Tại nhiều kỳ SEA Games gần đây, các quy định bất thành văn là những quốc gia đăng cai đều không thương mại hóa bản quyền truyền hình, thay vào đó, chỉ thu một khoản tượng trưng gọi là "phí truyền dẫn". Tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam, khoản phí này là 10.000 USD, trong khi trước đó, Ban Tổ chức SEA Games 30 - Philippines thu 5.000 USD.
Đó là lý do suốt gần 1 tháng qua, truyền thông Thái Lan đã kêu ca về mức thu 800.000 USD cho bản quyền truyền hình SEA Games 32, cao gấp 80 lần số tiền các nhà đài phải bỏ ra để truyền tải thông tin, hình ảnh thi đấu tại kỳ SEA Games 31 diễn ra 1 năm trước tại Việt Nam. Báo chí nước này cũng phản ánh về dư luận một số quốc gia trong khu vực với khuynh hướng phản đối mức thu quá cao này.
Tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam chỉ thu 10.000 USD khoản “phí truyền dẫn”. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Theo một thành viên cấp cao của Ban Tổ chức SEA Games 32, hiện mới có 4 đài truyền hình nước ngoài (Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia) và 1 đơn vị truyền thông Campuchia mua xong bản quyền truyền hình do Đài Truyền hình thể thao Campuchia (CSTV) sản xuất và phân phối. Quan chức này từ chối bình luận về thông tin phía Thái Lan hỏi mua và phàn nàn giá bản quyền quá cao.
SEA Games được tổ chức nhằm giúp các VĐV trong khu vực có điều kiện thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ để tiếp cận thành tích quốc tế. Các nước có điều kiện kinh tế tốt như Singapore, Malaysia, Thái Lan... đã nhiều lần tổ chức SEA Games và không bán bản quyền truyền hình, kể cả SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam.
Trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, thể thao SEA Games ngày càng có sức hút khi nhiều môn đã tiệm cận trình độ ASIAD, Olympic, được đông đảo người hâm mộ quan tâm. Vì thế, việc bán bản quyền truyền hình là tất yếu để nước chủ nhà có thêm chi phí để đầu tư vào công tác tổ chức, cơ sở hạ tầng, phát triển thể thao. Đắt hay rẻ, việc định lượng này do thị trường và nhu cầu người xem quyết định.