Người phụ nữ bất hạnh
Chử Thị Thược sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở một vùng ngoại thành Hà Nội. Nhà đông người, lại thêm gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ, nữ bị cáo Thược đã không được học hành đến nơi đến chốn như các bạn cùng trang lứa mà phải ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng.
Lớn lên, ở độ tuổi đẹp nhất, Thược được nhiều chàng ttrai trong làng để ý nhưng Thược lại chọn một người ở khác huyện làm điểm tựa cho mình.
Tuy nhiên, sau khi cưới, cuộc sống giữa hai vợ chồng Thược không được như mong muốn, thay vì được sống hạnh phúc bên người mình yêu, thì giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn khiến Thược không chịu được nên ấm ức về sống cùng mẹ đẻ.
Một thời gian sau, Thược quyết định vượt qua sự khuyên can của gia đình để đi bước nữa với người con trai khác dù biết anh này có tính hay ăn cắp vặt.
Nhưng khi bụng mang dạ chửa, Thược vẫn bị chồng ép đi ăn cắp, biến của người thành của mình. Không chịu được cảnh ngang trái, Thược lại một lần nữa bỏ về nhà mẹ đẻ.
Sau khi bỏ về nhà mẹ được một thời gian, người phụ nữ này đã hạ sinh một cặp song sinh, một trai, một gái và lần lượt đặt tên chúng là Chử Thị Chinh và Chử Văn Chiến.
Một nách nuôi hai con nhỏ, mọi gánh nặng đều đè nặng lên vai nhưng người mẹ trẻ vẫn gắng gượng vượt qua nhiều khó khăn để nuôi các con ăn học với hy vọng và mong muốn các con có một tương lai tươi sáng hơn so với những bất hạnh mà người mẹ đã phải trải qua.
Nhưng luật đời trớ trêu, trong khi Chinh là đứa con gái hiếu thảo, chăm chỉ học tập thì Chiến lại sớm bộc lộ là đứa trẻ ngỗ ngược.
Biểu hiện rõ nhất là từ khi học lớp 4, Chiến hay lấy trộm tiền của mẹ, thấy hàng xóm sơ hở gì là “mắt trước mắt sau” Chiến “chôm” mất. Mặc dù được gia đình khuyên ngăn nhưng Chiến vẫn chứng nào tật đó,
Ngỗ ngược hơn khi Chiến “kết thân” với nhóm bạn xấu trong làng. Nhiều lần, Chiến bắt mẹ phải chu cấp để phục vụ mục đích ăn chơi của mình. Cuộc sống của ba mẹ con Thược cứ thế trôi qua cho đến khi “tức nước vỡ bờ” thì bi kịch xảy ra.
Bản án nghiêm khắc
Theo bản cáo trạng truy tố, sáng ngày 29/6/2016, Chử Thị Thược phát hiện bị mất 2 triệu nên tới giường con trai, gọi Chiến dậy.
Sau khi truy vấn thì nhận được câu tra lời: “Mang tiền đi trả nợ”. Tức giận trước thái độ hư đốn của cậu con trai, người mẹ lớn giọng rồi tát con. Đáp lại những cái tát của mẹ, nam thanh niên đạp lại rồi quát lại mẹ mình, xưng “mày - tao”.
Uất ức dồn nén bấy lâu, bất giác, người mẹ đã chạy lại sau nhà lấy gậy gỗ rồi liên tiếp vụt vào đầu, mặt con trai mình cho đến khi Chiến nằm bất động mới thôi. Sau khi phát hiện con trai đã chết, Thược lấy chăn trùm kín lại rồi đi ra ngoài như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trưa cùng ngày, khi Thược và con gái dọn mâm cơm ra ăn và vào giường vờ gọi Chiến dậy, rồi thẫn thờ trở ra ngồi ăn cùng con. Thế nhưng lúc này lương tâm của người mẹ bị cắn rứt, nước mắt trào ra, Thược nói với con gái: “Con sang gọi bác Khoa đi, mẹ đánh chết em Chiến rồi”.
Bị đưa ra xét xử, nữ bị cáo có cuộc đời bất hạnh Chử Thị Thược đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Để lý giải cho hành vi của mình, bị cáo Thược cho biết, bản thân không cố ý sát hại con, bởi trong lúc tức giận chỉ muốn dạy con bài học.
Có mặt tại tòa, đại diện hợp pháp của bị hại cũng cho rằng bị hại có lỗi. Khi còn sống, Chiến rất ngỗ ngược và luôn làm người lớn trong nhà phải khổ tâm.
Tuy nhiên, khi vị chủ tọa phiên tòa chất vấn: “Cháu Chiến hư hỏng là do bị cáo không biết dạy bảo, bị cáo thấy có đúng không?”. Đôi mắt đỏ hoe, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt rám nắng, khắc khổ, Thược đáp: “Thưa tòa, đúng ạ”.
Chị gái ruột của nữ bị cáo, chị Chữ Thị Nhung (54 tuổi) chia sẻ thêm, từ khi Chiến bỏ học, đã bị bạn xấu lôi kéo và sa ngã vào ma túy đá. Ngoài ăn chơi ra, Chiến chỉ biết ngủ đến nỗi chị gái gọi dậy ăn cơm thì hắn quát lên “em không muốn ăn”.
Để dạy Chiến, nhiều lần gia đình phải xích chân Chiến ở trong nhà để không ra ngoài trộm cắp nữa.
Kết thúc phần tranh luận, Thược tỏ rõ sự ân hận muộn màng, bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho Thược để bị cáo sớm được trở về với gia đình và nuôi con gái ăn học nên người.
Tuy nhiên, khi xem xét lại nội dung vụ án, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo rất nguy hiểm khi ra tay sát hại con đẻ của mình, cần đưa ra bản án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa tội phạm chung.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chử Thị Thược 15 năm tù về tội Giết người.