Nomura: Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Như Tâm |

Theo nghiên cứu từ ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, Việt Nam là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại kéo dài gần một năm giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các nhà nhập khẩu tại hai nền kinh tế này tìm cách tránh phải trả thêm thuế.

Nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy thêm gần 8% nhờ sự dịch chuyển sản xuất, hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết.

Nomura nghiên cứu số liệu thương mại của 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới từ quý I/2018, ngay trước khi Mỹ công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc sắp bị áp thuế, cho tới 3 tháng đầu năm 2019 nhằm đánh giá mức độ chuyển hướng thương mại – thay đổi hướng đi của hàng hóa để tránh thuế.

Phần lớn lợi ích tăng thêm của Việt Nam có thể đến từ các mặt hàng Trung Quốc nằm trong danh sách chịu thuế của Mỹ, chủ yếu là thiết bị điện tử, điện thoại, nội thất, máy xử lý dữ liệu, bởi các nhà sản xuất đa quốc gia có thể chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, theo phân tích của Nomura.

Phần nhỏ hơn đến từ việc Trung Quốc nhập thêm ván, tấm, sợi bông, bông cùng các thiết bị điện tử khác từ Việt Nam thay vì Mỹ.

Các mặt hàng vốn nhập khẩu từ Mỹ, như đồ điện tử, được chuyển hướng sang Đài Loan và Hàn Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc còn tìm kiếm các bên cung ứng sản phẩm nông nghiệp, như đậu tương, hàng hóa quan trọng như đồng. Chile, Malaysia và Argentina cũng là các bên hưởng lợi.

Nomura: Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là Đài Loan và Hàn Quốc rất nhạy cảm với những biến động tại thị trường Trung Quốc. GDP Hàn Quốc quý I giảm 0,4% so với quý IV/2018, theo số liệu công bố ngày 4/6.

Xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 4 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là dù hưởng lợi từ việc Trung Quốc chuyển hướng thương mại, nền kinh tế này vẫn bị ảnh hưởng từ tình trạng nhu cầu ở Trung Quốc giảm. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, chiếm 28,8% tổng xuất khẩu của hòn đảo.

“Những kết quả này cho thấy nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tỷ lệ nhập khẩu thay thế còn tăng thêm do phần lớn lượng hàng hóa sắp bị áp thuế là sản phẩm điện tử”, theo Nomura.

Nomura nhận thấy 12/20 công ty hàng đầu trong chỉ số S&P 500 có làm ăn tại Trung Quốc là các công ty điện tử, tổng doanh thu 144 tỷ USD trong năm 2018.

Mỹ đang trong quá trình lấy ý kiến công chúng về kế hoạch áp thuế 25% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với phiên điều trần dự kiến diễn ra ngày 17/6. Nếu thông qua, thuế có thể triển khai từ tháng 7.

“Nếu những hạn chế Mỹ áp lên Huawei và ZTE leo thang thành ‘chiến tranh lạnh’ công nghệ, nguy cơ từ tái phân bổ các chuỗi giá trị toàn cầu là không thể xem thường”, báo cáo từ Nomura cho biết.

“Các ông lớn công nghệ của Trung Quốc sẽ chuyển từ các nhà cung ứng Mỹ sang nhà cung ứng bản địa. Các công ty đa quốc gia cũng tìm đến những nhà cung ứng, khách hàng mới”.

Sự thay đổi chuỗi cung ứng sẽ khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc mất 0,5%, Mỹ mất 0,3%.

Mỹ cũng dễ tìm nguồn cung hàng hóa thay thế hơn là Trung Quốc. Mỹ có thể nhập 2/3 số mặt hàng Trung Quốc chịu thuế từ nước khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Nomura cho rằng những bất ổn kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra, cùng với sự suy giảm nhu cầu toàn cầu, sẽ hạn chế những lợi ích của nền kinh tế thứ ba liên quan.

Hơn nữa, thuế “ăn miếng trả miếng” đồng nghĩa các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang thiệt hại.

“Thuế từ Mỹ tăng không chỉ ảnh hưởng các nhà lắp ráp sản phẩm mà cả bên cung ứng trong chuỗi giá trị. Các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á rất dễ tổn thương do châu Á có liên quan đến các chuỗi giá trị mà Trung Quốc ở trung tâm”, báo cáo kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại