Sự việc bắt đầu từ hợp đồng "hỗ trợ bao tiêu sản phẩm" được ký giữa người dân xã Ia Blứ và Ia Hla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai với Công ty Tuấn Đại An (38 Lý Nam Đế, TP Pleiku). Phía công ty bán giống, phân, thuốc và sau đó bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Tờ Tiền phong đưa tin, Công ty Tuấn Đại An do bà Bùi Thị Diệu Hiền làm giám đốc.
Tin tưởng vào những lời chào mời có cánh của phía công ty, nông dân đã hợp đồng trồng chanh dây vào khoảng tháng 9 - 10/2016.
Tréo ngoe thay, hàng chục hộ dân khốn khổ vì sau nhiều tháng chăm sóc cây, toàn bộ diện tích chanh dây đều không thấy cho quả hoặc chỉ lác đác vài quả còi cọc. Theo tờ Sài Gòn giải phóng, hiện nhiều hộ dân đã chặt bỏ chanh dây không quả, một số hộ vẫn giữ lại để "làm bằng chứng nói chuyện" với Công ty Tuấn Đại An.
Việc ký kết giữa phía công ty và người nông dân được cho là có hoàng loạt điểm bất thường và có phần mờ ám.
Báo Dân Việt đã nói về các bất thường như:
Người đứng tên Giám đốc Công ty Tuấn Đại An để ký kết với nông dân là bà Bùi Thị Diệu Hiền. Thế nhưng, có những hợp đồng thì ghi Giám đốc là ông Lâm Hồng Hải.
Những việc như chuyển phân phân bón, thuốc về cho dân đều tiến hành vào ban đêm. Nhãn mác trên lọ thuốc đều bị xé hết. 1 bao phân có giá lên đến 3 triệu đồng và 1 lít thuốc có giá 600 nghìn đồng...
Một bao phân ngoại hiệu Humi bán với giá 3 triệu đồng, chưa kịp xé nhãn mác. Thấy quá đắt, người dân gọi điện về công ty nhập khẩu ở Sài Gòn hỏi thì giá chỉ có 400 nghìn đồng.
Tờ Sài Gòn giải phóng cho hay, hồi tháng 3/2017, phía Công ty Tuấn Đại An hứa với dân sẽ đổi giống khác, nhưng tới nay lại "lặn mất tăm, người dân gọi không bắt máy".
Phóng viên Tiền phong cũng tìm tới trụ sở công ty này hồi đầu tháng 6/2017 nhưng thấy đóng cửa, gọi điện thì không liên lạc được.
Trong khi vừa oằn mình gánh các khoản nợ do thua lỗ trong trồng chanh dây, theo phản ánh của nông dân trên báo Dân Việt thì họ còn bị phía công ty dọa nạt, thách thức.
"Chúng tôi đòi kiện thì bà Hiền dọa thuê luật sư kiện ngược, đòi nợ 50%. Bà Hiền còn thách thức "đố thằng Cường làm gì được, nó không đủ tuổi"", anh Đinh Văn Cường (làng Mông, xã Ia Hla) nói trên Dân Việt.
Cũng theo nguồn trên, một nông dân khác kể lại, khi liên lạc với giám đốc Bùi Thị Diệu Hiền thì bà này nói: "Các người mù chữ à, hợp đồng ký rồi giờ nói thế này, thế nọ. Dù các người có đi kiện ở đâu công ty cũng thắng. Nếu mà công ty thắng thì người dân phải bồi thường danh dự, tiền của và khoản nợ 50% cũng phải trả, không trả thì đưa thi hành án vô đòi".
(Tổng hợp)