Hãy bắt đầu với một biệt danh mà Ronaldo được CĐV Việt Nam đặt: Đệm vương. Từ tiền đạo cánh thành tiền đạo cắm, CR7 phát triển khả năng chọn vị trí và dứt điểm trong vòng cấm đến mức gần như hoàn hảo.
Nhưng cũng vì thế, Ronaldo chịu không ít chỉ trích. Nhiều người hâm mộ cho rằng ngôi sao người BĐN là kẻ chỉ thích làm việc dễ, trong khi các đồng đội phải gồng mình phục vụ, đưa bóng đến tận nơi cho anh.
Chỉ đến khi Ronaldo rời Real Madrid, người ta mới thấy anh quan trọng ra sao. Kền kền trắng khủng hoảng nghiêm trọng, những chân sút như Benzema, Bale không tài nào thay thế nổi CR7.
Đệm bóng cận thành nhìn có vẻ dễ dàng, song Ronaldo đã phải rèn luyện cực khổ để tìm cách tối đa hóa cơ hội đồng đội trao cho. 3 chức vô địch Champions League liên tiếp cùng Real, 6 lần liên tục giành Vua phá lưới giải đấu này là minh chứng hùng hồn về tài săn bàn của CR7.
Johan Cruyff nói chơi bóng đơn giản thực ra là thứ khó nhất. Ronaldo là ví dụ tiêu biểu của triết lý ấy.
Quay trở lại với trận đấu Việt Nam vs Nhật Bản. Sự thật là Việt Nam đã gây ra không ít khó khăn cho người Nhật. Nếu như những cú dứt điểm của Quang Hải, Phan Văn Đức hay Công Phượng thành bàn, mọi thứ đã rắc rối hơn nhiều cho các Samurai Xanh.
Thủ môn Đặng Văn Lâm cũng có 90 phút xuất thần. Người gác đền vừa gia nhập Muangthong United từ chối ít nhất 3 bàn thắng mười mươi của ĐT Nhật Bản.
Nhưng tại sao Việt Nam không thể thắng? Đó là bởi Nhật Bản vẫn mang một đẳng cấp khác hẳn.
Đội bóng xứ Mặt trời mọc gần như đạt đến mức độ kiểm soát thế trận theo ý muốn, buộc Việt Nam phải cuốn theo.
Bàn thắng từ quả penalty có vẻ kém "hoành tráng", nhưng đó là một bàn thắng xứng đáng. VAR rất công bằng khi từ chối bàn thắng của Nhật ở hiệp một nhưng đem tới quả penalty trong hiệp hai. Thật lạ lùng khi nhiều CĐV cho rằng Nhật Bản thắng bằng bàn thắng trên chấm phạt đền thì không xứng đáng.
Để có được quả penalty là một loạt những nỗ lực tấn công. Sức ép liên tiếp mà Nhật Bản tạo ra khiến ĐT Việt Nam dần dần không thể theo kịp, mất đi sự bình tĩnh và cuối cùng phạm sai lầm.
Tình huống Ritsu Doan ngã trong vòng cấm Việt Nam.
Bàn thắng trên chấm 11m hay bàn thắng sau cú solo qua 5 người vẫn đều là 1 bàn thắng, như cái cách người ta hay so sánh Ronaldo và Messi. Ép được đối thủ sai lầm và chiếm được ưu thế bằng phương thức đơn giản nhất là penalty, điều này chẳng có gì đáng xấu hổ.
Nhật Bản cũng có thời điểm phạm sai lầm nhưng đã sửa sai kịp thời. ĐT Việt Nam rất tiếc chưa làm được như thế.
Đội trưởng Maya Yoshida thừa nhận Nhật Bản chơi không hay, song anh cũng chỉ ra rằng quan trọng nhất là chiến thắng. Khoảng cách mà thoạt nhìn tưởng chỉ là một chút thôi thực ra là đẳng cấp được tích lũy qua nhiều năm đầu tư, phấn đấu với nhiều lứa cầu thủ.
Trận thua Nhật Bản, vì thế, giúp cho Việt Nam hiểu rằng thế nào là một đội bóng dự World Cup. Nhìn nhận và rút ra bài học từ thất bại là điều tốt nhất nên làm, thay vì than vãn về VAR cũng như coi nhẹ một bàn thắng hoàn toàn hợp lý và hợp lệ. Bởi coi nhẹ chiến thắng của Nhật Bản cũng chính làm đánh giá thấp nỗ lực tuyệt vời của các chàng trai áo đỏ.
Tứ kết Asian Cup 2019: Việt Nam 0-1 Nhật Bản (nguồn: AFC)