Nỗi lòng vua Hàm Nghi trong những bức tranh lưu lạc

Trần Hòa |

Ngày 18/9, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và Lý Đợi thông tin với Báo GD&TĐ về thời gian đấu giá 19 bức tranh của vua Hàm Nghi.

Ngày 18/9, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và Lý Đợi thông tin với Báo GD&TĐ về thời gian đấu giá 19 bức tranh của vua Hàm Nghi.

Theo đó, phiên đấu sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 22/9 tại Phòng 5 - Hotel Drouot (9, rue Drouot, 75009 Paris). Dự kiến đây là một cuộc đấu giá thú vị và đầy khốc liệt của giới sưu tập quốc tế, hứa hẹn nhiều bất ngờ.

“Sốc” vì giá khởi điểm thấp

Phiên đấu “Indochine - Chapitre 16” (Đông Dương - Chương 16) của nhà Lynda Trouvé giới thiệu 255 lô, với gần 300 tác phẩm, vật phẩm. Đây là cơ hội để các nhà sưu tập tìm thấy một số tên tuổi lớn trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam như: Vũ Cao Đàm, Trần Phúc Duyên, Lê Phổ và các nghệ sĩ khác liên kết với Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Đặc biệt, 19 bức tranh của vua Hàm Nghi từng được tìm thấy trên một căn gác mái tại Pháp được rao bán lần này, hứa hẹn một cuộc đấu khốc liệt của giới sưu tập toàn thế giới.

Nỗi lòng vua Hàm Nghi trong những bức tranh lưu lạc - Ảnh 1.

Vua Hàm Nghi trong xưởng vẽ của ông vào năm 1935.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng, kho báu của vua Hàm Nghi giống một câu chuyện cổ tích, quà tặng của cựu hoàng đã ngủ quên trên tầng kho phế liệu của gia đình một sĩ quan Pháp.

Kho báu nghệ thuật ấy được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức trong buổi đấu giá sắp tới, sẽ đem đến cho công chúng Việt Nam và toàn thế giới cận cảnh những nét vẽ - nỗi lòng của vị vua chịu số phận lưu đày.

Theo mô tả của hãng đấu giá Lynda Trouvé, 19 bức họa do vua Hàm Nghi vẽ - đa số là tranh sơn dầu khổ nhỏ, từng thuộc sở hữu của Henri Aubé, một lính Pháp đóng quân ở Hà Nội từ năm 1907 đến năm 1909.

“Rất có thể Henri Aubé đã đến bệnh viện quân y nhiệt đới ở Vichy để chữa bệnh, giống như nhiều sĩ quan đóng quân ở các thuộc địa lúc đó. Từ năm 1909 đến năm 1913, vua Hàm Nghi cũng thường xuyên đến cơ sở chữa bệnh này.

Có nguồn tin cho rằng, vua Hàm Nghi và Henri Aubé đã xây dựng tình bạn ở đó nhờ người bạn chung của họ là Henri de Gondrecourt. Những bức tranh do gia đình Henri Aubé thừa kế vẫn nằm trong bộ sưu tập tư nhân của họ và hiện được con cháu của ông rao bán”, ông Khôi cho hay.

Tới thời điểm hiện tại, nhà đấu giá Lynda Trouvé đưa giá khởi điểm các bức tranh của vua Hàm Nghi từ 3.000 đến 5.000 euro/bức (khoảng 80 đến 130 triệu đồng). Ông Khôi cho rằng, giá khởi điểm nhà đấu giá đưa ra rất thấp, sẽ kéo theo những hấp dẫn lẫn sự khốc liệt giữa các nhà sưu tập.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi cũng cho rằng, giá khởi điểm thấp đến mức độ gây “sốc”. Bằng việc phá giá tối đa, khi mà trần khởi điểm không có bức nào vượt quá 5.000 euro, thậm chí vài bức chỉ 800 - 1.000 euro, rõ ràng mức khởi điểm này là để tạo sự thu hút và kịch tính cho phiên đấu.

“Ví dụ như bức “Sous-bois au soleil couchant” (Bụi cây lúc mặt trời lặn, sơn dầu trên vải, 39x30cm) khá đẹp, mà có mức khởi điểm chỉ 1.500 - 2.000 euro, thì giống như đùa giỡn. Tuy nhiên, với mức khởi điểm này thì có vẻ phù hợp với tất cả bảo tàng, tổ chức, trường học có liên quan đến vua Hàm Nghi hoặc mỹ thuật tại Việt Nam”, ông Lý Đợi cho hay.

Nỗi nhớ Việt Nam gửi trong nét vẽ

Phân tích 19 bức tranh qua ảnh chụp trên website của hãng đấu giá Lynda Trouvé, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết có tình trạng hư hỏng nhẹ, có lẽ do Henri Aubé là lính, phải di chuyển nhiều nên việc bảo quản tranh chưa thật tốt. Tuy nhiên cũng khá may mắn khi sự hư hỏng này đều ở mức phục chế được so với trình độ mỹ thuật như hiện có ở Việt Nam.

Hàm Nghi lên ngôi lúc 14 tuổi. Ông ban Chiếu Cần Vương ngày 13/7/1885, kêu gọi cả nước đánh giặc. Tháng 11/1888, ông bị giặc Pháp bắt tại miền núi tỉnh Quảng Bình, đưa xuống tàu đi đày ở Algérie (Bắc Phi).

Suốt cuộc đời lưu vong, cựu hoàng không bao giờ nguôi ngoai niềm thương nhớ đất nước. Năm 1896, ông đến với hội họa bằng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc khi thực hiện một bức chân dung tự họa bằng chì than đầu tiên.

Nỗi lòng vua Hàm Nghi trong những bức tranh lưu lạc - Ảnh 2.

Tác phẩm 'Mặt trời lặn ở vùng quê',1 trong 19 bức tranh của vua Hàm Nghi được bán đấu giá lần này.

Vào lúc thư nhàn, vua Hàm Nghi thường vẽ tranh phong cảnh, dù kỹ thuật hội họa còn hạn chế. Để nâng cao trình độ, ông theo học điêu khắc tại xưởng của Auguste Rodin và học hội họa mỗi tuần hai buổi tại xưởng của họa sĩ Marius Reynaud - một họa sĩ theo trường phái Á Đông.

Sau này, cứ 2 năm một lần vua Hàm Nghi lại đến Pháp 3 tháng mỗi năm để vẽ tranh, và vẫn dùng bút danh ban đầu như đã ký trên bức chân dung tự họa là Tử Xuân hoặc Xuân Tử. “Tử Xuân, Xuân Tử” - nghĩa là “con trai của mùa Xuân”, như một thông điệp ngầm phản kháng và tước bỏ danh vị “Hoàng tử An Nam” mà nước Pháp đã đặt.

Bức tranh dầu trên vải đầu tiên của vua Hàm Nghi còn được lưu giữ đến nay là tác phẩm “Vô đề”, vẽ phong cảnh miền quê quanh Alger, ngày 19/5/1899. Từ 1899 đến 1903, nhà vua đã đi sâu vào các kỹ thuật của trường phái ấn tượng, với những nét bút kề nhau.

Từ 1895 đến 1902, vua Hàm Nghi đã sáng tác ít nhất 25 tranh sơn dầu trên vải, 9 tranh ký tên Xuân Tử, 2 tranh ký tên Tử Xuân, trong đó có 17 tranh phong cảnh. Bức lớn nhất kích thước 49x64,5cm, bức nhỏ nhất kích thước 24x35cm. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng có ít nhất 45 tranh sơn dầu trên vải đã được thực hiện trong giai đoạn này khi nghiên cứu một số tác phẩm chưa xác định được niên đại cụ thể.

Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, đối với vua Hàm Nghi, hội họa, nghệ thuật không chỉ là khoảng trời tự do, mà còn là chốn riêng để ông có thể thoải mái thực hiện mà không phải lo lắng trong thân phận lưu đày.

Nghệ thuật, hội họa là chiếc cầu nối để vị vua lưu vong biểu lộ tình cảm gắn bó đối với quê hương Việt Nam. Điều đặc biệt, ngoài tranh phong cảnh và một vài bức chân dung, vua Hàm Nghi tuyệt đối không vẽ chủ đề chính trị.

“Có thông tin chưa có dữ liệu kiểm chứng rằng, khi đi đày thì vua Hàm Nghi bị cấm thư từ, viết lách với quê nhà. Có lẽ vì vậy mà ông chọn vẽ tranh để bày tỏ nỗi lòng mong nhớ cố hương, dù hiếm khi ông vẽ phong cảnh cố hương. Trong các phong cảnh ấy, lại hiếm khi nào thấy ông vẽ người Tây phương/Bắc Phi, chỉ một màu bảng lảng, lam chiều - một thị giác khá quen của vùng Trung Bộ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại