Thói quen tích trữ đồng USD
Năm 2020, Ngân hàng trung ương Argentina (BCRA) ước tính rằng người Argentina nắm giữ 170 tỷ USD tiền mặt trong nước, tương đương 10% tổng số USD đang lưu hành trên thế giới và 1/5 số USD bên ngoài nước Mỹ.
Lạm phát ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày đến nỗi người Argentina thường xuyên nói về chuyện này, như người Anh hay nói về thời tiết. Để tự bảo vệ mình khỏi việc đồng nội tệ sụt giảm, người Argentina mua USD.
Tích trữ USD là một thói quen của người Argentina từ khi còn rất nhỏ. Arias, một người Argentina cho biết, cậu con trai 7 tuổi của anh vừa nhận được tờ 1.000 peso (chưa đến 3 USD) từ "tiên răng". Và ngay lập tức, con trai anh muốn đổi sang thành USD.
Eduardo Rabuffetti là người Argentina từng đến Mỹ một lần, hưởng tuần trăng mật năm 1999 tại Miami. Tuy nhiên, có lẽ ông hiểu về tờ 100 USD hơn hầu hết người Mỹ.
Rabuffetti nói rằng ông có thể nhận ra tờ 100 USD hàng giả chỉ bằng cách chạm vào. Ông cũng có thể cho bạn biết chính xác xấp 100.000 USD dày như thế nào. Và trong nhiều dịp, ông đi bộ trên đường phố Buenos Aires với hàng chục nghìn USD nhét trong áo khoác.
"Ở đây, nếu bạn không nhìn thấy tiền, thì không ai ký bất cứ hợp đồng nào", ông nói.
Không chỉ Rabuffetti, gần như mọi giao dịch mua lớn ở Argentina - đất đai, nhà cửa, xe hơi, tác phẩm nghệ thuật đắt tiền - đều được giao dịch bằng USD và là tiền mặt.
Để tiết kiệm, người Argentina nhét những bó USD vào quần áo cũ, bên dưới ván sàn và trong hộp ký gửi an toàn.
Điều này là do đồng Peso của Argentina đang giảm giá trị. Vào năm 2021, khoảng 180 Peso có thể mua 1 USD trên thị trường chợ đen. Bây giờ phải mất 298 Peso. Đồng Peso giảm mạnh kéo theo giá cả tăng vọt.
Và đến tháng 2 năm nay, lạm phát cả năm ở Argentina đạt mức cao nhất hơn 3 thập kỷ, vượt ngưỡng 100% lần đầu tiên kể từ năm 1991, theo Financial Time.
Dự kiến, Argentina sẽ nhận được 5,3 tỷ USD từ IMF trong tháng này, để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao nhưng đang chờ sự phê chuẩn của ban điều hành IMF.
Thà tiêu tiền còn hơn giữ tiền
Ana Mabel, một người bán hàng rong, đang trộn đậu phộng và đường caramen trong thùng kim loại. Cô bán những túi kẹo đậu phộng với giá 200 Peso mỗi túi. Một tuần trước, mỗi túi có giá 150 Peso.
Nhưng việc tăng giá đó hầu như không đủ bù chi phí của cô. Mọi nguyên liệu đã trở nên đắt đỏ hơn chỉ trong vài tuần qua: đậu phộng, đường, dầu, xăng và túi để đóng gói...
Ignacio Jauand, 34 tuổi, mua mọi thứ có thể bằng hình thức trả góp, bao gồm giường, quần áo, máy PlayStation 5 và máy gọt khoai tây.
Không phải là Jauand không đủ tiền mua mà anh tin rằng đồng Peso đang giảm giá. Vì vậy, theo thời gian khoản thanh toán cuối cùng của anh ấy sẽ ít hơn đáng kể.
"Lần cuối cùng tôi trả tiền mua TV hoặc tủ lạnh chỉ đáng giá khoảng hai hoặc ba combo McDonald's," anh nói.
Vì đồng Peso càng ngày càng mất giá, mọi người đi ăn hoặc mua đồ gia dụng, tác phẩm nghệ thuật hoặc ô tô...
Eduardo Levy Yeyati, một nhà kinh tế người Argentina và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard, cho biết khi nghĩ về số tiền tiết kiệm bằng đồng Peso, ông thà đi chơi một chuyến hoặc đi mua đồ. "Nếu không, tôi cảm thấy như mình đang mất tiền mỗi ngày khi giữ nó trong ngân hàng", ông nói.
Và có lẽ thứ yêu thích nhất mà người Argentina muốn mua là USD.
Sự phụ thuộc vào đồng USD có hại cho đồng Peso, vì vậy chính phủ không cho phép người Argentina mua hơn 200 USD mỗi tháng.
Nhưng ở thị trường chợ đen, một tỷ giá hối đoái khác được sử dụng. Mỗi USD hiện có giá khoảng 300 Peso.
Ở trung tâm thành phố Buenos Aires, những người đàn ông và phụ nữ được mệnh danh là "arbolitos" đứng trên các góc phố để bán USD. Ước tính thị trường chợ đen giao dịch từ 3 triệu đến 4 triệu USD mỗi ngày.