Nụ cười hiếm hoi của Vương Nghị tại Tokyo hé lộ tín hiệu gì?

Hải Võ |

Nụ cười hiếm hoi của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể làm Nhật Bản "yên lòng", hay mọi vấn đề vẫn còn đó?

Hội nghị Ngoại trưởng Nhật Bản-Trung Quốc-Hàn Quốc lần thứ 8 đã được tổ chức vào ngày 24/8 tại Tokyo, Nhật Bản.

Trung Quốc muốn hòa dịu với Nhật

Tờ The Paper (Trung Quốc) dẫn nguồn Đài truyền hình NNN (Nhật Bản) cho hay, kết thúc cuộc hội đàm kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nở nụ cười "hiếm hoi" với báo giới Nhật.

Trong phần lớn hình ảnh chính thức liên quan đến hoạt động tại Tokyo, ông Vương đều thể hiện thái độ lạnh nhạt với các người đồng cấp Nhật, Hàn và cả với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Nụ cười hiếm hoi của Vương Nghị tại Tokyo hé lộ tín hiệu gì? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) nở nụ cười "hiếm hoi" trong ảnh chụp chung với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida (giữa) và Hàn Quốc Yun Byung-se, nhưng ông cũng bắt tay ông Kishida một cách "hờ hững". (Ảnh: The Paper)

Giáo sư Phùng Vĩ từ Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, chuyên gia nổi tiếng về Nhật Bản, cho rằng thái độ của ông Vương Nghị là tín hiệu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh hy vọng làm hòa dịu quan hệ vớ Tokyo.

"Nhật Bản cũng hy vọng cải thiện quan hệ hiện nay, bởi đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm thì kinh tế Nhật cũng gặp bất lợi. Dù vậy vẫn cần quan sát các nhân tố bên ngoài như Mỹ...," ông Phùng nói với The Paper.

Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 24 cho biết, ông Vương Nghị tin rằng hội nghị ở Tokyo sẽ "tạo bầu không khí có lợi cho hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào đầu tháng 9 tới".

Theo đài NNN, ông Vương đề cập đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong cuộc hội đàm với ông Kishida, cho biết tình hình "cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường", "thông qua nỗ lực của song phương để kiểm soát mâu thuẫn trên biển".

Hai bên cũng đạt nhận thức chung về việc nhanh chóng thiết lập cơ chế liên lạc trên biển và trên không.

Về phía Nhật, ông Kishida đã nêu kháng nghị và yêu cầu Trung Quốc kiềm chế trước tình trạng Bắc Kinh điều nhiều tàu của chính phủ tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Vương Nghị nêu chủ trương khu vực này "là lãnh thổ Trung Quốc".

Do đó trên thực tế, mâu thuẫn chủ yếu giữa hai bên vẫn không có gì tiến triển.

Trả lời báo chí sau hội đàm với Ngoại trưởng Nhật, ông Vương nói về việc khởi động cơ chế liên lạc khẩn cấp giữa song phương: "Vấn đề vẫn còn một điểm, nhưng hy vọng có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận."

Nụ cười hiếm hoi của Vương Nghị tại Tokyo hé lộ tín hiệu gì? - Ảnh 2.

Biểu cảm lạnh nhạt của ông Vương trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật. (Ảnh: BNGTQ)

Nhưng vấn đề biển Đông là trở ngại

Theo truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh không muốn Trung-Nhật xảy ra va chạm gay gắt ở biển Hoa Đông, gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược biển mà Trung Quốc theo đuổi.

Nhưng để đưa ra "nhượng bộ thích hợp" với Nhật, Trung Quốc cũng yêu cầu Tokyo không can thiệp quá nhiều trong vấn đề biển Đông.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 23/8 lớn tiếng chỉ trích Nhật: "Đặc biệt trong vấn đề biển Đông, phía Nhật đã xuyên tạc tình hình bất chấp ý nguyện của các nước trong khu vực cùng đa số thành viên xã hội quốc tế."

Theo ông Lục, Ngoại trưởng Vương Nghị tham gia hội nghị ba bên tại Tokyo "tất nhiên sẽ tỏ rõ lập trường của Trung Quốc, yêu cầu Nhật có nỗ lực thiết thực, trở lại quỹ đạo đúng đắn để cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ Trung-Nhật phát triển ổn định và lành mạnh".

Tờ Asahi Shimbun của Nhật ngày 24/8 cho biết, việc Tokyo nhiều lần thúc giục Trung Quốc chấp nhận và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông hôm 12/7 đã khiến Vương Nghị bất mãn.

Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh chỉ ra, việc gia tăng hiện diện của các tàu công vụ Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông chính là hành động đáp trả liên quan.

Trung Quốc mới đây đã vạch "ranh giới đỏ" đối với Nhật Bản ở Biển Đông, đó là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại