Tâm sự hài hước của cô nuôi dạy trẻ
Tâm sự của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hạnh, đến từ Đắk Lắk trong một diễn đàn dành cho giới trẻ nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ cũng như những bình luận động viên.
Hạnh kể: "Đây là ảnh chụp những gì trong túi áo tôi khi đi làm về. Trẻ con ấy mà, có cọng thun đứt cũng giành nhau, cào nhau xước hết mặt, rồi lại thưa cô, lại khóc...
Vì tay chân luôn phải làm việc nên tôi lại lấy lại những thứ các bé giành nhau bỏ vào túi áo cho tiện! Vấn đề là ngày nào cũng như ngày nào...
Túi áo, túi quần tôi luôn luôn là thùng rác.
Cô giáo thì luôn luôn phải đứng ra phân xử, nạt nộ có, nịnh nọt có. Cổ họng đau hơn tháng trời không khỏi vì không có thời gian để dưỡng thương".
Cô giáo mầm non xinh đẹp chia sẻ câu chuyện "dở khóc dở cười" về nghề nuôi dạy trẻ
Túi áo biến thành "thùng rác" sau mỗi giờ làm việc là chuyện thường ngày
Đi kèm với câu chuyện này là bức ảnh chụp vỏ kẹo, dây chun buộc tóc, ảnh, đồ chơi, khuy áo... Những đồ vật tưởng chừng như bỏ đi nhưng đối với các bé đều là những món đồ quý giá và xứng đáng để bỏ công... tranh giành nhau.
Cô cho hay: "Túi mình thành thùng "rác" là chuyện như cơm bữa. Túi nào không có rác thì đựng cuộn giấy để lau mũi cho học sinh vì thời tiết này các em dễ sổ mũi".
Nguyễn Thị Hạnh sinh năm 1996, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm giáo dục mầm non, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Sau khi ra trường, Hạnh trở về quê nhà công tác.
Chân dung cô nuôi dạy trẻ xinh đẹp
Nỗi niềm của cô giáo Hạnh được dân mạng cảm thông và chia sẻ. Hóa ra, công việc gắn bó với các em nhỏ tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự vất vả vô cùng.
Bận bịu quên cả bản thân
Khi được hỏi về động lực chọn ngành Sư phạm Mầm non, Hạnh chia sẻ: "Trước đây mình cứ nghĩ học Mầm non thì chỉ có tập hát múa thôi, không ngờ vào học rất nhiều môn, nào là Triết học, Múa hát, Tâm lý, Quản lý, các môn chuyên ngành... vất vả lắm.
Ấy vậy mà đi học mệt một thì đi làm mệt 10, nhiều thứ phải lo nghĩ. Đi làm khác xa với lúc học, ngoài chăm trẻ, dạy học tốt, mình còn phải chuẩn bị sổ sách, vệ sinh trường lớp.
Mỗi một chủ đề dạy đều phải chuẩn bị giáo án đầy đủ, trang trí lớp học theo chủ đề đó và ti tỉ những công việc không tên khác.
Mình chưa có gia đình nên có nhiều thời gian còn sau này thì chưa biết thế nào. Mình hay nói vui là chồng chưa có, nhưng con thì cả đàn".
Hai hình ảnh khác biệt của cô giáo lúc đi làm và khi đi chơi
Mới chập chững vào nghề nên Hạnh phải dần làm quen với áp lực từ công việc "tưởng dễ mà khó" này.
Cô cho biết áp lực công việc đến từ nhiều phía. Cô giáo luôn phải ứng xử một cách khéo léo và mềm mỏng.
"Có nhiều câu chuyện không hay về các cô giáo mầm non. Xã hội đã có những định kiến, phụ huynh đôi khi nghi ngại nên mình luôn phải chỉn chu.
Trẻ nhỏ chơi đùa rồi cào cắn nhau là chuyện khó tránh. Mỗi lần con bị vậy cô cũng xót. Chiều đến trả trẻ, chỉ mong phụ huynh hiểu và thông cảm.
Nhưng số người hiểu lại ít quá. Cũng có phụ huynh trách cô không coi được học sinh, để cháu bị bạn cào. Những lúc như thế cũng buồn lắm", Hạnh tâm sự.
Dù từng có ý định từ bỏ công việc vất vả, bận rộn đến nỗi không có thời gian dành cho bản thân với mức lương khá thấp này nhưng Hạnh vẫn cố gắng theo nghề đến cùng. Đơn giản vì mỗi ngày, cô gái đều mong muốn được nghe tiếng cười và nhìn ngắm sự hồn nhiên của con trẻ.