Nguyễn Đăng Quang, sinh năm 1998 là con trai của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung và diva Thanh Lam.
Ở tuổi 18, chàng trai với diện mạo từng được ví như huyền thoại Trương Quốc Vinh này đã đạt được những thành tích âm nhạc khiến nhiều người phải ngưỡng mộ: Nhất bảng B bộ môn Piano dành cho lứa tuổi dưới 15 trong cuộc thi âm nhạc Quốc tế Val Tidone lần thứ 13 tại Italy năm 2012, đại diện duy nhất của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2013, giải Nhất Piano quốc tế Hà Nội năm 2015...
Nhiều người ước ao được có một thế giới an nhiên và yên tĩnh với thứ âm nhạc cổ điển réo rắt du dương từ cây đàn dương cầm như Đăng Quang.
Ngay cả chính bố cậu, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung cũng từng nói "Những người có bản tính rụt rè, kín đáo như tôi và Đăng Quang thì thường sẽ yêu thích một thế giới yên lành, bình dị, thay vì ồn ào, "lộ sáng"."
Cách dạy con của nhạc sĩ cũng được rất nhiều người ngưỡng mộ, họ nói họ yêu cách cảm, cách nghĩ và cách dạy con của anh, bởi nó vừa thông minh, dí dỏm, vừa dịu dàng và sâu sắc.
Chẳng nói đâu xa, mới đây, trên Facebook cá nhân của mình, ông bố nhạc sĩ này đã đăng tải một bức tâm thư gửi con trai với những lời lẽ hết sức giản đơn mà ý nghĩa.
Có lẽ ở ngoài kia, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung là một nhạc sĩ tài năng, nhiều cống hiến nhưng ở trước mặt con cái, anh cũng chỉ là một người bố thôi.
Và người bố ấy đã dạy con trai mình thái độ sống "Hãy tin tưởng và đừng băn khoăn vào sự lựa chọn của mình", anh khuyên con mình tập quen với áp lực từ việc có bố mẹ nổi tiếng, bởi điều quan trọng nhất trong đời sống là phải giữ được sự tự trọng.
Anh cũng dặn con trai mình phải luôn tin là cậu xứng đáng với thành quả cậu đạt được, cụ thể ở đây là được biểu diễn với dàn nhạc.
Bức thư giống như bức thư mọi ông bố khác từng gửi cho con trai mình. Anh mong con trai hiểu được giá trị thực từ những tấm huy chương, hiểu được một người nghệ sĩ piano cần gì và nhận thức được rằng tiền không làm nên "cái sang" cho con người.
Anh hy vọng chàng trai 18 tuổi ấy có bạn, "không nhiều nhưng phải có bạn thân", và rằng "bạn không phải để nhờ vả mà là chia sẻ".
Hơn cả, nhạc sĩ dạy con trai mình cách yêu. "Hãy cố gắng yêu nhiều nhất có thể vì nó có lợi cho sức khoẻ. Yêu nhiều không có nghĩa là lăng nhăng.
Chia tay ngay khi tình yêu ngả màu chứ đừng để nó bốc mùi", rồi thì "Người biết yêu là người biết dành thời gian cho người khác và việc khác bởi vậy đừng sợ yêu làm ảnh hưởng đến sự nghiệp. (...) Yêu một cách văn hóa chứ đừng yêu thông minh".
Và cuối cùng, anh dặn con hãy yêu mẹ như đã và đang yêu.
Cuộc sống hôn nhân của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung và diva Thanh Lam đổ vỡ, nhưng không nghĩa là những tình cảm, yêu thương người cha người mẹ ấy dành cho con cái cũng vỡ vụn theo, mà anh vẫn dịu dàng dặn con trai mình phải thương mẹ thật nhiều.
Ông bố vui tính này còn nhắc con trai không cần thần tượng bố, nhưng nên lắng nghe lời của "ông ý" nhiều hơn trước, không phải vì ông ý thông minh tài giỏi mà vì "ông ý" đã từng là chàng trai nhút nhát, kín đáo như cậu...
Bức thư với những lời nhắn nhủ dành cho con trai này đã nhận được không ít chia sẻ từ các cư dân mạng.
Phần lớn mọi người đều tỏ ra cảm phục trước những lời chân thành nhạc sĩ dành cho con trai và theo họ, để hiểu được hết những câu từ tưởng chừng đơn giản này, có lẽ chàng trai trẻ phải mất cả một đời người.
Xin trích nguyên văn bức thư:
"Thư cho con trai.
Hãy tin tưởng và đừng băn khoăn vào sự lựa chọn của mình. Cũng đừng bao giờ nghĩ nó sang hay danh giá hơn vì lựa chọn là quyền riêng tư của mỗi người.
Điều con cần biết là sự lựa chọn của mình chắc chắn không dễ dàng và thuận lợi hơn của người khác. Thường thì nó vất vả hơn rất nhiều.
- Từ kinh nghiệm của bố, mọi thuận lợi từ sự nổi tiếng hay địa vị của bố mẹ sẽ không nhiều mà ngược lại nó là một áp lực.
Hãy tập quen với áp lực đó và cách tốt nhất để vượt qua nó là không chấp nhận bất cứ sự "ưu ái" nào từ ai. Điều quan trọng nhất trong đời sống là phải giữ được sự tự trọng.
- Mới đây con đã được biểu diễn với dàn nhạc, điều đó chỉ mang lại kinh nghiệm hòa tấu cho con chứ không nên cộng nó vào profile của mình.
Hãy nói những lời cảm ơn tới ông chỉ huy và các nhạc công. Đừng mang quà đến gặp ông GĐ bởi phải luôn tin là mình hoàn toàn xứng đáng có mặt trong concert đó.
- Hãy làm việc và chiến đấu hết mình cho những tấm huy chương vì con cần nó trong hồ sơ và bố thì khó mà trả full học phí.
Tuyệt đối đừng nghĩ đến Huân Chương vì chẳng còn giá trị gì khi mà bản thân hay gia đình phải viết đơn xin nó.
Theo thống kê của Internet thì sự lấp lánh và trong sáng của các tấm huy chương tỷ lệ nghịch với thời gian và tuổi tác.
Người ta thường tặng huân chương khi mà người cho chẳng còn năng lực gì để ban phát hay kìm hãm còn người nhận thì cũng hết thời để vượt lên trên kẻ tặng.
- Người Việt thích đông và hoành tráng nhưng đời pianist thường là solo. Cảm xúc mang lại cho người nghe của dàn nhạc giao hưởng hay 1 cây đàn là ngang nhau.
Nhiều hay ít phụ thuộc vào tài năng, lao động nghệ thuật và sự đoàn kết. Điều này nghệ sĩ solo có lợi hơn vì con chỉ cần thống nhất được 10 ngón tay của mình thôi.
- Thầy giáo của bố ngày xưa thường xuất thân và có đời sống khá là sang chảnh, quý tộc và họ thường không dính đến ầm ĩ xã hội mà ngày nay gọi là showbiz.
Thời nay các nhạc công cổ điển uống rượu, chơi bài hơn cả rocker và hàng tối họ phải đi làm tại các quán hay khách sạn. Thể loại nào cũng giống nhau, sang hay không là ở con người. Cũng đừng nghĩ có tiền là sang được nhé.
- Con cần có bạn, không nhiều nhưng phải có bạn thân. Có thể không thân suốt đời thì cùng nhau trải nghiệm những thời đẹp đẽ của mình.
Nó là những câu chuyện bất tận mà sau này làm động lực cho các cuộc tụ họp hay re-union hết lớp nọ đến trường kia nhất là từ khi có Facebook làm công cụ kết nối và share ảnh. Bạn không phải để nhờ vả mà là chia sẻ.
Tặng quà cho bạn vui nhiều hơn là mượn tiền của nó dù điều đó khó tránh khỏi thời sinh viên khi mà tiền ít mà cuộc vui thì nhiều.
- Hãy cố gắng yêu nhiều nhất có thể vì nó có lợi cho sức khoẻ. Yêu nhiều không có nghĩa là lăng nhăng. Chia tay ngay khi tình yêu ngả màu chứ đừng để nó bốc mùi.
Chia tay là điều bình thường, bình thường hơn cả việc con gặp được ai đó nên đừng bao giờ nghĩ nó là thảm họa cho bản thân hoặc bạn tình của mình vì đứa sau thường luôn hay hơn đứa trước. (Điều này không áp dụng vào hôn nhân )
Bác Mai bạn bố yêu nhiều vô kể và lần nào cũng như lần đầu, bố thấy bác là người đàn bà tuyệt vời và rất hạnh phúc.
- Người biết yêu là người biết dành thời gian cho người khác và việc khác bởi vậy đừng sợ yêu làm ảnh hưởng đến sự nghiệp.
Đến vận động viên còn tranh thủ yêu ngay trong làng Olympic và trước khi thi đấu mà nhất là chơi đàn không đòi hỏi nhiều sức lực bằng thể thao. Yêu thì khó mà tỉnh, tỉnh thì khó mà yêu.
Quan trọng là tỉnh dậy đúng thời gian biểu hoặc khi có chuông báo động. Yêu một cách văn hóa chứ đừng yêu thông minh.
- Cuối cùng. Hãy yêu mẹ của con nhiều như đã và đang yêu, cũng không cần thần tượng ông bố của con.
Nhưng nên lắng nghe lời của ông ý nhiều hơn trước, không phải vì ông ý thông minh tài giỏi mà vì ông ý đã từng là chàng trai nhút nhát, kín đáo như con và ít nhất ông ý hơn mẹ con ở điểm là biết tỉnh táo và công bằng với bản thân.
Thói quen lắng nghe suy nghĩ sẽ làm con học thêm được rất nhiều điều.
Chúc con thành công. Love you, son!"