Như Báo ANTĐ đã đưa tin, lần lượt trong các tháng 11-2018 và 4-2019, trinh sát hình sự của Đội 5 (Phòng CSHS, CATP Hà Nội) phối hợp với CAP Đồng Tâm đã bắt giữ 2 "nữ quái" chuyên dàn cảnh, móc túi ở điểm chờ xe bus gần cổng bệnh viện Bạch Mai.
Thừa cơ các lái xe ôm chèo kéo, Lê Thị Thủy (tức Thủy dô, SN 1973, không nghề nghiệp và sống lang thang) và Phạm Thị Loan (SN 1966, trú tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) nhanh chóng áp sát "con mồi", lấy áo che chắn rồi vờ xô đẩy, móc ví tiền, điện thoại của nạn nhân.
"Con mồi" mà các đối tượng xấu nhắm tới là các bệnh nhân, người nhà nuôi bệnh, thăm người ốm... thường mang nhiều tiền theo người.
Các "nữ quái" Loan (trái) và Thủy dô đã quen nhau khi ở tù, và hẹn "hợp tác" lúc mãn hạn
Sau khi Báo ANTĐ đăng tải thông tin trên, đã có độc giả nữ liên hệ và chia sẻ câu chuyện mà chị từng phải trải qua ở vai trò người bị hại. Chị là Trịnh H. (SN 1987, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Trao đổi với PV Báo ANTĐ, chị H. cho biết, sự việc bức xúc mà chị từng gặp xảy ra vào khoảng tháng 4-2017, khi chị đang trên đường vào Bệnh viện Bạch Mai để thăm ông.
"Khi đó là khoảng hơn 9h, tôi đeo chiếc túi xách chéo vai, đi từ Chương Mỹ, qua nhiều tuyến xe bus để tới nơi. Vừa xuống xe, tôi còn chưa kịp định thần thì đã có một người đàn ông trung niên nhào tới kéo tay, mời chào đi xe ôm nhiệt tình.
Kế đó, một phụ nữ ăn mặc bụi bặm xô vào người tôi. Tôi chỉ nghĩ đó là sự vô tình, nhưng ngay sau đó, khi ngẩng lên thì thấy bà ta nhảy lên xe máy chờ sẵn để phóng đi, nên tôi mới để ý lại tài sản của mình", chị H. chia sẻ.
Kết quả là người phụ nữ trên bị móc trộm ví tiền (bên trong có khoảng 1,2 triệu đồng), và chiếc điện thoại hiệu Samsung J7 Pro (trị giá khi đó khoảng 7 triệu đồng) mà chị vừa mua.
"Tôi nhớ như in cảm giác khi ấy. Đó là một cảm giác vô cùng hụt hẫng, khi đi một chặng đường xa như vậy, chưa kịp vào viện thăm ông và biếu ông tiền thì đã bị mất sạch. Điện thoại cũng mất, tôi chưa kịp hỏi xem ông nằm ở khoa nào. Thế là tôi cứ bần thần đi quanh khắp bệnh viện, tâm trạng tuyệt vọng", chị H. nhớ lại.
Sau đó, nạn nhân trên đã mượn được điện thoại của một người lạ, gọi cho chồng để lấy số liên lạc của người chú đang ở trong viện, rồi mới tìm được nơi ông của chị đang nằm.
"Vào thăm ông, nhưng tôi chẳng thể biếu ông như đã định. Tới trưa, chú còn phải mua cơm cho tôi ăn. Quả thực, đó là cảm giác rất day dứt, khó chịu. Và tôi lại càng căm giận những kẻ trộm cắp đó hơn", chị H. bày tỏ.
Những đối tượng bị bắt nhiều lần như Thủy dô luôn "sở hữu" danh sách tiền án, tiền sự dày đặc
Khi chị H. kể lại câu chuyện phẫn uất vừa gặp phải, một phụ nữ khác đang chăm bố chồng ở cùng phòng bệnh cũng đã chia sẻ tình huống tương tự, nhưng còn... bi đát hơn.
Người này ở quê cách Hà Nội hơn 200km, và khi vừa xuống xe thì đã bị móc sạch số tiền gần 20 triệu đồng mang theo người, vốn định dùng để chi trả lúc nhập viện cho người bệnh.
"Cô ấy vừa kể, vừa khóc, khi nhớ lại thời điểm khó khăn đó. Sau đấy, cô phải gọi về nhà, nhờ bán lợn, bán thóc để có tiền bù vào số bị mất trắng. Tôi thấy họ quá tội, và còn bi đát hơn cả hoàn cảnh của mình", chị H. chia sẻ thêm.
Sau tất cả, chị Trịnh H. bày tỏ lời cảm ơn gửi tới lực lượng công an, vì các anh đã vào cuộc quyết liệt, bắt những kẻ gây án phải trả giá cho hành vi mà chúng đã gây ra.