Tên lửa phòng không Ấn Độ bắn hạ trực thăng Mi-17-V5 của chính quân mình - Thảm khốc?

N. Tuấn Sơn |

Tờ Indiatimes vừa cho biết các nhà điều tra đã phát hiện một quả tên lửa phòng không của Ấn Độ đã được phóng đi ngay trước khi chiếc trực thăng Mi-17-V5 của Không quân nước này rơi.

Theo kết quả điều tra ban đầu trong vụ việc xảy ra hôm 27/02/2019, đã có một quả tên lửa phòng không của Ấn Độ khai hỏa chỉ ngay trước khi chiếc trực thăng Mi-17-V5 của Không quân nước này rơi ở Budgam, gần Srinagar, khiến 6 thành viên tổ bay và 1 dân thường thiệt mạng.

Thông tin nóng hổi này khiến dư luận Ấn Độ ngay lập tức dậy sóng. Các điều tra viên đã giám định chuỗi các sự kiện xảy ra trước khi chiếc trực thăng bị rơi.

Những khoảnh khắc cuối cùng của vụ rơi trực thăng, bao gồm cả việc hệ thống nhận diện địch ta (IFF) có được bật lên hay không, đã được kiểm tra kỹ càng để phát hiện xem có gì sai sót.

Một quan chức cấp cao Không quân Ấn Độ đã nói với Indiatimes rõ ràng là không cần phải xấu hổ gì khi cần thiết phải đưa ra xét xử nhưng người có trách nhiệm nếu có bằng chứng điều tra khẳng định họ có lỗi.

Tên lửa phòng không Ấn Độ bắn hạ trực thăng Mi-17-V5 của chính quân mình - Thảm khốc? - Ảnh 1.

Chiếc trực thăng Mi-17-V5 của Không quân Ấn Độ bị rơi hôm 27/02/2019.

Indiatimes đã nắm được trọng tâm của cuộc điều tra là xem xét những lớp dày đặc của hệ thống khí tài phòng hộ để bảo vệ trực thăng an toàn trong tình huống bị quân nhà bắn nhầm và các hệ thống cần được cải thiện như thế nào để không xảy ra những tình huống tương tự trong tương lai.

Các nguồn tin cho biết khả năng cao quả tên lửa đó có nguồn gốc từ Israel đã được khai hỏa sau tiềng còi báo động phòng không vang động khắp khu vực Jammu và Kashmir, khi 25 chiến đấu cơ Pakistan được phát hiện dọc theo biên giới vào sáng ngày 27/02/2019.

Về vụ báo động, nguồn tin của Indiatimes cho biết, các bằng chứng cho thấy chiến đấu cơ Pakistan đang tìm cách tiếp cận biên giới để tấn công các vị trí quân đội Ấn Độ và còn có cả mối lo ngại về việc các máy bay không người lái vũ trang của đối phương cũng đã được triển khai.

Một mục tiêu bay chậm như trực thăng Mi-17-V5 có thể bị nhầm lẫn với một chiếc UAV vũ trang của Pakistan đang chuẩn bị tấn công một căn cứ sân bay, theo nhiều nguồn tin khác nhau.

Tên lửa phòng không Ấn Độ bắn hạ trực thăng Mi-17-V5 của chính quân mình - Thảm khốc? - Ảnh 3.

Chiếc trực thăng Mi-17-V5 của Không quân Ấn Độ bị rơi hôm 27/02/2019.

Khi báo động phòng không được kích hoạt, một loạt các hành động phải được thực thi. Ở đây có một bộ quy tắc mà các máy bay vận tải và trực thăng cần phải tuân thủ và cũng có cả các hành lang bay ra và bay vào để các máy bay hoạt động. Đồng thời, tổ bay phải lập tức bật hệ thống nhận dạng địch ta (IFF, hay còn gọi là bộ phát đáp nhận diện).

Nguồn tin cho biết thêm rằng mọi góc độ sẽ được đánh giá để xác định xem liệu rằng những sai sót nào đã xảy ra và ở đâu.

Một quan chức cấp cao đang tiến hành điều tra vụ trực thăng rơi và được phép tiếp cận tất cả các dữ liệu cần thiết với các nhân viên điều hành mặt đất cũng như hành động của tổ bay trên chiếc trực thăng trong 10 phút xảy ra trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan.

Như Indiatimes đã đưa tin, chiếc trực thăng nói trên đã rơi trong khoảng thời gian 10 phút khi chiến đấu cơ Không quân Ấn Độ lao vào không chiến với các máy bay tiêm kích Không quân Pakistan ở dọc đường ranh giới kiểm soát (LoC).

Phía Ấn Độ đã xác nhận có vụ rơi máy bay trực thăng Mi-17-V5 tuy nhiên không đề cập tới nó trong các tuyên bố về trận không chiến và trong cuộc xung đột với Pakistan.

Trong tuyên bố chính thức của mình, Pakistan cũng xác nhận có trận không chiến trên vùng trời Nowshera, nhưng khẳng định các chiến đấu cơ của họ không liên quan tới vụ trực thăng Ấn Độ bị rơi.

Mi-17-V5 là một trong loại trực thăng ổn định nhất, được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng và hiếm khi gặp lỗi kỹ thuật gây ra các tai nạn thảm khốc.

Những người chứng kiến ở hiện trường cho biết có 1 tiếng nổ lớn được nghe thấy trên không trước khi chiếc trực thăng này rơi xuống và tạo thành một quả cầu đầy khói lửa là một chỉ dấu cho thấy khả năng cao là chiếc trực thăng này đã bị trúng đạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại