Tết Thiếu nhi không trọn vẹn
Tuổi đời còn quá nhỏ, có cháu mới chỉ 8 - 9 tháng tuổi, cháu lớn khoảng 14 - 15 tuổi nhưng nỗi đau cả về thể chất và tinh thần có lẽ sẽ còn đeo bám những đứa trẻ mắc bệnh sùi mào gà ở Hưng Yên trong suốt một thời gian dài.
Sự việc xảy ra đã gây hoang mang, bức xúc trong dự luận về sự làm việc tắc trách của một số cá nhân trong ngành y. Về phía cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng vào cuộc.
Cụ thể, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án về vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo Điều 242, Bộ luật Hình sự.
UBND tỉnh Hưng Yên quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền về các hành vi vi phạm hành chính và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép.
Ngoài ra, y sĩ Hiền còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 12 tháng.
Sở Y tế tỉnh này cũng có quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền tại nơi công tác là trạm Y tế xã Mễ Sở (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Với chức năng, trọng trách của mình cùng cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục theo luật định, đúng dịp Tết Trung thu vừa rồi, bác sĩ Hồ Kim Châu – Công tác tại viện Pháp y Quốc Gia cùng một số đồng nghiệp đã trực tiếp tiếp nhận khám cho các cháu bé mắc bệnh sùi mào gà.
"Hiện đơn vị đã tiếp nhận và khám được cho 25 cháu, đợt sau sẽ tiếp tục giám định cho những cháu còn lại", bác sĩ Châu nói.
Trăn trở của người giám định viên
"Đa phần các bệnh nhân khi mắc bệnh này thường phải điều trị nhiều lần. Người nào nhanh thì chỉ đốt 1, 2 lần, sùi mào gà không mọc lại, nhưng có người đốt đến 7, 8 lần vẫn tái phát.
Nhất là đối với các cháu nhỏ, việc phải liên tục đến bệnh viện khiến các cháu trở nên sợ hãi, hoảng loạn. Do vậy mà khi vừa nhìn thấy chúng tôi mặc áo blouse trắng là các cháu khóc hét lên âu cũng là điều dễ hiểu", bác Châu nhớ lại.
Bác sĩ Hồ Kim Châu - công tác tại viện Pháp y Quốc Gia
Ca giám định lần này không quá phức tạp, chủ yếu chỉ là khám ngoài, chụp ảnh, nhưng do các cháu đều còn quá nhỏ, tâm lý sợ đau nên bác sĩ hễ động vào người là các cháu gào khóc, giãy giụa.
Sự bất hợp tác của các bệnh nhi khiến công tác giám định mất khá nhiều thời gian.
Để khắc phục vấn đề này, ngoài vai trò là một bác sĩ, giám định viên pháp y, bác sĩ Châu cùng nhiều đồng nghiệp còn phải kiêm luôn cả nhà tâm lý, người nuôi dạy trẻ.
Vừa khám, các bác sĩ vừa phải động viên, dỗ dành các cháu bé và quan trọng nhất là tránh dùng những từ chuyên môn để tạo cho các cháu cảm giác thân thiện, gần gũi.
Một lưu ý khác trong quá trình khám cho các cháu bé mắc bệnh sùi mào gà mà những người làm giám định hết sức tuân thủ, đó là phải dùng riêng biệt các dụng cụ như găng tay, khẩu trang, thuốc tẩy trùng... để tránh lây nhiễm.
Mỗi khi khám cho một cháu bé xong, các bác sĩ cố gắng khử trùng một cách tối đa, giữ vệ sinh theo quy trình giám định, quy định của bộ Y tế.
Kết thúc một ngày làm việc khá căng thẳng và nhiều trăn trở, đến tận bây giờ, bác sĩ Châu vẫn không quên được những ánh mắt trong veo nhưng nhòe nhoẹt nước mắt cùng tiếng khóc xé lòng của các cháu bé mắc bệnh sùi mào gà.
Đa phần, bố mẹ các cháu đều là người lao động, xuất thân từ những vùng quê lam lũ, giờ đây có con cái không may mắc bệnh tật phải điều trị nhiều ngày khiến kinh tế kiệt quệ nên nét mệt mỏi, lo âu luôn thường trực trên khuôn mặt những bậc phụ huynh này.
Chứng kiến tình cảnh này, lương tâm nghề nghiệp và lòng trắc ẩn càng thôi thúc các bác giám định viên hoàn thành nhiệm vụ, giúp cơ quan điều tra hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm nếu có căn cứ.