Tại Hội thảo khoa học “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” ngày 19/12, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã xuất hiện từ năm 2010 nhưng ngân hàng số vẫn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank, ngân hàng số là tất cả các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, cung cấp cho khách hàng thông qua công nghệ số. Từ khâu mở tài khoản, nộp tiền, rút tiền, xin vay đều thực hiện dưới dạng số hóa.
Ông Tuấn cho biết, khó nhất khi chuyển sang ngân hàng số là nhận diện khách hàng.
Với ngân hàng truyền thống, việc xác minh người đến giao dịch, giấy tờ, cần phải có kỹ năng của giao dịch viên để xem có phải ảnh thật, chứng minh thư thật, chữ ký thật hay không. Điều này đã khó, nay chuyển sang công nghệ tự động nhận diện khó hơn nhiều lần.
Để làm được việc đó không chỉ có công nghệ mà còn hành lang pháp lý để khi xảy ra tranh chấp có cơ sở giải quyết, đúng sai thuộc về ngân hàng hay khách hàng.
Theo lãnh đạo Vietcombank, nhiều ngân hàng hiện nay muốn phát triển sản phẩm dịch vụ trước mắt là Internet Banking, Mobile Banking, sau đó là ngân hàng số nhưng khi xảy ra rủi ro, ngân hàng phải tự xử lý bằng tất cả giải pháp của chính mình mà không có cơ sở pháp lý đầy đủ, hành lang pháp lý ban hành từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, hoặc Chính phủ để cho phép ngân hàng mạnh dạn xử lý.
Cũng theo ông Tuấn, thiệt hại của các tổ chức tài chính toàn cầu năm 2016 lên đến 20 tỷ USD. Ở Việt Nam cũng là con số đáng kể, dù không ngân hàng nào công bố thiệt hại do giao dịch số mà ngân hàng mình cung cấp.
“Khi có sự cố xảy ra chưa xác định trách nhiệm của khách hàng hay ngân hàng thì hầu hết xã hội đều nhìn nhận ngân hàng sai khiến ngân hàng phải tạm xử lý, tạm hoàn tiền cho khách hàng trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Cái này do không có hành lang pháp lý. Sau đó xử lý như thế nào cũng chưa có hành lang pháp lý. Điều này khiến ngân hàng chưa mạnh dạn đưa ra sản phẩm dịch vụ số mới, ngoại trừ thanh toán”, ông Tuấn bày tỏ.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, có hai nỗi sợ lớn là sợ phải đi làm thủ tục xin cấp giấy phép bởi các quy định trong những thông tư hiện hành hầu hết không có những quy định trong lĩnh vực này.
Và nỗi sợ thứ 2 là pháp chế trong chính ngân hàng mình. Làm sao để các vị ấy nói làm sản phẩm này không vi phạm quy định nọ, thông tư kia thì mới yên tâm được làm.
Bên cạnh đó, cuộc chơi về ngân hàng số chưa thật sự công bằng khi các ngân hàng phải đi theo hành lang chặt chẽ, ngặt nghèo về thủ tục, trong khi nhiều đơn vị khác lại khá thoải mái, được làm cái gì pháp luật không cấm.
Nói về khó khăn khi làm ngân hàng số, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối ngân hàng số của VPBank cũng đưa ra một thực tế tại ngân hàng của mình: "Có những sản phẩm chúng tôi chỉ cần phát triển trong một tháng là sẵn sàng chạy, nhưng để nó được tung ra bên ngoài thì mất thêm 3 tháng vì các thủ tục."
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, văn bản quy định pháp luật được xây dựng từ nhiều năm trước, khi mà chưa ai nghĩ sau này có QR Pay, Tokenization... như bây giờ nên khi cấp phép, đối chiếu vào các quy định đó thì cả người xin phép lẫn người cho phép... đều sợ cả.
Đại diện Vietcombank cho rằng, về mặt pháp lý, hiện nay chỉ có một số văn bản luật như giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, văn bản dưới luật cũng đã ra đời nhưng chỉ mới hỗ trợ giao dịch trực tuyến trên nền tảng Mobile Banking, Internet Banking.
Do các luật có sự liên quan chặt chẽ với nhau, nên không thể chỉ sửa một luật, một nghị định là có thể đưa ra một hành lang pháp lý phù hợp.
“Tất nhiên là chúng ta sẽ cần một lộ trình nhất định nhưng thời điểm này tôi cho có lẽ đã quá muộn khi mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói nhiều về hành lang pháp lý ngân hàng số.
Chúng ta bắt đầu nói về điều này cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi về luật cũng như văn bản dưới luật hỗ trợ các định chế tài chính triển khai các dịch vụ ngân hàng số”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Các ngân hàng cho rằng, trước mắt cần nhanh chóng sửa đổi quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật phòng chống rửa tiền và các hướng dẫn liên quan để cho phép mở tài khoản không bắt buộc phải trực tiếp; áp dụng thực tiễn thông lệ quốc tế về nhận biết khách hàng, đảm bảo vẫn nhận diện, xác thực chính xác khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ mới (sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo); kết nối chia sẻ dữ liệu giữa ngành ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…