"Nồi da xáo thịt” người em tật nguyền vì đất đai

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN |

Câu chuyện người em tật nguyền bị anh chị kiện ra tòa tại Kiên Giang một lần nữa làm nhiều người bất bình khi mới đây những người anh chị này tiếp tục kháng cáo.

Trong phiên tòa sơ thẩm mới đây, các vị hội thẩm nhân dân đã đặt ra câu hỏi với những người anh, chị kiện đứa em tật quyền ra tòa đòi chia lại tài sản thừa kế rằng: "Nhìn cảnh anh chị lôi đứa em tật nguyền ngồi không vững này ra tòa, thử hỏi ba mẹ của anh chị nơi chín suối có vui được không?".

Bên cạnh sự bất bình, nhiều người còn bày tỏ sự băn khoăn ở khía cạnh hiểu biết, nhận thức pháp luật của các anh, chị em trong gia đình và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về mặt pháp lý, đời sống cho những hoàn cảnh tật nguyền, mất khả năng lao động.

Trước đó, tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Chính quyền địa phương cũng tổ chức hòa giải nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Chết điếng vì đâu?

Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn luật sư TP.HCM - nhận định chưa cần đến những quy định pháp luật điều chỉnh, ngay từ nhỏ nhiều người đã được dạy về sự nâng đỡ, yêu thương giữa anh, chị em trong gia đình qua những câu nói như "chị ngã em nâng", "anh em như thể tay chân" hay "một giọt máu đào hơn ao nước lã".

Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, có trường hợp cũng không phải do thiếu hiểu biết mà "nồi da xáo thịt", thưa kiện nhau từng tấc đấc, từng viên gạch…

"Trong thực tế, nhiều người có học thức, chức tước, địa vị xã hội cao cũng kiện anh, kiện em, kiện cha mẹ ra tòa vì vật chất" - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Về mặt pháp luật, điều 105 Luật hôn nhân gia đình quy định rõ ràng anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Bày tỏ cảm xúc về vấn đề này, TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết ông cảm thấy đau xót khi chứng kiến những vụ con kiện cha, mẹ; anh chị em ruột thịt kiện lẫn nhau vì tiền.

"Trong vụ việc này, đau xót nhất là vì quyền lợi cá nhân mà lôi cả gia đình, lôi cả em tàn tật của mình vào cuộc.

Được thì ít, mất thì nhiều! Tiền bạc mất thì có thể kiếm được, tình nghĩa mất thì khó mà tìm", LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Thiếu hiểu biết có thể dẫn đến hành xử sai

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp, cần đặt ra vấn đề hiểu biết pháp luật của người dân bởi sự thiếu hiểu biết có thể dẫn đến những hành vi, cách ứng xử nguy hiểm.

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng muốn cuộc sống có nghĩa và chất lượng thì việc rèn luyện, nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật là luôn cần đối với mọi người, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

"Nếu như một xã hội mà ở đó trình độ dân trí thấp sẽ dẫn đến nhiều xung đột trong đời sống và sẽ gây mất an ninh trật tự", TS Trạch nhận định.

"Chẳng hạn khi nợ nần nhau, nếu hiểu biết pháp luật, người dân có thể kiện ra tòa, nhờ cơ quan pháp luật có thẩm quyền giải quyết, thay vì dùng những hình thức như vũ lực để yêu cầu đối phương trả tiền.

Rất nhiều trường hợp anh em tương tàn chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật", LS Huỳnh Phước Hiệp nói.

LS Hiệp cho biết trong câu chuyện của anh Phạm Thanh Tùng, ông chú ý đến chi tiết Tùng kể "ngày 29 tết 2014, tôi phát hiện trong nhà có một sợi dây điện lạ cắm vô ổ cắm rồi kéo ngang, một đầu để hở, tôi nghi có chuyện chẳng lành vì trước đó anh Luận dọa "mày sẽ chết", nên nói anh Sơn mời công an xã tới lập biên bản".

LS Huỳnh Phước Hiệp cho rằng nếu sự việc này do một ai đó làm thì chứng tỏ sự hiểu biết pháp luật của họ còn hạn chế nên mới hành xử như vậy để giải quyết vấn đề tranh chấp.

Đối với cá nhân anh Phạm Thành Trung, luật đã quy định rất rõ về những sự trợ giúp về mặt đời sống, pháp lý cho anh.

Trong cái lý còn có cái tình

Về câu chuyện này, LS Lê Quang Vũ - phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo - nhận định khi xảy ra một vụ tranh chấp thừa kế giữa những người trong gia đình, các bên đương sự cần được hiểu rõ tình trạng pháp lý của mình để cân nhắc khi đưa ra các yêu cầu hợp lý, hợp tình.

Theo LS Lê Quang Vũ, luật sư bảo vệ quyền lợi của các bên cần đánh giá, giải thích tình trạng pháp lý cho thân chủ hiểu và cân nhắc để đưa ra các yêu cầu phù hợp.

Để giữ được cái tình thì các bên phải nhường nhịn nhau một chút về lý, cùng với sự giải thích, động viên, hòa giải của thẩm phán thì mới có thể đạt được thỏa thuận, đảm quyền lợi của các bên và giữ được tình cảm gia đình.

Nếu một trong các bên cố chấp không nhường nhịn hòa giải, buộc tòa phải đưa vụ án ra xét xử theo luật pháp thì sẽ rất đáng tiếc như vụ án của người khuyết tật nặng Phạm Thanh Tùng, LS Lê Quang Vũ nói.

Chẳng cha mẹ nào mong muốn con cái "nồi da xáo thịt". "Đồng tiền đi liền khúc ruột" nhưng anh em, tình thân là điều không thể đánh đổi trên đời.

Hi vọng rằng chính quyền địa phương, ngoài việc tuyên truyền về kiến thức pháp luật, cũng sẽ có những hoạt động giúp nâng cao đời sống tinh thần và giữ vững những nét đẹp truyền thống trong tình mẫu tử, tình anh em, tình làng nghĩa xóm.

Bạn đọc Nguyễn Tâm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại