Với những ồn ào liên quan showbiz suốt gần 1 năm qua, nhiều người cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về hai từ "nghệ sĩ". Họ cám cảnh cho cái nghề của mình đang bị nhiều người coi thường. Đó là sự tổn thương vô cùng lớn mà có lẽ không dễ diễn tả bằng lời.
Nghe tên nghệ sĩ là tò mò, muốn coi!
NSƯT Hạnh Thúy bảo nhiều năm về trước, mọi tin tức xã hội chỉ có một phương tiện duy nhất là báo giấy chứ không rôm rả như thời kỳ 4.0 hiện nay. Đó là cái thời mà có một tờ báo nhưng cả xóm đọc xong, truyền tay cho nhau. Và khi đã "đọc nát" nội dung, họ dùng tờ báo để gói thịt, gói đồ...
Thời đó, mỗi lần đi ngang qua phà Rạch Miễu hay bất cứ một bến xe nào, chị đều dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những người bán báo dạo mặt mũi đen nhẻm vì nắng, đôi mắt láu lỉnh, đôi chân nhanh nhẹn, nhảy lên nhảy xuống các xe đò, tay cầm một xấp báo, miệng rao liên hồi, điểm tin sốc, tin nóng trên các mặt báo của ngày hôm đó.
Toàn những tin giật gân, gây sốc, gây tò mò để người dân không thể không móc ra vài ngàn đồng mua tờ báo, đọc cho thỏa trí tò mò. Và, cách để những người bán báo dạo, bán được tờ báo là họ "bán tên nghệ sĩ".
NSƯT Hạnh Thúy. (Ảnh: FB nhân vật)
Nghệ sĩ Hạnh Thúy hồi tưởng: "Người ta dễ dàng nghe được những dòng tin giật gân từ miệng của người bán báo dạo, đại loại như tên một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó bị bắt vì bán heroin, giết người, cướp của, lừa đảo, trộm cắp hay bị giết...
Dân tình tò mò, cứ nghe tên mấy nghệ sĩ mình biết mà bị gì thì nhất định phải mua bằng được tờ báo coi "tụi nó" bị sao.
Nhưng thật ra mấy cái tin đó đều là tin giả. Thường là, nhân vật bị nói đến trong bài có tên trùng với tên nghệ sĩ. Và, chỉ cần trùng tên, hoặc có khi chỉ trùng họ thôi, một anh Nguyễn Văn gì đó phạm tội thì ngay lập tức bị xào nấu thành tên một nghệ sĩ nào đó.
Từ mục lệnh truy nã đến cáo phó hay chuyện vụ án... đều được moi ra mà xài. Và tên nghệ sĩ luôn là yếu tố hấp dẫn để mấy người bán báo dạo... xào thành tin giật gân hòng bán được báo.
Và 100% người đọc báo bị lừa đều cay cú: Nó gạt mình, có đứa nghệ sĩ nào bị vậy đâu, rồi thề sống, hứa chết lần sau không nghe tụi bán báo dạo nó lừa nữa.
Ấy vậy mà, chuyến phà sau, chuyến xe sau lại cũng rút túi mua tờ báo vì tò mò và có lẽ cả hy vọng được coi mấy nghệ sĩ đó họ bị này, bị nọ ra sao, dù khả năng 99,9% là bị lừa. Hỏi sao lại vậy, họ nói, vì nghe tên nghệ sĩ là tò mò, muốn coi".
Cái tên của nghệ sĩ luôn là một điều gì đó gây tò mò cho công chúng.
Nghệ sĩ cũng chỉ là người đời, có xấu có tốt
Hạnh Thúy bày tỏ, nghệ sĩ thì cũng là con người. Đã là con người thì cũng có xấu, có tốt. Nhưng chỉ vì mang danh là nghệ sĩ nên nhiều khi bị oan ức mà cũng phải ngậm đắng nuốt cay.
"Người đời vẫn gọi nghệ thằng này con nọ nhưng sức hút từ họ khó có thể phủ nhận. Nghệ sĩ có gì đâu ngoài cái tên, cái hào quang, cái danh dự… còn tiền của nghệ sĩ, có thể có vài người giàu nhưng chẳng thấm vào đâu so với nhiều người trong xã hội. Thế nhưng, hễ dính tới nghệ sĩ là thành chuyện thu hút, đậm chất giải trí hạng nhất.
Người đời có xấu có tốt. Nghệ sĩ cũng chỉ là người đời, có xấu có tốt, có hay có dở. Nhưng, cái mác nghệ sĩ bao giờ cũng có cái gì đó khiến người ta cảm thấy cần phải quan tâm hơn.
Có lẽ bởi vậy mà chuyện gì của nghệ sĩ cũng hay được săm soi, phán xét. Mà cũng chẳng phải chuyện xưa, giờ cũng vậy. Chuyện gì dính tới cái tên nghệ sĩ, thường được quan tâm.
Thậm chí, người ta mượn cái tên nghệ sĩ như một cái cớ mà có khi chuyện thật sự chả liên quan gì tới người đó cả. Dù vậy thì người ta nhất định không buông, không nhả, không chấp nhận cái sự thật đó. Họ cứ vin vào một cái tên nào đó mà "đấu tranh" hay lên án.
NS ƯT Hạnh Thúy đặt ra câu hỏi: liệu người nghệ sĩ có bị cầm tù hay nguy hiểm vì chính hư danh của mình hay không?
Nghệ sĩ, hai cái tiếng đẹp đẽ đó, giờ có một chức năng khai thác khác ngoài việc được xã hội công nhận như một nghề đẹp và trân trọng. Đôi khi, tôi tự hỏi, người nghệ sĩ liệu có bị cầm tù hay nguy hiểm vì chính hư danh của mình hay không"?