Theo kết luận điều tra vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị, Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB bị đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Mặc dù được Trương Mỹ Lan tin tưởng giao nhiệm vụ mang hàng triệu USD đi hối lộ đoàn thanh tra nhưng chính ông Văn lại là người chủ động tố giác hành vi nhận tiền của Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cùng các cá nhân khác.
Võ Tấn Hoàng Văn trước khi bị bắt. (Ảnh: SCB).
Theo lời khai của của cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, trong quá trình thanh tra, nội dung vi phạm lớn nhất tại SCB là việc cho vay tín dụng đối với các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Hồ sơ vay có nhiều vi phạm, số tiền cho vay lớn, có nguy cơ không thu hồi được nợ.
Lúc đó, bà Nhàn đã trao đổi với ông Văn về các vi phạm trong hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng SCB liên quan đến các dự án, phương án theo đề án tái cơ cấu và cho vay nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM.
Bà Nhàn đã yêu cầu SCB phải đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" và đặt vấn đề gặp bà Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ. Ông Văn đã báo cáo lại bà Lan và được bà Lan đồng ý gặp. Sau đó, ông Văn sắp xếp để Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và bà Nhàn gặp nhau.
Sau cuộc gặp, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Văn và một số nhân viên chịu trách nhiệm tất toán các khoản vay (nhóm 71 khách hàng tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai) để vừa thực hiện tất toán vừa báo cáo số dư nợ để đoàn thanh tra không kiểm tra, xác minh thực tế khách hàng. Đồng thời, Trương Mỹ Lan giao cho Văn dẫn đoàn SCB ra Hà Nội giải trình các nội dung thanh tra với bà Nhàn.
Văn sau đó được bà Nhàn trao đổi về các sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB, trong đó có việc cấp tín dụng cho 71 khách hàng trên. Các sai phạm này là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự.
Qua trao đổi, bà Nhàn đồng ý chỉ thanh tra phạm vi, thời kỳ dư nợ của nhóm 71 khách hàng đến ngày 30/6/2017, không thanh tra các khoản phát sinh sau ngày này...
Được sự đồng ý đó, bị can Văn chỉ đạo cấp dưới sử dụng 71 pháp nhân lập hồ sơ vay, rút tiền từ SCB để thực hiện việc tất toán. Theo đó, dư nợ với 71 khách hàng tới ngày 30/6/2017 là 0 đồng theo đúng yêu cầu của bà Nhàn (thực tế nhóm khách hàng này vẫn còn dự nợ hơn 11.000 tỷ đồng, đối với các khoản vay phát sinh sau ngày 30/6/2017).
Khi được trưởng đoàn thanh tra giúp đỡ, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Văn nhiều lần đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn, tổng cộng 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Văn khi thì đi cùng Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch SCB, khi cùng với lái xe Nguyễn Nam Tuấn mang các thùng xốp đựng tiền để biếu bà Nhàn. Mỗi lần đưa tiền, bị can Văn đều báo cho Trương Mỹ Lan biết.
Về nguồn tiền đưa hối lộ, ông Văn khẳng định do Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới lấy từ nguồn riêng, được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy, Hà Nội (hợp thức bằng các bút toán rút, nộp, chuyển tiền) để rút ra, đổi thành USD.
Quá trình điều tra, cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn đã nộp toàn bộ số tiền nhận hối lộ. Trong vụ án trên, bà Nhàn bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Ngoài việc đưa tiền hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn, bị can Văn còn trực tiếp đưa tổng số 390.000 USD cho ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước vào các dịp lễ tết (từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2018).
Văn còn trực tiếp và chỉ đạo nhân viên tại SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên Đoàn thanh tra. Trong đó đưa cho bà Nguyễn Thị Phụng - Phó Trưởng đoàn 100 - 200 triệu đồng hoặc 5.000 USD - 10.000 USD/lần.
Theo kết luận điều tra, Võ Tấn Hoàng Văn làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng giám đốc. Đến tháng 12/2013, sau khi Lê Khánh Hiền nghỉ, ông Văn được bà Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng giám đốc SCB.
Võ Tấn Hoàng Văn khai các khoản cho vay đối với các khách hàng thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan chiếm tỷ trọng phần lớn số tiền mà SCB cho vay. Mỗi khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện trao đổi với Văn. Qua trao đổi, Văn biết Lan đã có chủ trương, chỉ đạo để Ngân hàng SCB giải ngân khoản vay nào đó cho Lan sử dụng.
Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để rút tiền SCB ra sử dụng vào các mục đích của Trương Mỹ Lan. Việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay, tuy nhiên vì biết Trương Mỹ Lan thực sự là chủ của Ngân hàng SCB nên sau khi Lan chỉ đạo, Văn cùng lãnh đạo, nhân viên thực hiện các bộ hồ sơ để giải ngân.
Cơ quan điều tra cho rằng, Văn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi giúp sức tích cực, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của cựu Tổng giám đốc SCB đã gây thiệt hại hơn 60.502 tỷ đồng; liên đới chiếm đoạt hơn 192.434 tỷ đồng tiền tham ô của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh là hơn 101.247 tỷ đồng.