Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallegren cho biết trong báo cáo trình quốc hội hôm 29-4: "Khi tình hình dịch Covid-19 toàn cầu được kiểm soát, cần tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập thu thập thông tin về nguồn gốc và sự lây lan của dịch bệnh này. Điều này hợp lý và quan trọng".
Bà Hallengren viết thêm: "Điều quan trọng nữa là các biện pháp ứng phó Covid-19 của cộng đồng quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần được điều tra. Thụy Điển muốn nêu vấn đề này trong khuôn khổ hợp tác của Liên minh châu Âu".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng nhấn mạnh việc điều tra nhắm vào WHO nên được thực hiện sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Bà Linde nói: "Chúng tôi cho rằng WHO đang thực hiện sứ mệnh quan trọng. Do đó giờ không phải là lúc truy cứu trách nhiệm, mà hãy để họ triển khai công tác đối phó dịch bệnh".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ann Linde nói rằng điều này không có nghĩa là Thụy Điển "hài lòng" với những gì WHO đã làm.
Thụy Điển trước đó chỉ trích một hãng tin truyền thông nhà nước Trung Quốc vì chỉ trích cách ứng phó Covid-19 của chính phủ Thụy Điển. Quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc vốn căng thẳng từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Hiện chưa rõ các nước EU có hưởng ứng lời kêu gọi điều tra của Thụy Điển hay không.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 giữa lúc có nhiều giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Một người đeo khẩu trang đi dưới mưa, ngang qua Nhà hát Opera Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, Thụy Điển, hôm 27-4. Ảnh: EPA-EFE
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức và Úc từng đề nghị Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Thủ tướng Úc Scott Morrison trước đây khẳng định nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19 bất chấp cảnh báo "tẩy chay" từ Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, nước này cho rằng việc điều tra nguồn gốc Covid-19 là nhiệm vụ của các nhà khoa học, không phải các chính trị gia. Hôm 29-4, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã viết trên trang Twitter cá nhân chỉ trích các nhà báo Pháp tại Trung Quốc vì "tạo ấn tượng cho công chúng Pháp rằng Trung Quốc là một quốc gia rất tồi tệ".
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 30-4, thế giới có hơn 3.200.000 ca nhiễm và gần 230.000 trường hợp tử vong. Thụy Điển ghi nhận hơn 20.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có 2.462 ca tử vong.