Theo Phó Chủ tịch Viện Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga Konstantin Sivkov, xe tăng Abrams và Leopard mà phương Tây quyết định cung cấp cho chính quyền Ukraine sẽ vô dụng nếu không được bảo vệ thích đáng.
"Tất nhiên, xe tăng Leopard và Abrams là những phương tiện chiến đấu rất mạnh mẽ. Nhưng chúng chỉ thực sự mạnh mẽ khi được bảo vệ từ hệ thống phòng vệ và pháo binh mạnh mẽ.
Tăng Leopard đã từng thất bại thảm ở Syria, trong khi Abrams cùng số phận tại Iraq.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, khi những chiếc Leopard được sử dụng để chống lại Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS ở Syria, thiệt hại lớn đã xảy ra sau đó.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 10 chiếc Leopard chỉ trong một ngày. Chính vì vậy, cỗ xe tăng này và cả Abrams tại Ukraine đều sẽ chịu chung cảnh ngộ khi chúng đối đầu với lực lượng Nga", hãng thông tấn TASS dẫn lời chuyên gia Sivkov.
Phương Tây vào tháng trước đã chấp nhận cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Ukraine. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh phương Tây và Ukraine ngày càng lo ngại Nga sắp mở đợt tiến công mới. Lực lượng Nga gần đây đạt được một số bước tiến ở vùng Donbass và đang khép vòng vây quanh Bakhmut.
Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lô xe tăng viện trợ đầu tiên của phương Tây có thể gồm 120-140 chiếc, được gửi từ 12 nước. Số xe tăng này sẽ có mẫu Leopard 2 do Đức sản xuất, Challenger 2 của Anh và M1 Abrams của Mỹ.
Nhưng theo nguồn tin quân sự mới nhất từ Đức, chính phủ nước này chỉ đồng ý chuyển xe tăng Leopard 1 cho Ukraine mà không phải Leopard 2. Được biết, phiên bản Leopard 1 đã bị lực lượng xe tăng Đức loại biên và hiện chúng còn rất ít quốc gia sử dụng.
"Xe tăng chủ lực từ NATO là yếu tố cần thiết cho đợt phản công. Chúng tôi sẽ biến số xe tăng này thành nắm đấm thép xuyên thủng phòng tuyến đối phương", Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói.
Cùng với tuyên bố chuyển giao xe tăng, hôm 3/2, Mỹ tuyên bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine trị giá 2,2 tỷ USD, trong đó có Bom đường kính nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB). Đây là loại lai giữa rocket và bom có tầm bắn tối đa lên tới 150km.
Bom GLSDB được đánh giá đủ khả năng đe dọa các tuyến hậu cần, căn cứ và kho vũ khí của Nga cách xa tiền tuyến ở Donbass, Zaporizhzhia, Kherson hoặc thậm chí tận phía bắc bán đảo Crimea.
Cùng với đó, Pháp và Italy cũng đồng ý chuyển giao cho Ukraine một số hệ thống tên lửa đất đối không cơ động MAMBA. Đây là vũ khí phòng không tầm trung được cho là có khả năng đối phó tên lửa, máy bay quân sự và máy bay không người lái của lực lượng Nga.