Nỗi thất vọng mang tên "siêu hạm" Karakurt vừa hạ thủy của Nga

Nam Đồng |

Hôm 29/7, Hải quân Nga đã hạ thủy chiếc tàu tên lửa tàng hình cỡ nhỏ đầu tiên thuộc lớp Karakurt - Dự án 22800 mang tên Uragan.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Karakurt - Dự án 22800 được Hải quân Nga đặt hàng như một sự bổ sung cho lớp Buyan-M - Dự án 21631.

So với Buyan-M (thông số trong ngoặc), Karakurt có kích thước nhỏ hơn với chiều dài 65 m (75 m); chiều rộng 10 m (11 m); mớn nước 2 m (2,5 m); lượng giãn nước đầy tải 800 tấn (949 tấn); nhưng lại đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h (26 hải lý/h); tầm hoạt động 2.500 hải lý (2.300 hải lý); thời gian bám biển liên tục 15 ngày (10 ngày).

Về vũ khí trang bị, Karakurt với Buyan-M đều có bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK mang 8 tên lửa hành trình Kalibr-NK; 21631 mạnh hơn ở hỏa lực pháo nhờ khẩu A-190 cỡ 100 mm trong khi 22800 vẫn dùng AK-176 76,2 mm; tuy nhiên hệ thống điện tử của Karakurt lại hoàn thiện hơn khi có cả radar dẫn bắn Mineral-ME lẫn radar mảng pha chủ động AFAR.

Ngoài ra, hỏa lực phòng không của Buyan-M chỉ bao gồm pháo cao tốc AK-630-M2 kết hợp tên lửa vác vai 9K38 Igla, còn theo thiết kế, Karakurt sẽ được lắp đặt module tên lửa - pháo phòng không tiên tiến Pantsir-M.

Nỗi thất vọng mang tên siêu hạm Karakurt vừa hạ thủy của Nga - Ảnh 1.

Cấu hình vũ khí theo lý thuyết của tàu tên lửa tàng hình Karakurt - Dự án 22800

Vậy nhưng khi nhìn vào chiếc Uragan vừa mới hạ thủy, nỗi thất vọng đầu tiên nhận ra rất dễ dàng, đó là tàu vẫn chỉ có 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M ở phía sau, cách bố trí này cho biết Pantsir-M chắc chắn đã vắng bóng.

Thêm vào đó vẫn chưa thấy có gì tại địa điểm đáng lẽ phải là nơi lắp đặt mảng radar AFAR. Theo mô hình, chi tiết này phải lồi hẳn ra ngoài nhưng hiện tại tháp radar của Karakurt hoàn toàn bằng phẳng, đồng thời cũng không thấy khoảng trống của lỗ chờ. Hy vọng rằng đến lúc hoàn thiện khí tài trên sẽ được bổ sung.

Nỗi thất vọng mang tên siêu hạm Karakurt vừa hạ thủy của Nga - Ảnh 2.

Chiếc Karakurt nhìn từ phía sau, có thể thấy rất rõ tàu chỉ được trang bị 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M

Điểm sáng duy nhất trên chiếc Uragan có lẽ nằm ở pháo AK-176MA với thiết kế tháp pháo tàng hình trông rất hiện đại, gần giống như khẩu Oto Melara Super Rapid do Italy chế tạo.

Nỗi thất vọng mang tên siêu hạm Karakurt vừa hạ thủy của Nga - Ảnh 3.

Pháo hạm AK-176MA với tháp pháo tàng hình lắp đặt trên tàu Uragan

Hiện chưa rõ lý do vì sao Hải quân Nga lại cắt giảm vũ khí trang bị của tàu Uragan, có thể Pantsir-M cần thêm thời gian để thử nghiệm, nhưng cũng có khả năng người Nga nghĩ rằng Karakurt không cần tên lửa phòng không tầm bắn tới 20 km.

Chiến hạm thứ hai thuộc Dự án 22800 mang tên Typhoon theo kế hoạch sẽ được hạ thủy trong thời gian sắp tới, đến lúc đó chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về chi tiết cấu hình sức mạnh của lớp tàu mang nhiều kỳ vọng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại