Nghệ sĩ hài Trà My đang mang căn bệnh phình đĩa đệm và thoái hóa đốt sống lưng, cổ khiến chị đau đớn đến mức phải dừng hết tất cả công việc hiện tại để điều trị.
Nhưng khi vào Bệnh viện Việt Đức, nghe bác sĩ thông báo tình hình và đề nghị nhập viện ngay để phẫu thuật thì chị đã phải “xin” bác sĩ đừng “bắt” vào viện lúc này. “Đợi chị hoàn thiện nốt 3 phim hài Tết đã rồi làm gì mới làm được” - nghệ sĩ Trà My nói với bác sĩ.
Câu chuyện của Trà My trong giới nghệ sĩ không phải hiếm. Chỉ đến khi họ không thể đi lại, đau đớn đến mức không thể chịu đựng được nữa thì lúc đó mới quyết định... ốm.
Nghệ sĩ Trà My gạt bệnh tình sang một bên để quay theo đúng kế hoạch đã ký với nhà sản xuất
NSND Anh Tú cũng là một trường hợp “không cho mình ốm” như vậy.
Theo lời kể của nghệ sĩ Trương Nhuận - nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, người từng có nhiều năm làm cùng với NSND Anh Tú thì nghệ sĩ sinh năm 1962 này không chỉ bệnh tiểu đường mà còn bị gout.
Bệnh tình nặng lên là thời điểm Anh Tú sang tiếp quản Nhà hát kịch Việt Nam.
Công việc bộn bề của một nhà hát với nhiều khó khăn nội tại đã khiến anh có hôm 1-2 giờ sáng mới từ nhà hát về nhà.
Lúc đó, Anh Tú bị sút cân khá nhiều, ai cũng nghĩ là do công việc chứ không nghĩ do bệnh tình. Bản thân Anh Tú cũng chủ quan, vì để bệnh biến chứng như vậy là do không chịu tuân thủ liệu trình chữa bệnh như yêu cầu của bác sĩ.
Từ khi nhậm chức Giám đốc ở Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú đã sụt giảm về sức khỏe
Sau khi vào thăm, bằng cảm quan cá nhân, ông Trương Nhuận cho rằng bệnh tình của NSND Anh Tú khá nghiêm trọng. Ông cũng cảm thông khi Anh Tú không muốn báo chí đưa hình ảnh của anh hiện tại- “vì nhìn thương lắm”- ông Trương Nhuận nói.
Khi vào thăm, chính nghệ sĩ Trương Nhuận cũng ngỡ ngàng vì không còn một Anh Tú hồng hào khỏe mạnh như lúc ở Nhà hát Tuổi trẻ.
“Anh sút cân quá nhiều, mắt mờ và lồi ra. Tôi đoán là với tình trạng hiện tại, khả năng là đã có biến chứng gây lở loét. Nhưng mặc cảm của người nghệ sĩ quá lớn nên Anh Tú không muốn cho ai vào thăm, sợ hình ảnh tiều tụy của mình khiến mọi người xót thương…”, nghệ sĩ Trương Nhuận tâm sự.
Hình ảnh hiếm hoi của NSND Trần Tiến trên giường bệnh khi được ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm nhân Ngày Sân khấu Việt Nam mới đây
Câu chuyện mà nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ kể gợi nhớ đến trường hợp của NSND Trần Tiến. Cách đây chừng 1-2 năm, biết ông bị bệnh nặng phải nằm một chỗ nên phóng viên đến thăm ông.
Trong căn phòng nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ trên phố Ngọc Hà, người chăm sóc cho ông nói rằng, ông bị bệnh vậy nhưng không muốn ai biết vì không muốn hình ảnh ốm yếu của mình bị “lộ” ra ngoài.
Biết khác là nhà báo, NSND Trần Tiến nhẹ nhàng cảm ơn và nói, sẽ trò chuyện khi nào khỏe lại. “Chứ giờ chú thế này, khán giả yêu mến nhìn thấy sẽ không hay”- NSND Trần Tiến nói.
Hiện tại, NSND Trần Tiến ở cùng con gái là NSND Lê Khanh trong căn nhà nhỏ ở phố Phan Đình Phùng. Ông thường xuyên phải thở oxy vì bệnh phổi, gây tắc nghẽn, mỗi lần lên cơn không thở được.
Hình ảnh NSƯT Duy Hậu được phóng viên chụp khi đã hồi phục sau một thời gian chữa bệnh
Nghệ sĩ Duy Hậu cũng vậy. Nhiều năm nay ông sống một mình trong căn hộ rộng rãi, khang trang trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) và gần như “tuyệt giao” với bạn bè, đồng nghiệp.
Ngay cả phim ảnh vốn là niềm đam mê, ông cũng không còn xuất hiện. Công việc đi diễn, đóng phim hàng ngày như trước đây, giờ dành cho việc đi chữa bệnh.
Ngoài bệnh xương khớp, nghệ sĩ Duy Hậu mắc chứng mất ngủ kinh niên. Thời điểm đó, ông tâm sự rằng không đêm nào ông ngủ được, người cứ gầy sọp đi mỗi ngày. Cho đến khi gặp được “bà lang” bốc thuốc, châm cứu (nghe đâu ở Cao Bằng, Bắc Cạn gì đó) thì bệnh mất ngủ mới được cải thiện đôi chút.
Không người thân, ông một mình bắt xe khách, sáng đi tối về, cứ triền miên như thế trong suốt một thời gian dài.
Để gặp được nghệ sĩ này, phóng viên phải mất nhiều công thuyết phục. Nhưng còn để hình ảnh hiện tại của ông xuất hiện trên báo chí thì khó như… lên trời.
Theo lời NSND Khải Hưng, khi sinh thời, NSƯT Phạm Bằng cũng giấu bệnh vì sợ bị thương hại, không được mời đi đóng phim nữa
Khi NSƯT Phạm Bằng ra đi trong sự ngỡ ngàng của công chúng, NSND Khải Hưng cũng tâm sự rằng ông biết đồng nghiệp mắc bệnh từ vài năm trước nhưng luôn luôn tỏ ra mình là người khỏe mạnh.
Phạm Bằng sợ cái cảm giác đồng nghiệp đến thăm mình ốm đau, rồi xót thương, rồi nhiều người không dám mời ông làm việc nữa.
Đó là lý do ông không bao giờ thừa nhận là mình đang bệnh. Cứ được gọi đi đóng phim là vui, thậm chí còn không quan tâm đến chuyện cát-sê nữa.
Có lẽ vì biết mình sức khỏe yếu nên nghệ sĩ Phạm Bằng cũng ở vậy một mình từ khi vợ mất. Ông sợ làm liên lụy, làm phiền đến mọi người, kể cả con cái chứ nói gì đến bạn bè, công chúng.
Đây là sự khác biệt rất lớn của nghệ sĩ miền Bắc với nghệ sĩ miền Nam. Trong khi nghệ sĩ miền Nam luôn cởi mở trong việc chia sẻ thông tin, hình ảnh trên giường bệnh với mọi người thì nghệ sĩ miền Bắc như một phản xạ cố hữu, lại luôn tìm cách hạn chế để càng ít người biết càng tốt.
Dù đang mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, giấu bệnh sẽ khiến người bệnh không còn động lực để vượt qua
Lý giải về sự khác biệt này, nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho rằng, việc giấu thông tin xét cho cùng là sự thiện lương, tử tế của người nghệ sĩ, ngại làm ảnh hưởng đến mọi người. Nhưng đằng sau đó là do “mặc cảm nghệ sĩ” quá lớn.
Họ dễ dàng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc, thậm chí từng làm những vở diễn khuyên người ta vượt qua những nghiệt ngã của số phận nhưng rồi lại đầy mâu thuẫn khi chính bản thân mình ở trong tình cảnh đó.
Nhiều năm làm nghề, họ quen với hình ảnh đẹp đẽ trong mắt công chúng rồi nên giờ đi ngược lại với sự nhìn nhận ấy, với họ là một “cú sốc” chứ không chỉ là sợ “mất hình tượng” trong mắt khán giả.
"Bi kịch của người nghệ sĩ là ở chỗ đó mà nếu không ở trong hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ không thể hiểu được”, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tâm sự.
Cũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, ông Trương Nhuận đã nhận ra rằng, chính sự chia sẻ, cởi mở về tình trạng bệnh của mình - như cách mà ông đang học hỏi những nghệ sĩ miền Nam - đã khiến ông có động lực chống chọi với bệnh tật khá nhiều.
Ông Trương Nhuận mong muốn, NSND Anh Tú cởi mở hơn với bệnh tình để nhận được sự quan tâm, sẻ chia của bạn bè, công chúng
“Có những người tôi không hề quen biết nhưng qua báo chí, họ bày tỏ tình cảm yêu mến dành cho tôi khi còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở Nhà hát Tuổi trẻ. Rồi tìm kiếm, giới thiệu những bài thuốc hay, cách vượt qua bệnh tật...
Tôi nhận ra rằng, chỉ cần sự sẻ chia, chúc phúc của mọi người cũng khiến cho người bị bệnh được sưởi ấm, có thêm năng lượng để vượt qua thử thách của số phận”, ông Trương Nhuận nói.
Ông cũng mong rằng những chia sẻ của ông sẽ khiến NSND Anh Tú không còn “mặc cảm” bệnh tật, sống cởi mở hơn để đón nhận tình cảm yêu mến của bạn bè, công chúng vì “với những gì đã cống hiến cho nghệ thuật, cho lứa diễn viên nhiều thế hệ, Anh Tú xứng đáng được nhận sự quan tâm, chia sẻ của mọi người”.