Nóng: Hiệp hội PCCC Việt Nam thử nghiệm thành công dập lửa pin xe điện

Quang Hiếu |

Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam đã tổ chức thử nghiệm và tìm ra các loại bình chữa cháy có thể dập được lửa của pin Li-ion.

Thời gian gần đây, nhiều vụ hỏa hoạn do chập cháy xe điện đã xảy ra trên thế giới và nhận được nhiều sự chú ý của người dùng mạng. Những vụ cháy này thường để lại ấn tượng rằng hỏa hoạn từ pin xe điện rất khó dập và các biện pháp thông thường không mang lại nhiều hiệu quả. 

Tại Việt Nam, các phương tiện chạy điện đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên đường phố, từ ô tô, xe máy, tới xe đạp và các loại phương tiện khác. Để đảm bảo an toàn, nhiều gia đình đã trang bị các loại bình chữa cháy, nhưng khi có cháy do pin xe điện, trang thiết bị đó không phát huy nhiều tác dụng.

Từ những câu chuyện liên quan đến an toàn của người dân, Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam (VFRA) đã thực hiện nhiều thử nghiệm nhằm tìm ra phương án dập tắt đám cháy do pin xe điện (cụ thể là loại Lithium-ion, gọi tắt là Li-ion) gây ra. 

Nóng: Hiệp hội PCCC Việt Nam thử nghiệm thành công dập lửa pin xe điện - Ảnh 1.

Khung cảnh buổi thử nghiệm. Ảnh: VFRA

Theo thông tin do VFRA đăng tải, cuộc thử nghiệm đã diễn ra từ ngày 21/9/2023 tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội. VFRA cũng cho biết rằng có mặt tại buổi thử nghiệm là "một số ban chuyên môn từ VFRA, các cán bộ chuyên môn đến từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, đại diện các doanh nghiệp Hội viên có sản phẩm đăng ký thử nghiệm". Thử nghiệm sau đó đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của hội ngày 17/11 vừa qua.

Buổi thử nghiệm đã áp dụng 3 phương án dập cháy, cụ thể: 

(1) Một số bình chữa cháy đang lưu thông trên thị trường: Bình bột, bình khí CO2;

(2) Một số loại bình chữa cháy xách tay do các doanh nghiệp hội viên VFRA sản xuất và đăng ký thử nghiệm: Bình chữa cháy gốc nước Eco Fire 6; Bình chữa cháy gốc nước F500 EA công nghệ bọc phân tử; Bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION;

(3) Cát chữa cháy.

Nóng: Hiệp hội PCCC Việt Nam thử nghiệm thành công dập lửa pin xe điện - Ảnh 2.

Ảnh: VFRA/BNEWS/TTXVN

Pin Li-ion trang bị trên xe máy điện, xe đạp điện và pin Li-ion rời trên khay thép sẽ được thử nghiệm với 3 bước:

Bước 1: Sử dụng bếp lò xo bằng điện để gia nhiệt trực tiếp lên khối pin tại vị trí thiết kế lắp pin trên xe điện để kích cháy khối pin.

Bước 2: Tiến hành đo nhiệt độ đám cháy, bấm giờ và sử dụng bình chữa cháy để dập khi đám cháy bùng phát trên khối pin và cháy lan ra toàn xe. Các viên pin bắn ra xung quanh cũng được đo và ghi nhận nhiệt độ.

Bước 3: Ngay sau khi đám cháy được dập tắt, ghi nhận các thông số về nhiệt độ pin, thời gian, kết quả chữa cháy, hiện tượng sau khi chữa cháy, tổng hợp kết quả.

Nóng: Hiệp hội PCCC Việt Nam thử nghiệm thành công dập lửa pin xe điện - Ảnh 3.

Thử nghiệm sử dụng bình Orion OR-6. Ảnh: VFRA / Báo Công Thương

Sau thử nghiệm, hiệp hội cho biết rằng pin đã đạt tới nhiệt độ từ khoảng 500oC đến 600oC trước thời điểm can thiệp; khi cháy, pin Li-ion có thể phát nổ và văng xa trên 30 mét với độ cao ước tính lên tới 15 mét so với vị trí của phương tiện, viên pin văng ra có nhiệt độ khoảng 250oC.

Qua thử nghiệm hiệp hội cho biết rằng các loại bình chữa cháy xách tay sử dụng bột và khí CO2 không thể dập tắt đám cháy. Tuy vậy, cát chữa cháy có khả năng dập tắt đám cháy nhưng chỉ trong một số điều kiện cụ thể; hiệp hội cũng khuyến cáo rằng phương tiện cần phải ở vị trí gần mặt đất nhất có thể, thậm chí phải đạp đổ, sau đó dùng thật nhiều cát phủ lên.

Đối với các loại bình chữa cháy do các hội viên đăng ký thử nghiệm, thử nghiệm thực tế cho thấy bình chữa cháy F500 EA mất khoảng 2 phút để dập tắt đám cháy; sau đó, các viên pin không nổ, không tạo khói, nhiệt độ giảm mạnh - theo ghi nhận thì xuống dưới 60oC. Cùng với đó, bình chữa cháy Orion OR-6 cũng có thể dập tắt đám cháy với khoảng 4 phút; sau khi dập được, pin cũng không nổ, không gây khói và cũng có nhiệt độ dưới 60oC.

Thử nghiệm cũng sử dụng bình chữa cháy nhãn hiệu Eco Fire 6. Bình này có thể dập tắt đám cháy trong khoảng 4 phút; tuy nhiên, sau đó thì pin vẫn nổ, vẫn gây khói và nhiệt độ đo được trên 230oC.

Theo thông tin hiệp hội cung cấp, bình F500 EA áp dụng công nghệ gốc nước - công nghệ bọc phân tử; loại Orion OR-6 sử dụng công nghệ nước và foam đặc biệt; Eco Fire 6 sử dụng dung dịch gốc nước.

Nóng: Hiệp hội PCCC Việt Nam thử nghiệm thành công dập lửa pin xe điện - Ảnh 4.

Cát có thể dập tắt đám cháy trong một số trường hợp nhất định. Ảnh: VFRA / Báo Công Thương

Sau thử nghiệm, hiệp hội đưa ra khuyến cáo về các loại bình nên sử dụng, kèm theo đó là các thông tin cơ bản để người dân tìm mua.

Nguyên văn khuyến cáo của Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam (VFRA):

    1. Đến thời điểm tháng 9 năm 2023, các bình chữa cháy xách tay sau đây (do doanh nghiệp hội viên của VFRA đăng ký thử nghiệm và đã được VFRA thử nghiệm) có khả năng dập tắt được các đám cháy Pin Lithium - Ion trang bị trên xe máy điện, xe đạp điện, bao gồm:

(1) Bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước - Công nghệ bọc phân tử.

- Nhà sản xuất: Công ty CP dịch vụ tổng hợp dầu khí Sông Lam

- Địa chỉ: Số 9, ngõ 192 phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội

(2) Bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION.

- Nhà sản xuất: Công ty TNHH Vina Foam Việt Nam

- Địa chỉ: Lô IN 9.2, đường số 4, KCN VSIP Hải Dương, Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương.

2. Do các viên pin khi cháy sẽ nổ và văng ra xa với nhiệt độ rất cao nên khi chữa cháy các đám cháy này, người chữa cháy phải trang phục đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình chữa cháy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại