Trước mặt tôi là một người phụ nữ đặc biệt - ở chị toát lên vẻ đẹp đằm thắm, an nhiên của người từng trải, nếm qua đủ đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời.
Không còn những cháy bỏng, rực rỡ của thanh xuân, nguồn năng lượng tỏa ra từ chị là sức mạnh của một ý chí được tôi luyện bởi năm tháng, và một thần thái tự nhiên, vững vàng.
Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về NSƯT Thoại Mỹ.
Chị kể, hồi đó, gia đình nghèo và lại rất đông con. Chị là con thứ mười hai. Vào trường học chưa được bao lâu thì mẹ chị mất, cha đi làm nên không nhiều thời gian.
Chị đâu được nhõng nhẽo như mấy đứa con gái đồng trang lứa, phải vừa đi học, vừa đi làm đủ nghề: giữ em bé, nướng khoai mỳ, giặt đồ mướn… ai sai gì mình làm đó. Làm là để kiếm tiền, có chút miếng ăn. Một ngày có thể ăn một lít mấy nước tương, tự trồng và hái rau ăn qua ngày.
3 giờ chiều là lại xách cái cà mên, nhiều khi chỉ toàn cơm và nước tương, lâu lắm mới có một cái trứng, đi vô rạp hát ngồi ăn. Tối thì chị đi bộ về, hoặc lâu lâu quá giang bạn nếu thuận đường.
Cuộc sống cứ vất vả và khắc nghiệt như thế, vẫn không cản được niềm đam mê của chị với nghệ thuật cải lương và ánh đèn sân khấu.
Những vai diễn để đời, những khoảnh khắc thăng hoa, giải thưởng và danh vọng, tiền tài và địa vị - chị không thiếu điều gì, trừ giấc mơ được làm vợ, làm mẹ…
Trong sự nghiệp nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu, chị là một người yêu nghề quá. Còn trong tình yêu, chị cũng không phải là người sống bạc bẽo mà lại rất chung tình.
Nhiều lúc không lý giải được tại sao mình lận đận và phải trả giá như vậy? Mình sống rất tốt mà, hay đôi khi mình tốt quá mà làm người ta xem thường tình cảm của mình.
Sau này khi thức tỉnh, chị thấm thía một điều người ta bảo: thương tình tình đuổi, đuổi tình tình theo.
“Em giành là giành con tim anh về với em, chứ không phải những thứ vật chất mà còn sống, thì em còn làm được. Nhưng tới giờ, đến giây phút cuối cùng này, em vẫn chưa giành được con tim anh, thì…”.
Nghe những lời như thế, làm sao ngừng xót xa? Một cuộc tình tan vỡ, thì ai cũng gánh nỗi đau mất mát, dẫu vậy, người phụ nữ sao tránh được yếu mềm?
Sau này chị mới nói, khi người chồng cũ đã ngộ ra và hỏi ý kiến chị, chị vẫn giúp. Chị không biết bản thân có vội vàng không hay là vì anh quá bảo thủ, mà hai người phải đi đến bước đường này, để rồi giờ đây, chưa một lần nguôi ngoai.
Là một người sống tình cảm và hướng về gia đình, chị không bao giờ cho phép sự nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống riêng. Dù chị vẫn đi diễn, nhưng chị vẫn dành thời gian và quan tâm tối thượng cho gia đình nhỏ của mình.
Chị chưa từng lạm dụng cái nghề của chị mà bỏ rơi gia đình. Thành ra, đôi khi nghĩ do cái số và nghiệp duyên của mình ngắn ngủi, và mình không có được may mắn. Biết trách ai bây giờ!
Những khi tự an ủi, chị nghĩ vậy. Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau, xô xát nhưng rồi cũng chẳng thể rời bỏ nhau. Còn mình, chắc đã “trả hết nợ” với nhau, thành ra đến lúc thì phải đi.
Nghĩ là vậy, nhưng chị vẫn tuyệt vọng. Đàn bà mà, nào có ai mạnh mẽ?
Chị tự tử. Nhưng không thành! Tôi tự hỏi: để đi đến quyết định tự tước bỏ mạng sống của chính mình, cần bao nhiêu thương tổn và bao nhiêu tuyệt vọng?
Người đàn bà cứ ngỡ là có tất cả mọi điều người khác khao khát, cứ ngỡ có rất nhiều người bên cạnh, thì lại lẻ loi, trơ trọi lạ khi đứng trước lằn ranh chọn sống hay chết, chọn tiếp tục dấn thân hay quyết định giải thoát?
May mắn thay, đời vẫn còn cho chị một lần cơ hội ngộ, để tìm đến Phật pháp và thấu hiểu cái gọi là: thân xác của cha mẹ cho, sao không biết quý trọng, lại vì kẻ người dưng nước lã mà tự hủy hoại chính mình?
Khác với đàn ông, mục tiêu trong cuộc sống có thể gồm rất nhiều gạch đầu dòng cần đạt được, mang tên: tiền tài, danh vọng, địa vị và hằng hà những chuẩn mực rất-vật-chất để khẳng định bản thân, trong thế giới của một người phụ nữ, đôi khi tất cả khao khát chỉ gom về một chữ “gia đình”, tất cả địa vị không bằng một thiên chức, đó là: được làm mẹ.
Thế nhưng, chị dường như đang “mặc nhầm áo” khi giỏi giang việc nặng nhọc, chu toàn việc gánh vác, làm trụ cột gia đình - những trách nhiệm lẽ ra thuộc về người đàn ông, chỉ riêng “trách nhiệm” chỉ thuộc riêng phụ nữ: là làm mẹ, thì chị “chưa hoàn thành”.
Cô có thể là một nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ - viên ngọc quý của sân khấu cải lương, là vợ hiền dâu thảo của một gia đình đông con cháu, nhưng mãi chưa thể trở thành mẹ của những đứa con thơ.
Đối với một phụ nữ, còn bi kịch nào hơn thế?
Chị khao khát được một lần mang nặng đẻ đau, mong lắm Trời Phật ban ơn lành để mình được làm mẹ. Người ta nói: trên đời, chỉ nên sống chết vì hai người - một là người sinh ra mình và hai là người mình sinh ra.
Thoại Mỹ đã dành cả thanh xuân để sống cho gia đình, cho những người thân yêu, riêng phước phần nhận lại, chị lại chưa đủ duyên. Khi người ta đủ đầy vật chất, thì là lúc thấm thía ra rằng: có những điều thực sự không thể mua bán, đổi trao.
Như ước mơ cháy bỏng, ngỡ là bình thường với những người phụ nữ khác, giờ lại hóa ra bất khả với chị mà không bất kỳ tiền bạc, vật chất nào có thể “mua” hay “phù phép” được.
Sau đổ vỡ hôn nhân, chị cũng có cho mình những tình cảm mới. Thế nhưng, như “chim sợ cành cong”, chị bất an và không còn nhiều lòng tin. Chẳng dễ dàng để gật đầu bước đến, chị đôi lúc tự ngăn cản chính mình để không phạm sai lầm thêm lần nữa.
Hy vọng và những hăm hở ban đầu, dường như đã đốt cạn cho cuộc hôn nhân đầu tiên - nơi thanh xuân, sức trẻ của chị đã vùi lại trong đống tro tàn của chia ly, đổ vỡ.
Khao khát một đứa con, nhưng chị cẩn trọng trong mọi mối quan hệ: thấy không thể bước tới, thì tuyệt đối không cưỡng cầu, vì chị không cho phép con mình côi cút cha.
Lại chỉ nghĩ cho người khác, chẳng thể bỏ! Người phụ nữ cầu toàn ấy, vì lẽ đó mà chọn sống cô đơn, chọn “mắc kẹt” trong những trăn trở không ngưng dứt…
“Hồng nhan bạc phận” bao đời nay vẫn thế, chẳng chừa ai là ngoại lệ.
Trước mặt tôi vẫn là người phụ nữ nhỏ nhắn, kể câu chuyện đời nhiều thăng trầm bằng một giọng nhẹ nhàng, điềm tĩnh, mà có lẽ thật khó để lãng quên…