NSƯT Đức Hải kể chuyện bị học trò "cướp" mối làm ăn

Cao Thanh Hương |

"Tôi làm công tác giáo dục nên cũng có những câu chuyện rất đắng cay, rất đau xót nhưng không có cơ hội để nói ra...", NSƯT Đức Hải chia sẻ.

Mới đây, trong chương trình Nghệ sĩ Đối thoại với chủ đề "đạo đức trong xã hội và showbiz Việt", NSƯT Đức Hải cho biết, anh từng nếm không ít đắng cay khi bị học trò vong ơn bội nghĩa.

Học trò lớn tuổi, là NSND gặp vẫn "em chào thầy"!

Câu chuyện của tôi còn tệ hơn nhiều vụ phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi.

Tôi làm công tác giáo dục nên cũng có những câu chuyện rất đắng cay, rất đau xót nhưng không có cơ hội để nói ra. Có lẽ ở một góc độ nào đó mình cũng không nên nói ra vì nó không có gì hay ho. Tuy nhiên, vì phù hợp với chủ đề ngày hôm nay nên tôi chia sẻ để mọi người được biết.

Năm 1995 tôi dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Lớp tại chức có nhiều học trò là giám đốc, phó giám đốc đoàn nghệ thuật này, nhà hát kia. Họ hơn tôi khá nhiều tuổi.

Dù vậy, họ vẫn gọi tôi bằng thầy và lên lớp học một cách đàng hoàng. Có những người bây giờ là NSND như chị Tâm Chính, anh Hợp, anh Ánh - giám đốc đoàn xiếc...

Thậm chí có những người vượt qua đẳng cấp của tôi với bằng Tiến sĩ là NSND Ngọc Chúc nhưng mỗi lần gặp tôi, vẫn "em chào thầy" rất trân trọng và lịch sự.

Tôi trân quý, cảm động thái độ và tinh thần đó của họ. Đó là sự tôn sư trọng đạo.

NSƯT Đức Hải kể chuyện bị học trò cướp mối làm ăn - Ảnh 1.

NSƯT Đức Hải, Phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa Nghệ thuật trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn chia sẻ tại talkshow Nghệ sĩ Đối thoại.

Nhưng ngược lại cũng có những cái đắng cay mà tôi không tiện nói ra. Bình thường, khi bước vào trường, tất cả học trò đều gọi tôi bằng thầy, dù họ có học lớp do tôi dạy hay không. Nhưng có những em không học lớp do tôi dạy, dứt khoát không chào thầy.

Ở sân khấu của Minh Nhí cũng có, sân khấu Hồng Vân cũng có. Trong khi ai cũng chào thầy thì chỉ có cậu ấy là "chào anh ạ".

Dĩ nhiên, tôi không nói. Tôi tự lý giải bằng cách, người ta không học mình nên không chào thầy. Dù vậy, tôi vẫn sốc. Tôi suy nghĩ. Tôi đau khổ. 

Để cho nhẹ lòng, tôi lại tự giải thích rằng, người ta làm vậy, người khác nhìn vào sẽ nghĩ "à, cậu này không đi học" nghĩa là không có học. Không có học nghĩa là vô học. Thì thôi, mình chẳng nên buồn làm gì!

Mãi mãi phải giữ đúng phẩm chất của người thầy giáo

Thậm chí, có những trường hợp tôi tận tâm giúp đỡ nhưng khi thành đạt thì lật mặt, không nhận thầy.

Cậu ấy vừa bước chân vào trường là đánh nhau ngay với học trò của Minh Nhí. Chính tôi là người dàn hoà, xử lý tình huống, cắt nghĩa đúng sai, giải thích mọi thứ...

Và mọi chuyện đâu vào đấy, tôi sắp xếp, tiến cử, giới thiệu nên càng ngày cậu ấy càng lên, làm to lắm. Đùng một cái lật hoàn toàn, không công nhận ơn của thầy.

Vào năm 2007, tôi nhận một show lớn vô cùng đó là festival cồng chiêng Tây Nguyên. Faestival diễn ra ở Đăk Lăk với sự tham dự của nhiều nước bạn.

Trong tay tôi có 5 đạo diễn phụ trách 5 phần khác nhau, còn tôi là tổng đạo diễn. Tôi muốn tạo điều kiện và bồi dưỡng học trò nên đưa trò đi làm thư ký, phó đạo diễn cho từng mảng.

Qua tôi, cậu ta học được nghề, qua tôi có được mối quan hệ, qua tôi biết được cách làm. Sang năm, cậu ta "cướp chương" luôn. Cậu ta lấy toàn bộ mối quan hệ của tôi để làm và đá tôi ra.

Nói thật, tôi không lạ gì những câu chuyện như thế trong giới showbiz nhưng mình vẫn bị sốc. Những người hợp tác với tôi, phản ảnh chuyện đó, tôi bảo "các bạn cứ làm đi".

Y như rằng, được nửa mùa thì lên đường vì người ta không thể chấp nhận được. Đó là sự trả giá rất lớn và đến tận bây giờ cậu ấy cũng không bao giờ ngoi lên được, dù tôi không tác động gì. Kết quả đó là do hành động của chính họ.

Dĩ nhiên, trong giới showbiz cũng có những chuyện trò phản thầy nhưng mình là thầy giáo thì mãi mãi phải giữ đúng phẩm chất của người thầy giáo, không manh động, không phản ứng thiếu tính toán, thận trọng và không được hèn.

Mỗi lần bị người khác cư xử tệ, tôi xác định ngay, không tức, không cáu giận, không trầy xước. Việc gì phải làm thế cho tăng xông, cứ bình thường đi!

Học trò đề nghị xưng "anh - em"

Thậm chí thế này, tôi bị trực diện luôn. Lúc đó tôi cũng hơi bực mình, hơi tức nhưng tôi xử lý tình huống ngay.

NSƯT Đức Hải kể chuyện bị học trò cướp mối làm ăn - Ảnh 3.

Cô ấy là học trò cùng lớp Xuân Bắc, Vân Dung, Hiệp Gà... Tôi dạy 3, 4 năm trời. Cô ấy bây giờ cũng là nghệ sĩ ưu tú. Xuân Bắc bây giờ là phó giám đốc Nhà hát Kịch nhưng gặp tôi vẫn "em chào thầy", rất lịch lãm nhưng cô ấy thì cho tôi một sự bất ngờ khá lớn.

Sau khi tôi vào Sài Gòn được 2, 3 năm. Một lần ra Hà Nội, cô ấy gặp tôi và bảo "anh, anh". Tôi nghĩ "hay là nó quên"? Tôi trả lời "ờ, em".

Cô ấy khựng lại, rồi nói: "Em chào thầy! Bây giờ thì em với thầy là đồng nghiệp rồi, bao nhiêu năm em cũng công tác trong nghề rồi, thầy cho phép em gọi thầy bằng anh nhứa, cho gần gũi thân thiện".

Tôi nói: "Tuỳ em. Em hãy nghĩ điều em nói và nói điều em nghĩ một cách kỹ càng". Tôi bỏ đi. Ngay sau đó, cô ấy bảo: "Thầy ơi, em xin lỗi thầy. Em bồng bột quá, nói chung em vô duyên, em xin lỗi thầy".

Việc làm của cô ấy gây cho tôi một sự bất ngờ hơn là sốc. Tại sao lại bất ngờ? Vì cô ấy đặt ra một vấn đề mà không bao giờ được phép đặt ra.

Trong cuộc đời đi dạy của mình, tôi không thể nghĩ là có một ngày, học trò mình lại bảo, "anh ơi, chúng mình là đồng nghiệp, gọi nhau bằng anh nhé".

Tôi bất ngờ vì tôi không chuẩn bị trước cho một câu hỏi như thế. Có thể cô ấy vô duyên, sỗ sàng, trần trụi nhưng không được phép.

NSƯT Đức Hải kể chuyện bị học trò cướp mối làm ăn - Ảnh 4.

Dĩ nhiên, những trường hợp như thế không nhiều, họ chỉ chiếm 2% thôi. Đại đa số đều là những người tử tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại