt khác, nếu áp dụng tất cả kiến thức và kỹ thuật múa cột để ra bar diễn, 1 tuần có lẽ họ chỉ làm được 2 buổi, mỗi buổi 5 phút là hết vốn, chứ không diễn được cả tiếng/buổi liên tục được, vì múa cột cực kỳ mất sức. 

Đó cũng là lý do mà Thu Hương nhận được không ít lời mời biểu diễn với cát-xê “khủng” từ các quán bar.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 6.

 5 - 20 triệu cho một đêm là con số Thu Hương có thể nhận được, nếu nhận lời biểu diễn ở bar.

“Những vũ công biết múa cột luôn được các bar “săn đón”, vì nó là một món lạ và nhu cầu xem biểu diễn múa cột bây giờ cũng nhiều. 

Chỉ với 15 phút/đêm diễn, một vũ công có thể được trả ít nhất 5 triệu, còn với những tiệc riêng, con số này có thể lên đến 20 triệu. 

Mình thường nói đùa, với 15 phút nhảy múa một đêm mà được trả chừng ấy tiền, thậm chí còn cao giá hơn cả… chân dài đi khách. (Cười lớn).

Nhưng nói thật, mình luôn từ chối những lời đề nghị đi riêng như vậy. 

Một phần vì múa cột là cách thể hiện bản thân, thể hiện nội tâm, và mình không thích lắm việc uốn éo trước mấy nghìn người chỉ với mục đích làm họ mãn nhãn, dù mình hoàn toàn có thể diễn không thù lao với tư cách một huấn luyện viên, để chứng tỏ múa cột đó là bộ môn lành mạnh. 

Kiếm bộn tiền bằng việc đi nhảy ở bar, với mình không khó, nhưng dù sao mình cũng đang đi dạy, nên vẫn phải giữ hình ảnh một chút.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 7.

 Với cô, múa cột là đam mê và thế giới tâm hồn hơn là công cụ kiếm tiền.

Một lý do khác nữa là mình theo đuổi dòng múa cột kết hợp múa đương đại, vẫn có thiên hướng nghệ thuật và hàn lâm, mà ở bar họ không khoái xem loại ấy đâu. 

Bar là chốn ăn chơi, và ở đó, khán giả chỉ cần hở càng nhiều càng tốt, nhảy càng kích động càng tốt chứ không thực sự đi xem múa cột. 

Mình có thể nhảy được dòng họ cần, nhưng mình không thích. Có lẽ vì mình thường từ chối các bar quá mà giờ họ chán mời mình rồi! (Cười lớn)”.

“Múa cột có thể dùng để quyến rũ đàn ông, nhưng để tự thỏa mãn mình thì đúng hơn”

Thu Hương bật mí, khác với tưởng tượng của mọi người, rằng phụ nữ đi học múa cột để trở thành vũ công biểu diễn, thu cát-xê khủng từ các quán bar, các học viên của cô hầu hết đều là dân văn phòng trong độ tuổi từ 20 - 45. 

Họ đến với múa cột vì nó đem đến trải nghiệm mới và để thỏa mãn chính mình. Không chỉ nữ, học viên nam múa cột đến với Thu Hương cũng rất nhiều. 

Với lợi thế có thể lực khỏe,  múa cột gần giống như một môn tập cơ với nam giới, chỉ cần bỏ qua những động tác quá sexy và khoe đường cong, họ hoàn toàn tự tin với bộ môn này.

“Dân văn phòng thường khép kín, ngại hở hang, ngại thể hiện bản thân. Nhưng đến với múa cột, tất cả con người xã hội đó được cởi bỏ. 

Họ phải mặc sexy, vì không mặc thì không tập được, họ được quyền uốn éo, làm những động tác khó, phần nhiều trong đó là khêu gợi, và điều đó giúp thể hiện con người ẩn giấu của họ. 

Có thể bạn sẽ không bao giờ thấy họ biểu diễn trên bar, khoe thân ưỡn ẹo ở chốn ăn chơi nào đó, vì họ ngại mình sẽ bị nhìn với ánh mắt khác, nhưng với họ, chỉ cần cảm thấy hạnh phúc, được bạn bè trầm trồ ngưỡng mộ, được khám phá bản thân, vậy là đủ” – Thu Hương tiết lộ.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 8.

 "Tôi yêu múa cột vì nó đem đến trải nghiệm, thách thức mới và tràn đầy khả năng thử thách chính mình".

Cô cũng kể một câu chuyện vui về “nghệ thuật quyến rũ” này. Cô có một người bạn học múa cột, có chồng là người nước ngoài. 

Trong khi mọi người trầm trồ rằng, anh chồng có lẽ sướng lắm vì có cô vợ múa cột điêu luyện, lại có cả cột ở nhà luyện tập hằng ngày; người bạn ấy lại kể, có lần, chị gợi ý múa cho chồng xem, anh thủng thẳng bảo: “Thôi, em đừng làm trò dở hơi đấy, anh di xem phim còn hơn”. 

Nói vậy để hiểu, chẳng phải cô nàng thành thạo múa cột nào cũng có khán giả tại gia, và không hẳn nó dùng để hỗ trợ hưng phấn chuyện chăn gối.

Nữ huấn luyện viên múa cột trải lòng về nỗi oan của nghề và chuyện từ chối 20 triệu cho 15 phút - Ảnh 9.

 Múa cột bị mang nhiều tiếng oan, nhưng không vì thế mà đam mê và nhiệt huyết trong Thu Hương thuyên giảm.

“Mình nghĩ, với các cô gái, múa cột mang tính chất tận hưởng, khám phá bản thân nhiều hơn. Đó là khi thử thách các động tác mới, họ biết mình cũng khỏe, cũng sexy, có năng khiếu nghe nhạc, và thấy hưng phấn với con người mới của mình. 

Mặt khác, nhảy múa cũng giúp định hình dáng người đẹp, chân thẳng, tư thế di chuyển linh hoạt, sức khỏe tốt, từ đó họ cảm thấy tự tin hơn, được giải phóng bản thân. 

Mình thường xuyên được học viên khoe, sau một thời gian tập, họ cảm thấy có niềm vui và thay đổi cuộc sống. Đó là hạnh phúc, động lực lớn nhất của mình khi làm nghề này!” - cô gái gắn bó nhiều năm với loại hình nhiều "thị phi" này chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại