Mai Tố Uyên - cô gái sinh năm 1989, là chuyên viên khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội. Cô gắn bó với nghề ngân hàng tính đến nay đã là năm thứ 5, từng trải qua 4 ngân hàng lớn nhỏ khác nhau song cô tiết lộ chưa bao giờ thu nhập của cô được mức 15-20 triệu đồng/tháng.
"Có thời điểm tôi hoàn thành xuất sắc công việc, kiếm được nhiều hợp đồng tốt, được thưởng nhưng tổng thu nhập cũng chỉ đạt 12-13 triệu đồng.
Những nơi tôi đi qua, lương của những vị trí như tôi, lương cứng từ 4-5 triệu đồng, cộng thêm tiền ăn trưa, phụ cấp tầm 1 triệu nữa, cộng thêm lương kinh doanh, nếu hoàn thành 100% KPI được giao, thu nhập cũng chỉ ở mức con số 8-9 triệu đồng", Uyên chia sẻ.
Cô cho biết thêm theo báo cáo tài chính, từ số liệu chi phí dành cho cán bộ công nhân viên thì đúng là bình quân mọi nhân viên ngân hàng hầu như chẳng ai lương dưới 9 triệu đồng, thậm chí có thu nhập bình quân của nhiều ngân hàng lên ngất ngưởng 20 triệu đồng/người.
Uyên than thở, phận làm nhân viên đều lương thấp, chỉ có lãnh đạo quản lý thì mới khấm khá, lương có khi gấp chục lần nhân viên.
Trong khi đó, áp lực và thời gian làm việc quá gò bó khiến nhiều người nản lòng. Nhóm của Uyên từ đầu năm đến nay liên tục có người xin nghỉ, người chạy sang công ty chứng khoán, doanh nghiệp tư nhân, người bỏ ra tự kinh doanh, người sang quỹ đầu tư,...
Uyên tâm sự, có khi những nơi đó nghe không oai như làm ở ngân hàng, thu nhập cũng chưa chắc đã cao hơn nhưng không khí làm việc thoải mái và ít áp lực hơn.
Còn Uyên, vì vẫn chưa lập gia đình và chưa nghĩ ra nghề nào sẽ phù hợp với cô nên cô vẫn kiên trì ở lại gắn bó với nghiệp ngân hàng.
Sẽ chẳng có gì quá to tát bởi thu nhập 9 triệu đồng/tháng đã là nhỉnh hơn so với nhiều ngành nghề khác mà cái khó từ chính cái mác nhân viên ngân hàng gắn với những người như Uyên.
Uyên kể lại, mỗi lần về quê ai cũng xuýt xoa khen cô tài giỏi, lương cao, bố mẹ tự hào với hàng xóm, họ hàng khi có con gái làm trong ngân hàng có tiếng tại Hà Nội, lòng cô lại se sắt. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ sau khi trả tiền thuê nhà, ăn uống, mua quần áo, giao lưu bạn bè, đình đám,...mỗi tháng cô chỉ để dành được một ít để biếu bố mẹ và phòng thân khi ốm đau.
Tương tự hoàn cảnh của Uyên, anh Thành Trung - nhân viên ngân hàng một ngân hàng có vốn Nhà nước cũng chia sẻ rằng mác nhân viên ngân hàng nhiều lúc đã làm anh khó xử và cảm thấy đau đầu với đồng lương của mình.
"Vì ai ai cũng nghĩ làm ngân hàng lương cao, nhiều lúc đi đám cưới phong bì cứ phải ít nhất 500 nghìn.
Chưa kể sinh nhật, liên hoan với bạn bè bởi làm ngân hàng thường hay tổ chức hội hè mà cũng toàn chỗ sang chảnh nên tốn thêm một khoản kha khá, nếu không tham gia thì người khác lại đánh giá mình tiết kiệm. Đi gặp khách hàng cũng vậy, tiền chè thuốc, cafe cũng ngốn không ít đồng lương vốn đã ít ỏi của tôi", anh Trung cho biết.
Anh cho biết thêm trong nhóm của anh cũng có nhân viên thu nhập 15-20 triệu nhưng vì là gắn bó với ngân hàng cả chục năm, rất chăm chỉ và hết mình với công việc. Tuy nhiên, đó cũng là lý do một phần vì sao anh ấy không còn nhiều thời gian để tìm...người yêu.
Trên đây mới chỉ là một vài câu chuyện nho nhỏ về nỗi khổ của những người đang cống hiến cho ngành ngân hàng, với áp lực rất cao về chỉ tiêu và thời gian làm việc nhưng thu nhập của họ chưa thật xứng đáng. Đúng hơn là có tiếng mà không có miếng!
Theo nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng, trước đây, so với các ngành kinh tế khác, lương thưởng cũng như các chế độ trong ngành ngân hàng đúng là cao hơn, nhưng hiện tại, mức này ở trung bình. Thậm chí nếu so với các quốc gia xung quanh và trong khu vực về số tuyệt đối, thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng Việt Nam ở mức rất thấp.