Cuộc tập trận diễn ra trên biển Hoa Đông của Hải quân Trung Quốc (PLAN) hồi đầu tháng này nhằm mục đích " tăng cường sức mạnh tấn công, độ chính xác, sự vững vàng và tốc độ của quân đội trong điều kiện bị áp chế điện tử và gây nhiễu mạnh", hay nói cách khác là trong môi trường tác chiến điện tử.
Cuộc tập trận là một động thái chuẩn bị nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh điện tử với Mỹ trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Một dấu hiệu chuẩn bị cho cuộc chiến tranh điện tử của Trung Quốc ở Biển Đông là Bắc Kinh đang tích cực xây dựng và thiết lập các hệ thống radar ở hầu hết các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở biển Đông.
Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS thì một loạt các hệ thống radar đã được bố trí trên 7 bãi đá của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bao gồm Châu Viên, Chữ Thập, Ga-ven, Vành Khăn, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Subi.
TQ xây trái phép hàng loạt nhà chứa chiến đấu cơ ở Trường Sa. Ảnh: CSIS/AMTI.
Các hệ thống này được sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong đó có một số trạm có thể phục vụ hai mục đích. Trạm radar ở đá Chữ Thập và đá Subi sẽ được sử dụng để điều hướng cho các máy bay hoạt động trên các sân bay xây dựng trái phép ở đây.
Nhưng khi kết hợp với nhau, chúng còn cho phép mở rộng tầm kiểm soát nhận dạng phòng không cũng như tăng cường khả năng tác chiến điện tử của quân đội Trung Quốc (PLA) trên khắp một vùng rộng lớn ở biển Đông.
Về áp lực dư luận, những hệ thống ra đa có vẻ như sẽ ít gây căng thẳng hơn việc bố trí các hệ thống pháo hay tên lửa phòng không, hoặc thậm chí là các đường băng nếu xét về các cấu trúc hạ tầng được xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo.
Bởi lẽ chúng ít nhiều "hỗ trợ" cho những ngụy biện của Trung Quốc rằng sẽ sử dụng các đảo nhân tạo vào mục đích tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, sự thật là các hệ thống radar này hoàn toàn "thừa công dụng" nếu như chỉ phục vụ mục đích đó, chúng thậm chí "dư sức" đáp ứng nhu cầu của quân đội Trung Quốc. Điều này đã làm dấy lên quan ngại cho các nước khác trong khu vực.
Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc thực hành bắn đạn thật trong diễn tập.
Những hệ thống radar phân bố rải rác trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) giúp tăng cường khả năng tác chiến điện tử (ISR) cả quân đội Trung Quốc trên biển Đông, và nếu kết hợp với lực lượng hải quân và mạng lưới vệ tinh tình báo, nó sẽ cho phép định vị một cách nhanh chóng các tàu thuyền và thiết bị quân sự đang hoạt động trong khu vực.
Cũng cần lưu ý rằng các hình ảnh vệ tinh công bố gần đây cho thấy các thiết bị truyền dẫn tín hiệu vệ tinh cũng đang được xây dựng trái phép trên nhiều đảo nhân tạo.
Những thiết bị này khi đi vào hoạt động có thể cho phép định vị mục tiêu ngoài tầm chân trời một cách chính xác và tinh vi hơn, phục vụ cho các hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc.
Qua đó, mở rộng phạm vi chiến lược chống tiếp cận - chống xâm nhập (A2/AD) của Bắc Kinh, cũng như tăng cường mối đe dọa cho các mục tiêu di động - chẳng hạn như nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Sự kết hợp giữa các lực lượng của Trung Quốc ở biển Đông, chẳng hạn như dân quân biển, sẽ càng tăng cường phạm vi kiểm soát. Những lực lượng này đều thuộc sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương ở cả biển Đông và biển Hoa Đông.
Những báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu trang bị thiết bị truyền dẫn tín hiệu nối với hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu cho toàn bộ đội tàu cá đông đảo cũng như lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có thể đảm bảo huy động lực lượng này đến nơi cần tăng cường hiện diện khi cần thiết.
Những radar trên các đảo nhân tạo cũng cho phép PLA tiến hành các hoạt động gây nhiễu các thiết bị điện tử và ra đa của các nước khác trong khu vực.
Chẳng hạn như năm trước, Trung Quốc đã tìm cách gây nhiễu các thiết bị điện tử và chặn đường truyền dẫn tín hiệu GPS của máy bay do thám RQ-4 Global Hawk của Mỹ trên biển Đông.
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đang thúc đẩy triển khai đầu tư và nghiên cứu các công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến, bắt đầu ở cấp độ chiến thuật trên biển Đông.
Điển hình là hồi đầu tháng 6 năm nay, Hải quân Mỹ đã triển khai 4 máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler đến Philipines.
Máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler.
Chính phủ Mỹ mặc dù tuyên bố việc triển khai các máy bay này nhằm phục vụ cho "các nhiệm vụ huấn luyện song phương", song 4 chiếc Growler hoàn toàn có thể tiến hành các hoạt động do thám và tình báo điện tử (SIGNT) trên biển Đông.
Máy bay Growler còn có khả năng gây nhiễu các radar mà Trung Quốc thiết lập trái phép trên các đảo nhân tạo.
Điều này có thể dẫn đến một kịch bản đó là các phương tiện tác chiến điện tử của Mỹ sẽ tăng cường tập trung vào các trạm rada của Trung Quốc trên biển Đông, còn Trung Quốc sẽ gia tăng các vụ tấn công điện tử và tăng cường khả năng phòng thủ để bảo vệ các cấu trúc rada này trên các đảo.
Trong tương lai, cả hai bên có lẽ sẽ tăng cường khả năng chiến tranh điện tử nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát hoặc vô hiệu hóa vùng cảnh báo sớm của đối thủ trong khu vực. Việc tăng cường khả năng tác chiến điện tử cũng là một cách ít gây sự chú ý từ bên ngoài và ít mang tính khiêu khích hơn.
Trong tương lai, những hoạt động tương tự sẽ càng gia tăng, đặc biệt một khi các cơ sở ra đa của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo hoàn thành và đi vào hoạt động, không quân Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động ráo riết trên khắp khu vực.
Chiến tranh điện tử vốn ít thu hút sự chú ý của dư luận, đã và đang trở thành mặt trận khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông. Cuộc chiến này nếu cứ tiếp tục và kéo dài chắc chắn sẽ làm tăng nhiệt cho thùng thuốc súng vốn đã rất nóng bỏng ở biển Đông.