Nới điều kiện chứng nhận đăng kiểm viên

Văn Duẩn |

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 đã mở rộng một số đối tượng tham gia kiểm định xe cơ giới.

Sau thời gian áp dụng một số quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, nghị định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 (dự thảo).

Không giới hạn số lượng ôtô được kiểm định

Theo quy định hiện hành, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe phải độc lập về pháp lý và tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ôtô; bảo dưỡng, sửa chữa xe. Có nghĩa là các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S/4S chính hãng sẽ không được tham gia kiểm định xe.

Tuy nhiên, trong dự thảo đã mở rộng các đối tượng được tham gia đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải… nhằm thu hút tối đa các nguồn lực để giải quyết một số trường hợp cấp bách khi không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp (DN). Dự thảo cũng quy định về nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định: Trong trường hợp hệ thống các đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định xe không đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và DN thì các cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang thực hiện nhiệm vụ kiểm định sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được công nhận, huy động tham gia thực hiện kiểm định thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định.

Bộ GTVT cũng đề xuất bỏ quy định giới hạn số lượng ôtô được kiểm định của mỗi dây chuyền kiểm định, đơn vị đăng kiểm (điều 26 Nghị định 139). Với sửa đổi này, mỗi dây chuyền kiểm định, trung tâm đăng kiểm (TTĐK) sẽ được thực hiện kiểm định số lượng xe theo khả năng thực hiện, số giờ hoạt động thực tế của đơn vị, thay vì khống chế số lượng như hiện nay.

Nới điều kiện chứng nhận đăng kiểm viên - Ảnh 1.

Ôtô chờ đăng kiểm xếp hàng dài hơn 1 km dọc Quốc lộ 13 ở Trung tâm Đăng kiểm 50-03S (TP Thủ Đức, TP HCM) ngày 11-4 Ảnh: Trần Thái

Quan trọng là giám sát kỹ, trách nhiệm cao

Dự thảo cũng quy định mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên (ĐKV) bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định (quy định hiện hành là mỗi dây chuyền đăng kiểm tối thiểu có 3 ĐKV và tối thiểu có 1 ĐKV bậc cao). Theo quy định của Nghị định 139, điều kiện cấp giấy chứng nhận ĐKV là phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí; có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ ĐKV theo nội dung do Bộ GTVT quy định; có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ ĐKV theo quy định của Bộ GTVT.

Trong dự thảo, vẫn giữ tiêu chí tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí nhưng bổ sung: Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ ĐKV theo nội dung do Bộ GTVT quy định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô cho DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô theo quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 - 24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 3 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô). Theo lý giải của ban soạn thảo, lý do sửa đổi vì đối với những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng ôtô thì chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm nên được rút ngắn thời gian thực tập mà vẫn đáp ứng đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, khuyến nghị cần tách bạch 2 nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe. Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh lo ngại nếu mở rộng các trung tâm bảo dưỡng thành TTĐK có thể xảy ra tình trạng chủ xe bị ép mua phụ tùng khi đến đăng kiểm? Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận việc này sẽ không dẫn đến các hệ lụy nếu làm một cách bài bản, có kiểm tra, giám sát nghiêm túc. "Nếu có sự giám sát kỹ, với tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ không xảy ra vấn đề tiêu cực như trước" - ông Thủy nói.

Mở rộng vụ án sai phạm đăng kiểm

Tính đến nay, Công an TP HCM đã khởi tố 128 đối tượng về các tội "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Giả mạo trong công tác", "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật"... Mở rộng điều tra vụ án, ngày 9-2, Công an TP HCM đã làm việc với Chi cục Đăng kiểm số 6 (quận 1, TP HCM). Ngày 13-2, Công an quận Tân Bình khám xét chi nhánh của TTĐK 50-05V (quận Tân Bình); ngày 28-2, khám xét TTĐK 50-13D (huyện Bình Chánh); ngày 29-3, khám xét TTĐK 50-02S (quận 11); ngày 1-4, khám xét TTĐK 50-01S (quận Bình Tân). Trước đó, vào tháng 2, Công an TP Đà Nẵng đã điều tra về hành vi nhận hối lộ và môi giới hối lộ xảy ra tại các TTĐK: 43-05D, 43-01S, 43-02S; khởi tố ông Nguyễn Thành, Phó Giám đốc TTĐK 43-05D và ông Bùi Văn Tấn, Giám đốc TTĐK xe cơ giới TP Đà Nẵng, cùng 1 ĐKV về hành vi nhận hối lộ.

P.Dũng - B.Vân

Đăng kiểm "nóng" trở lại

Theo ghi nhận, tại TP HCM, mấy ngày qua, các TTĐK 50-03V, 50-03S, 50-04V (TP Thủ Đức), 50-02S (quận 11)... đã xảy ra tình trạng ùn tắc. Trưa 11-4, tại TTĐK 50-03S, xe chờ đăng kiểm xếp hàng dài hơn 1 km dọc Quốc lộ 13, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông cũng như hoạt động mua bán của người dân quanh khu vực. Nhiều tài xế ngán ngẩm cho biết họ đã đợi 3-4 ngày nhưng chưa đến lượt đăng kiểm.

Tại TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc TTĐK 43-04D (quận Cẩm Lệ), cho biết hoạt động đăng kiểm tại trung tâm thời gian gần đây có lúc bị ách tắc do trung tâm chỉ còn 3 ĐKV. Tuy nhiên, các trung tâm khác hoạt động bình thường. Lãnh đạo TTĐK 4301S cho biết hiện đơn vị có 2 cơ sở, mỗi cơ sở có 3 dây chuyền, giải quyết trung bình khoảng 50-60 xe/ngày/cơ sở.

B.Vân - Ý Linh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại