NSND Lệ Thủy: Tiếng hát cải lương hiếm có, 15 tuổi đã làm đào chính vang danh

Long Phạm |

(Tổ Quốc) - Ở miền Tây một thời, người ta còn có câu "đi mút mùa Lệ Thủy", tức là hễ có Lệ Thủy về hát thì bỏ cả đồng áng, mùa màng để đi nghe.

Nghệ sĩ cải lương thành công sớm, nổi tiếng rực rỡ

NSND Lệ Thủy sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình bà có 8 chị em, trong đó bà là chị cả.

Do cuộc sống khó khăn, từ nhỏ, Lệ Thủy đã theo gia đình lên Sài Gòn để mưu sinh, nhưng sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát.

Năm Lệ Thủy 10 tuổi, nghệ sĩ Tư Long làm ở ban văn nghệ xóm bên tình cờ nghe bà ca vọng cổ đã vô cùng ấn tượng và mời bà tham gia ban văn nghệ. Ông còn gửi Lệ Thủy theo học ca cổ với thầy Năm Truyền làm thợ hớt tóc ở Khánh Hội.

NSND Lệ Thủy: Tiếng hát cải lương hiếm có, 15 tuổi đã làm đào chính vang danh - Ảnh 1.

NSND Lệ Thủy

Sau đó, Lệ Thủy được gửi sang học bài bản cải lương 3 Nam, 6 Bắc với nhạc sĩ Tám Đen (người đã đào tạo nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh).

Thời gian ấy, các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình làm ăn khó khăn, lâm cảnh nợ nần. Không tiếp tục đến trường được do không có khai sinh, Lệ Thủy phải đi làm nhiều công việc phụ giúp gia đình. Được học ca cổ nên bà quyết định xin đi theo làm việc ở gánh Trâm Vàng (Biên Hòa, Đồng Nai) để đỡ gánh nặng cho ba má.

Ban đầu, Lệ Thủy đảm nhiệm việc ngâm thơ ở hậu trường. Năm 13 tuổi, bà thế vai kép con trên đoàn Trâm Vàng. Tới 14 tuổi, bà được đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có tới 7 đoàn hát. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính.

Tiếp đó, Lệ Thủy chuyển sang đoàn Kim Chung 3, hát chung với nghệ sĩ Thanh Hải vở Bẽ bàng duyên mới rồi nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi.

Tới năm 16 tuổi, Lệ Thủy đoạt Huy chương Vàng triển vọng giải Thanh Tâm cùng đợt với nghệ sĩ Thanh Sang, một giải thưởng danh giá bậc nhất của sân khấu cải lương thời bấy giờ.

NSND Lệ Thủy: Tiếng hát cải lương hiếm có, 15 tuổi đã làm đào chính vang danh - Ảnh 3.

Tiếng ca hiếm có của cải lương, khiến người ta phải bỏ đồng áng đi xem

Tiếng hát của NSND Lệ Thủy được bồi đắp từ chất ngọt của vùng đất châu Thổ miền Tây. Bởi vậy nên bà ca ngọt lịm, đầy đặn và ấm áp, tựa như bao dòng nước, bao nguồn sống của dải đất miền Tây đều đổ vào, hòa quyện để tạo nên giọng hát bất hủ ấy. Cũng vì thế mà giọng hát Lệ Thủy lúc nào cũng khoáng đạt, hào sảng, dù lên cao hay xuống thấp đều vang vọng, thoải mái, lấp đầy không gian và như rót mật vào tai người nghe.

Soạn giả Viễn Châu từng nói, giọng ca Lệ Thủy rất hiếm, là kim pha thổ. Đó là chất thổ của phù sa đất cù lao sông nước. Bao nhiêu chất ngọt hội tụ về Lệ Thủy, kết tủa nên làn hơi dày, phát âm sáng, nhả chữ tròn, đẹp, tạo thành những thanh âm vang, như sự hợp nhất của hai dòng sông Tiền, sông Hậu trước khi đổ ra biển lớn.

Theo nhận định của NSƯT Diệu Hiền, Lệ Thủy cùng Thanh Kim Huệ là hai trường hợp đặc biệt, ca không bị buồn nhưng lắng lại từng câu, từng chữ trong lòng.

Từng chữ ở mỗi thang âm Lệ Thủy hát đều tròn đầy, từ hơi tới giọng, từ ca tới ngân nga. Lệ Thủy như trôi trong dòng âm thanh ấy và chính Lệ Thủy đã tạo ra ánh sáng trong âm nhạc, để mọi người thấy trôi đi lung linh, ngọt ngào, ấm áp.

NSND Lệ Thủy: Tiếng hát cải lương hiếm có, 15 tuổi đã làm đào chính vang danh - Ảnh 4.

Nếu trữ tình là một trong những đặc tính chủ đạo của cải lương thì sự mênh mang, tràn đầy trong cuộc đời, sự nghiệp của NSND Lệ Thủy là một trữ tình.

Lệ Thủy ca rất tình, từ khuôn miệng tới nét mặt đều đầy đặn cái tình, nét duyên dáng. Đó là cái nét của trời cho. Lệ Thủy được Tổ đãi cho nét diễn rất cảm tình. Cái tình ấy từ người nghệ sĩ đi thẳng tới sự yêu thương, thủy chung của khán giả cải lương.

Bà con nhìn Lệ Thủy như thấy người thân, người thương trong từng giọng ca, vóc dáng, nụ cười, khuôn mặt. Lệ Thủy có khuôn mẫu rất hiền hậu, khiến khán giả như tìm về ký ức của dòng sông, bến nước, con đò, lời ru trong sự dung dị, mộc mạc.

Ở ngoài, NSND Lệ Thủy rất bình dân, gần gũi, thân thiện với mọi người. Có lẽ vì vậy mà bà luôn được khán giả khắp từ trong ra ngoài nước yêu mến, đặc biệt là ở miền Tây, mảnh đất sinh thành, bồi đắp nên tài năng của bà, cứ gặp là ôm, hôn hít các kiểu. Có người còn vồ tới bảo: "Trời ơi, Lệ Thủy hả con, má thương con quá, năm nay con bao nhiêu tuổi rồi?".

NSND Lệ Thủy: Tiếng hát cải lương hiếm có, 15 tuổi đã làm đào chính vang danh - Ảnh 5.

Tới lúc Lệ Thủy nhẹ nhàng tiết lộ tuổi thì khán giả mới ớ người: "Vậy là con lớn hơn má hai tuổi".

Ở miền Tây một thời, người ta còn có câu "đi mút mùa Lệ Thủy", tức là hễ có Lệ Thủy về hát thì bỏ cả đồng áng, mùa màng để đi nghe. Ngày đó phương tiện đi lại, đường xá chưa nhiều, mọi người phải chèo thuyền, đi trên sông nước xa xôi mới tới được chỗ hát rồi ngồi bệt xuống nghe, nhưng vẫn nô nức tới đông đủ chỉ để được nghe Lệ Thủy hát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại