Điều khiến tài xế Hoàng Trung Tính - người gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người thương vong vào rạng sáng 30-9 tại Quốc lộ 20 - bị dư luận lên án gay gắt là dù đang bị tước giấy phép lái xe đối với hạng xe chở khách trong 3 tháng nhưng vẫn điều khiển phương tiện này chạy quá tốc độ.
Giấu giếm việc mình đang bị xử phạt để tiếp tục lái xe, phải chăng vì sợ bị cấm chạy, ảnh hưởng đến thu nhập? Biết rõ bản thân đang bị cấm điều khiển xe khách nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật để rồi gây tai nạn nghiêm trọng, khiến 5 mạng người ra đi tức tưởi. Đây chính là tội ác!
Còn những cơ quan, đơn vị đã chủ quan, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát chính là trực tiếp tiếp tay cho tội ác này.
Trong vụ tai nạn này, Công ty TNHH Thành Bưởi - do ông Lê Đức Thành làm giám đốc - phải chịu trách nhiệm liên đới do giao phương tiện cho người không đủ năng lực điều khiển. Công ty kinh doanh vận tải này đã quá chủ quan khi bỏ qua khâu kiểm tra giấy tờ, kỹ năng vận hành, điều khiển phương tiện của tài xế trước khi giao xe.
Không riêng Thành Bưởi, thực tế, dù biết giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông nhưng không ít doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải vẫn phớt lờ kiểm tra bởi ngại mất thời gian và... tin tưởng nhau là chính!
Nghị định 100/2019 quy định rõ cá nhân giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng hết hạn hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Mức phạt dành cho tổ chức vi phạm quy định này là 8-12 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu để xảy ra tai nạn giao thông gây chết người, người giao phương tiện sẽ bị xử lý tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ", quy định tại Điều 264 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Kinh doanh vận tải hành khách là ngành nghề có điều kiện. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều quy định để ràng buộc trách nhiệm, vì sự an toàn tính mạng của con người. Nhưng, những điều này dường như vẫn chưa đủ. Để tăng tính răn đe, cần bổ sung một số hình thức xử phạt đối với trường hợp vi phạm. Chẳng hạn, với cá nhân, ngoài phạt tiền thì có thể tạm giữ phương tiện; còn với đơn vị kinh doanh, có bổ sung hình thức tạm dừng kinh doanh có thời hạn để tăng trách nhiệm khi giao xe cho người khác điều khiển.
Sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực kinh doanh vận tải khiến không ít tài xế, chủ xe, đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận mà nhắm mắt làm liều, thậm chí chấp nhận bị phạt. Nếu mức phạt không đủ răn đe thì hằng ngày, hằng giờ trên mỗi cung đường sẽ còn nhiều tài xế như Hoàng Văn Tính, cũng còn nhiều đơn vị kinh doanh như Công ty TNHH Thành Bưởi. Kéo theo đó là còn nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng như vừa xảy ra.
Quan trọng hơn cả là Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng rà soát các lỗ hổng luật pháp để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, tăng cường sự quản lý trực tiếp của các cơ quan nhà nước, thay vì phó thác sự an toàn của người dân vào cá nhân tài xế hoặc đơn vị chủ quản như hiện nay.
Bước vào kỷ nguyên số, chúng ta đã đến lúc phải chuyển sang quản lý theo hướng số hóa, nhất là với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như vận tải hành khách. Một số nước áp dụng cách tính điểm trên mỗi giấy phép lái xe.
Cụ thể, mỗi lần tài xế vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm trực tiếp trên giấy phép. Đến mức điểm trừ cụ thể theo quy định, tài xế sẽ bị cấm hành nghề lái xe kinh doanh hoặc bị tịch thu vĩnh viễn giấy phép lái xe. Số điểm trên mỗi giấy phép lái xe được công khai, có thể tra cứu trên hệ thống điện tử. Với cách quản lý này, tài xế vì nghề nghiệp lâu dài của mình tất nhiên sẽ cẩn thận hơn mỗi khi ôm vô lăng.