Nói không với đồ cũ, Việt Nam sẽ mua biến thể F-16 hiện đại nhất?

Hải Dương |

Tiêm kích hạng nhẹ F-16 được đánh giá là ứng viên phù hợp nhất để thay thế cho MiG-21 đã nghỉ hưu của Việt Nam.

Vì sao Việt Nam không nên mua F-16 đã qua sử dụng?

Trước khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được Tổng thống Mỹ Back Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn, đã có nhiều thông tin về việc Hà Nội tìm mua tiêm kích châu Âu để thay thế MiG-21 vừa được cho "nghỉ hưu".

Nhưng với động thái mới, vị trí ứng viên hàng đầu rất khó thoát khỏi tay F-16, vì xét trên tổng hợp các yếu tố như tính năng hay giá thành... thì đây chính là chiếc chiến đấu cơ tỏ ra phù hợp nhất.

Do từng có lo ngại rằng dây chuyền sản xuất F-16 sắp bị đóng lại sau khi hoàn tất hợp đồng với Iraq nên nếu muốn mua, Việt Nam chỉ có lựa chọn duy nhất là ra căn cứ Davis-Monthan nhặt nhạnh đồ cũ về để tân trang, nhưng điều này sẽ khó xảy ra vì những nguyên nhân sau.

Nói không với đồ cũ, Việt Nam sẽ mua biến thể F-16 hiện đại nhất? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 "hàng bãi" được bảo quản tại căn cứ không quân Davis-Monthan

F-16 đã qua sử dụng có thời gian bay tích lũy thường vào khoảng 6.000 giờ, nếu tăng hạn cũng chỉ dùng thêm được tối đa 2.000 giờ nữa, chi phí duy tu bảo dưỡng là rất lớn vì đối diện với nguy cơ hỏng hóc cao.

Đa phần F-16 niêm cất bảo quản của Mỹ thuộc các phiên bản cũ, tính năng kỹ chiến thuật thấp, không còn đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại, bởi nguyên bản thiết kế của dòng tiêm kích này chỉ là chuyên không chiến tầm ngắn và tấn công mặt đất.

Tầm hoạt động 550 km của F-16 cũ cũng là rào cản đáng kể, do Việt Nam sẽ đặt ra yêu cầu máy bay chiến đấu thế hệ mới phải có khả năng vươn tầm tác chiến ra hướng biển Đông để hỗ trợ thêm cho các tiêm kích hạng nặng Su-30MK2.

Một yếu tố nữa không thể bỏ qua đó là Không quân Việt Nam thuộc đối tượng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại, nên gần như chắc chắn chiến đấu cơ cũ lại khác hệ sẽ không được lựa chọn, do chi phí dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác, chuyển loại phi công, đồng bộ thông tin liên lạc... là rất lớn, sẽ là phi lý khi đầu tư lệch lạc như vậy.

Nói không với đồ cũ, Việt Nam sẽ mua biến thể F-16 hiện đại nhất? - Ảnh 2.

 Tiêm kích F-16D Block 52 Plus của Không quân Hy Lạp

Biến thể F-16 nào phù hợp nhất với Việt Nam?

Với những lý do trên, triển vọng Việt Nam nói không với đồ cũ và tiến thẳng lên đặt mua biến thể hiện đại hàng đầu của dòng tiêm kích F-16 Fighting Falcon như F-16C/D Block 52 Plus là khả thi.

F-16C/D Block 52 Plus có đặc điểm nhận biết chính là thùng dầu phụ hòa nhập khí động dung tích 600 gallon gắn trên thân (có khả năng tháo rời), cho tầm bay chuyển sân lên đến gần 4.000 km.

Máy bay được trang bị radar khẩu độ tổng hợp AN/APG-68(V5) có chế độ tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu, tầm trinh sát tối đa lên tới 296 km đối với phi cơ cỡ lớn và khoảng 85 km đối với tiêm kích hạng nhẹ.

Bên cạnh đó, động cơ F100-PW-229 đặc trưng của F-16 Block 52 có độ tin cậy rất cao và hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ phi công cho khả năng không chiến cực mạnh ở cả tầm xa lẫn tầm gần.

Với đơn giá vào khoảng 78 triệu USD, thời gian dự trữ hoạt động trên 8.000 giờ (so với chỉ 3.000 giờ của Su-30), chi phí trên một giờ bay (tính cả khấu hao cơ sở hậu cần kỹ thuật) ước tính 22.500 USD/h, F-16C/D Block 52 Plus rõ ràng đang có rất nhiều ưu thế để được lựa chọn.

Nói không với đồ cũ, Việt Nam sẽ mua biến thể F-16 hiện đại nhất? - Ảnh 3.

 Viễn cảnh F-16 song hành cùng Su-30 đang dần trở thành hiện thực

Thêm một thông tin nữa cũng rất đáng được quan tâm, đó là ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama,  Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, ông Ben Rhodes từng cho biết Mỹ chưa có quyết định cuối cùng liên quan đến việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Nhưng trong buổi họp báo chiều qua, thông tin chính thức về việc bãi bỏ cấm vận đã được công bố, thay đổi chóng mặt trên liệu có liên quan tới sự vận động hành lang của các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn đã tổ chức một buổi hội thảo quy mô với mục đích "chào hàng" vào ngày 12 và 13/5?

Nếu điều đó là sự thực, gần như chắc chắn một thỏa thuận mua mới vũ khí giữa Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất và còn chờ ngày công bố nữa mà thôi. Lý do là bởi các nhà thầu Mỹ sẽ không sốt sắng và "lobby" mạnh khi chỉ nhận được đề nghị mua đồ cũ để tân trang.

Viễn cảnh trong tương lai gần, Su-30MK2 sẽ có F-16C/D Block 52 Plus "song hành" trong nhiệm vụ bảo vệ không phận cũng như chủ quyền biển đảo rất nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại