NSND Ngọc Giàu: Tấm gương nỗ lực học hỏi không ngừng, thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ

Long Phạm |

(Tổ Quốc) - NSND Ngọc Giàu được nhiều đàn em kính trọng vì đã góp công đào tạo ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Những năm gần đây, tên tuổi NSND Ngọc Giàu được hâm nóng trở lại khi bà tham gia loạt web drama và phim điện ảnh đình đám của Trấn Thành, thu hút nhiều khán giả trẻ.

Nhưng ngoài diễn xuất, đóng phim, NSND Ngọc Giàu còn là một nghệ sĩ cải lương kỳ tài, với giọng hát cũng như kỹ thuật điêu luyện, được nhiều thế hệ nghệ sĩ ái mộ.

Nổi danh từ sớm nhưng luôn nỗ lực học hỏi không ngừng

NSND Ngọc Giàu sinh năm 1945 trong một gia đình lao động nghèo ở Gia Định (nay là thành phố Thủ Đức). Từ nhỏ, bà đã mê ca hát và bộc lộ rõ năng khiếu bẩm sinh, nên mới 12 tuổi đã được nhận vào gánh hát Mai Lan Phương – Ngọc Chiểu.

NSND Ngọc Giàu: Tấm gương nỗ lực học hỏi không ngừng, thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ - Ảnh 1.

NSND Ngọc Giàu

Trong thời gian đầu mới vào nghề, NSND Ngọc Giàu chỉ được giao vai tỳ nữ, rồi ngâm thơ hậu trường. Qua những công việc nhỏ này, bà tự tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện giọng hát cho mình. Vì vậy mà sau này, bà nổi tiếng với chất giọng ngâm thơ ấm áp, truyền cảm hiếm có.

Năm 13 tuổi, NSND Ngọc Giàu về đoàn Ngọc Kiều của Hoàng Kinh – Ngọc Đáng và được giao đóng những vai đào nhì. Nhờ tài năng hiếm thấy, chỉ sau hai tháng, Ngọc Giàu được nâng lên đào chính. Tiếp đó, bà được mời về làm đào chính cho đoàn Kim Chưởng danh tiếng và đi diễn khắp từ miền Trung tới miền Tây.

Thời gian về đến Sài Gòn cũng là lúc tài năng của Ngọc Giàu chín muồi. Bà được giới thiệu tới khắp các hãng băng đĩa và được nhiều ông chủ hãng đĩa săn đón, ký hợp đồng dài hạn để thu âm, ngâm thơ.

Tinh thần tự học của Ngọc Giàu là rất lớn và là tấm gương để đàn em noi theo. Bà từng tâm sự: "Làm nghề này là phải học suốt đời. Không theo thì thôi, còn đã theo thì phải theo suốt đời. Bởi vậy tôi khuyên các nghệ sĩ trẻ hãy kệ mọi thứ xung quanh, được làm nghệ sĩ đã là tốt rồi.

Tôi theo nghề này đã vài chục năm rồi, nhưng đến bây giờ, nếu Bạch Tuyết hay ai đó đưa cho tôi một câu vọng cổ, tôi vẫn phải học.

Hát được một câu vọng cổ khó lắm, trong đó có nhiều dấu huyền, dấu sắc. Các bạn phải học mới thấy hát vọng cổ khó thế nào. Nếu có học, chỉ cần cất giọng ca lên là tôi biết được ngay, chứ không phải coi những dấu đó là bình thường.

Bởi vậy, tôi khuyên các nghệ sĩ trẻ phải chịu khó học, dù chỉ là một câu vọng cổ thôi cũng phải học. Học xong rồi ra sân khấu tự tin ca, không việc gì phải sợ".

Nhờ sự nỗ lực lớn này, NSND Ngọc Giàu đã vượt qua điểm yếu về ngoại hình để trở thành nghệ sĩ cải lương danh tiếng, sánh ngang cùng những cô đào xinh đẹp thời bấy giờ. Bà được trao Giải Thanh Tâm vào đầu năm 1960 nhờ nhiều vai diễn, như vai đào chính Điêu Thuyền.

Năm 1967, bà nhận Giải Thanh Tâm Xuất Sắc. Ngọc Giàu là một trong ba nữ nghệ sĩ hiếm hoi đoạt được giải Thanh Tâm Xuất Sắc với Thanh Nga (1966) và Bạch Tuyết (1965).

Bản thân là người phải tự rèn dũa, khổ luyện rất bền bỉ mới có được thành công nên NSND Ngọc Giàu vô cùng nghiêm khắc trong vấn đề chuyên môn, nghề nghiệp. Bà từng khuyên các nghệ sĩ trẻ phải cố gắng học mọi lúc mọi nơi, học không ngừng nghỉ dù ở vị trí nào và phải giữ được đạo đức với nghề.

NSND Ngọc Giàu nói: "Tôi thương các nghệ sĩ trẻ bây giờ, tuổi nghề còn quá ít, ca vọng cổ chỉ là ca thôi, chưa hiểu được mình nói cái gì trong câu vọng cổ đó. Muốn biết mình nói cái gì trong câu ca vọng cổ đó thì phải học cho chính xác.

Tôi chỉ cần nghe các bạn ca là biết có học, không cần phải nói thêm gì nữa. Tôi đã lớn tuổi rồi và có đến 65 năm tuổi nghề. Tôi khuyên các nghệ sĩ trẻ, đã vào nghề thì phải ráng theo đến cùng, đó là danh dự, là sự đẹp đẽ của nghề. Khi các bạn vừa bước ra sân khấu, ánh đèn chiếu vào các bạn cũng là lúc hào quang chói lọi, cảm giác thích lắm.

Các bạn được son phấn, vẽ mắt tô mày, đẹp đẽ. Khán giả cũng yêu thương các bạn lắm. Vì thế, theo được nghề này thì phải ca sao cho thật hay, không hay cũng phải ráng mà học, học cho hay, để khi cất giọng lên ca là phải xuất thần".

NSND Ngọc Giàu: Tấm gương nỗ lực học hỏi không ngừng, thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ - Ảnh 3.

Người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ

Cho đến nay, sau hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật, và là nghệ sĩ, người thầy mẫu mực của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, NSND Ngọc Giàu đã có hơn 100 vai diễn trên sân khấu cải lương, khoảng 50 vở kịch, hàng chục vở hài, phim truyện nhựa, video. Bà được nhiều đàn em kính trọng vì đã góp công đào tạo ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Trong số các học trò của NSND Ngọc Giàu, danh ca Hương Lan là người nổi tiếng và gạo cội nhất. Dù Ngọc Giàu chỉ hơn Hương Lan 11 tuổi, nhưng lại có công dạy Hương Lan từng cách hát, lấy hơi, lên giọng, xuống giọng ra sao nên được nữ danh ca gọi là người thầy duy nhất.

Nữ danh ca từng tâm sự: "Tôi không bao giờ quên được những ngày được má Ngọc Giàu dạy dỗ cho từng cách ca hát, cách múa bội, điều khiển tay chân như thế nào.

Tôi nhớ hồi đó, má Ngọc Giàu dạy tôi mắng quá trời vì tôi hơi chậm, tôi không quen diễn những tuồng có múa bội. Mỗi lần tôi múa bội là má Ngọc Giàu lại mắng.

Nhưng thực ra má Ngọc Giàu thương tôi lắm, má mắng là mắng thương, mắng để tốt lên. Trong nghề này, được một người đi trước la mắng để dạy cho tốt hơn là một niềm may mắn.

Má dạy tôi bước đi trên sân khấu, cử động tay chân, tác phong phải ra sao. Má dạy tôi cách ca từng chỗ, chỗ này phải cất giọng lên, chỗ kia phải xuống giọng.

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi những ngày tháng được má Ngọc Giàu dạy dỗ. Tôi chỉ có duy nhất một người thầy, đó là NSND Ngọc Giàu.

Má Ngọc Giàu đã tạo ra cho tôi nhiều thứ. Khi nào còn đứng được trên sân khấu tôi cũng đều nhớ tới má Ngọc Giàu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại