Nỗi bức xúc của người phụ nữ và 'trận chiến' đưa 2 con trai vào sân Hàng Đẫy xem bóng

Duy Nam |

"Dân tình ai cũng lăm lăm vé trong tay la hét… Cửa mở, bố bảo thôi đừng vào sợ chen bẹp con. Mẹ bê nó lên và đẩy vào trước, qua cánh cửa đang dần đóng", người mẹ kể lại giây phút hồi hộp khi cả nhà cố chen vào trong sân Hàng Đẫy.

Tối 24/11, sân vận động Hàng Đẫy dự kiến đón 13.000 người hâm mộ đến với trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Campuchia. Thế nhưng chỉ 30 phút sau khi trận đấu diễn ra, các cổ động viên, cả có lẫn không có vé tràn qua lực lượng an ninh để vào bên trong, gây ra tình trạng vỡ sân. 

Gia đình chị N.A cũng nằm trong đám đông ấy. Hành trình vào sân Hàng Đẫy với người phụ nữ giống như một trận chiến. Dưới đây là toàn bộ chia sẻ của chị:

"Có một cuộc chiến bên ngoài sân Hàng Đẫy khi Quốc ca đã vang lên

Có vé. Đến đúng giờ. Vào đúng cửa B. Xếp hàng ngay ngắn. Ban tổ chức đóng toàn bộ cửa vào sân. Hàng trăm khán giả la ó bên ngoài. Và thế là cách mạng vùng lên. Cảnh sát cơ động dàn hàng ngang chặn bên ngoài cửa sắt then cài bên trong. 

Rồi một bác thuộc lực lượng an ninh thông báo cửa A sắp mở. Cả trăm người chạy đua nước rút sang cửa A. Mẹ già cũng cắp dép bế con quyết tâm lao theo, vừa chạy vừa nghĩ các phương án làm sao tránh tối thiểu chen lấn xô đẩy. La ó chán lại bảo cửa D sắp mở. Lại cắp dép, dắt tay con chạy đua. 

Cuối cùng (thấy) vô vọng (khi) mọi cửa đều đóng. Quay lại cửa A. Dân tình ai cũng lăm lăm vé trong tay la hét. Thanh niên đập cửa. Thế rồi 2 chú cơ động bên trong ra mở cửa. Bố bảo thôi đừng vào sợ chen bẹp con. 

Mẹ già quyết tâm kê kích cho thằng bé. Mẹ bê nó lên và đẩy nó vào trước, qua cánh cửa đang dần đóng. Mẹ đằng sau kê người dang tay tạo khoảng không. Khàn cổ la hét "có trẻ con, các bác cẩn thận, đằng trước tiến lên, đằng sau chờ tí". 

Nỗi bức xúc của người phụ nữ và trận chiến đưa 2 con trai vào sân Hàng Đẫy xem bóng lăn - Ảnh 1.
Nỗi bức xúc của người phụ nữ và trận chiến đưa 2 con trai vào sân Hàng Đẫy xem bóng lăn - Ảnh 2.

Dòng người tràn vào như thác lũ. Khi mẹ già đã khó thở tưởng sắp ngất thì ôi trời ơi cái sân xanh xanh đây rồi. Cách mạng thành công rồi. Một bác to béo thấy trẻ con thì đứng ngay dậy nhường. 

Bác ấy cũng đi xem cùng con nhỏ và có lẽ thấy mẹ già mặt đã xây xẩm rồi nên sợ nó ngất ra đấy thì phiền. 'Vàooooooo, 2 - 0 rồi 3 - 0. Mẹ già chả quan tâm mấy không, chỉ mong mau hết trận đấu để về. Bỗng nhiên không thấy bố và em Bon đâu? Chân bố hãy còn yếu sau phẫu thuật và em Bon thì nhỏ hơn". 

Chị N.A cho hay rất nhiều người có vé nhưng có ý định bỏ về khi chứng kiến tình trạng chen lấn ngoài sức tưởng tượng. 

"Mình không đi muộn giờ xem bóng nhưng cũng là muộn hơn so với mọi người nên mới thế. Có hai bố con từ Yên Bái lặn lội xuống đây, khó chen vào trong nhưng cũng không nỡ quay về nhà nghỉ nên ngồi thừ người không biết làm thế nào", chị kể. 

Tình trạng Hàng Đẫy "thất thủ" cũng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội những giờ qua bên cạnh những thông tin về trận đấu.

Nỗi bức xúc của người phụ nữ và trận chiến đưa 2 con trai vào sân Hàng Đẫy xem bóng lăn - Ảnh 3.
Nỗi bức xúc của người phụ nữ và trận chiến đưa 2 con trai vào sân Hàng Đẫy xem bóng lăn - Ảnh 4.
Nỗi bức xúc của người phụ nữ và trận chiến đưa 2 con trai vào sân Hàng Đẫy xem bóng lăn - Ảnh 5.

Trước đó, truyền thông phản ánh tình trạng sân vận động Hàng Đẫy xuống cấp, ban tổ chức hạn chế khán giả vào xem trận đấu tối 24/11 để đảm bảo an toàn. Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Campuchia rất có thể là trận đấu bóng đá quốc tế cuối cùng trên sân vận động này. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại