Nội bộ Mỹ bất đồng về việc thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga

Hoàng Phạm |

Tướng hàng đầu của Mỹ cho rằng Ukraine nên “nắm bắt thời điểm” để chấm dứt xung đột với Nga bằng một giải pháp ngoại giao, trong khi các cố vấn của Tổng thống Joe Biden cho rằng hiện vẫn còn quá sớm.

Ukraine nên nắm bắt cơ hội đàm phán?

Bất đồng đã xuất hiện giữa các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ về việc có nên thúc ép Ukraine tìm cách chấm dứt xung đột với Nga bằng một giải pháp ngoại giao hay không.

Trong một cuộc họp nội bộ, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nêu quan điểm cho rằng Ukraine đã đạt được đáng kể những gì họ kỳ vọng trên chiến trường trước khi mùa đông đến và vì thế họ nên củng cố lợi ích trên tại bàn đàm phán.

Nội bộ Mỹ bất đồng về việc thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga - Ảnh 1.

Nội bộ Mỹ bất đồng về việc thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga. Ảnh: New York Times

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao khác phản đối ý tưởng này, cho rằng hiện không bên nào sẵn sàng đàm phán và bất kỳ sự tạm dừng nào trong giao tranh sẽ chỉ tạo cơ hội cho Nga tái tập hợp. Các cố vấn của Tổng thống Joe Biden tin rằng cuộc xung đột cuối cũng sẽ chỉ được giải quyết thông qua đàm phán, nhưng họ cho rằng thời điểm hiện nay chưa chín muồi và Mỹ không nên bị xem là gây áp lực buộc Ukraine phải “kiềm chế” khi họ đang có động lực.

Cuộc tranh luận đã bùng phát công khai trong những ngày gần đây khi Tướng Milley đưa ra bình luận ẩn ý về lời khuyên riêng tư của ông đối với Ukraine.

“Hãy nắm bắt thời điểm”, ông Milley nói trong một bài phát biểu ở New York vào ngày 9/11.

Sau đó, trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 101/11, ông giải thích: “Chúng tôi đã chứng kiến quân đội Ukraine chiến đấu với quân đội Nga và đẩy đối phương vào bế tắc. Hiện tại, không thể biết chắc chắn những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng chúng tôi nghĩ rằng có khả năng cho giải pháp ngoại giao”.

Tuy nhiên, Nhà Trắng không muốn dư luận cho rằng họ đang thúc đẩy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhượng bộ lãnh thổ cho Nga ngay cả khi Moscow rút quân khỏi thành phố chiến lược Kherson.

Phát biểu với phóng viên ngày 10/11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Mỹ không gây áp lực với Ukraine. Những gì chúng tôi đang làm là tham vấn với tư cách là đối tác và thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi không chỉ thông qua các tuyên bố công khai hoặc ủng hộ tinh thần mà thông qua sự hỗ trợ vật chất, hỗ trợ quân sự mà tôi đã đề cập trước đây”.

Quan điểm của Mỹ khiến đồng minh khó hiểu

Quan điểm của Mỹ về giải pháp ngoại giao cho xung đột Nga-Ukraine khiến các đồng minh khó hiểu.

Chuyến thăm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đến Kiev trong tuần trước phần nào khiến người ta cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang thúc giục nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky ít nhất thể hiện thiện chí đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã phủ nhận điều đó.

Sự khó hiểu càng trở nên trầm trọng hơn vì những bình luận không rõ ràng của ông Biden trong một cuộc họp báo ngày 9/11. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng Ukraine hiện có đủ “đòn bẩy” cần thiết để bắt đầu đàm phán hay không, Tổng thống Biden không đưa ra câu trả lời cụ thể.

Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu ông có đề nghị Ukraine cân nhắc từ bỏ một số lãnh thổ hay không, ông Biden trả lời là không.

“Điều đó phụ thuộc vào người Ukraine. Sẽ không có vấn đề nào về Ukraine [được quyết định] mà không có Ukraine”, ông nói, lặp lại quan điểm chính thức của Mỹ là bất kỳ giải pháp nào cũng phải do Kiev quyết định, chứ không phải Mỹ hay châu Âu.

Một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ cho rằng hiện lập trường của chính quyền ông Biden đã không còn rõ ràng. Hiện tại họ không thúc giục các cuộc đàm phán, nhưng họ muốn chuẩn bị cho giải pháp ngoại giao vào một thời điểm nào đó sau này.

Ông Charles A. Kupchan, Giáo sư Đại học Georgetown, người từng là cố vấn của Tổng thống Barack Obama về vấn đề châu Âu cho biết: “Cảm giác của tôi là chính quyền đang chỉ tay vào khả năng ngoại giao [của Ukraine]. Họ đang cố gắng cân bằng giữa các bên xung đột. Họ muốn mở ra khả năng ngoại giao nhưng lại không nói cho Ukraine biết cần phải làm gì. Họ dọn bàn, nhưng lại không ngồi vào bàn [đàm phán]”.

Khả năng thay đổi trên thực địa trong mùa đông là rất thấp

Cuộc tranh luận ở Washington diễn ra trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về việc liệu sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hiện nay có thể kéo dài bao lâu. Nghị sỹ Kevin McCarthy (bang California), lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố sẽ không có “tấm séc trắng” cho Ukraine, nếu đảng này kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, các thành viên khác của đảng cộng hòa, trong đó có cả nghị sỹ Mitch McConnell, lãnh đạo GOP tại Thượng viện vẫn bày tỏ ủng hộ Kiev.

Trong các cuộc thảo luận nội bộ tại Nhà Trắng, Tướng Milley là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất ủng hộ giải pháp ngoại giao. Ông nhấn mạnh vào hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đang đào chiến hào và thiết lập các phòng tuyến vững chắc ở phần lớn lãnh thổ mà Moscow kiểm soát để chuẩn bị cho mùa đông. Việc rút khỏi Kherson dường như cũng nhằm thiết lập một vị trí dễ phòng thủ hơn.

Theo Tướng Milley, cường độ giao tranh sẽ giảm trong những tháng lạnh giá và khả năng thay đổi trên thực địa là rất thấp, từ đó mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán. Ông cũng viện dẫn Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi hai bên tham chiến nhiều năm nhưng ít có sự thay đổi về lãnh thổ trong khi hàng triệu người thương vong một cách vô nghĩa.

Theo giới chức Mỹ, quan điểm của tướng Milley không phải là đánh giá cao Nga, mà ông cho rằng đây là thời điểm Ukraine và các đồng minh có thể bắt đầu hướng tới một giải pháp chính trị vì một giải pháp quân sự có thể không đạt được trong tương lai gần.

Các quan chức cho biết nhận định của Tướng Milley không được ông Biden hay ông Sullivan đồng tình. Họ cho rằng ông Putin không sẵn sàng đàm phán trong khi Ukraine đang được khích lệ bởi thành công của họ trên chiến trường, khiến họ không muốn đánh đổi lãnh thổ trên bàn đàm phán./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại