Cuộc bầu cử bất phân thắng bại
Theo kết quả bầu cử, khối Xanh Trắng giành được 33 ghế, Likud 31, Danh sách chung của các đảng phái Ả Rập 13, đảng Yisrael Beituna (Israel-ngôi nhà của chúng ta) của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman giành được 8 ghế.
Cuộc bầu cử Knesset lần trước được tổ chức vào ngày 9/4/2019, đảng Likud và phe đối lập Xanh-Trắng giành được số ghế ngang nhau - 35 ghế. Tuy nhiên, liên kết với các đảng phái theo cánh hữu, Likud nhận được đa số và người đứng đầu đảng này, đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu được trao quyền thành lập chính phủ liên hiệp.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với các đảng phái khác không thành công và ông B. Netanyahu đã không thành lập được chính phủ. Knesset giải tán và phải tiến hành bầu cử lại.
Ngày 22/9/2019, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã bắt đầu tham vấn với đại diện các đảng đã được bầu vào Knesset trong cuộc bầu cử vừa qua và gặp gỡ đại diện hai đảng Likud của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Xanh-Trắng của cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz.
Tổng thống R. Rivlin kêu gọi các bên thỏa hiệp thành lập một chính phủ ổn định bao gồm Likud và Xanh-Trắng để tránh phải bầu cử lại lần nữa.
Kết quả bầu cử ngày 17/9 vừa qua không khác mấy so với cuộc bỏ phiếu tháng 9/4. Đảng Likud và Xanh-Trắng vẫn giành được số ghế xấp xỉ ngang nhau. Liên minh Xanh-Trắng giành được 33 ghế trong tổng số 120 ghế, đảng Likud của giành được 31 ghế.
Quốc hội Israel. Ảnh: Al-Monitor
Ông B. Gantz nhận được sự ủng hộ của 54 nghị sĩ trung tả, còn ông B. Netanyahu giành được ủng hộ của 55 nghị sĩ cánh hữu và tôn giáo giới thiệu đứng ra thành lập chính phủ mới, vẫn không đủ để đứng ra thành lập chính phủ mới.
Theo quy định, người đứng ra thành lập chính phủ phải tập hợp được ít nhất 61/120 đại biểu trong Knesset ủng hộ. Cả B. Gantz và B. Netanyahu đều không đáp ứng được điều kiện này. Thực tế này buộc Tổng thống R. Rivlin phải kêu gọi Likud và liên minh Xanh-Trắng đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp.
Ở Israel, đã bắt đầu các cuộc đàm phán để thành lập một liên minh cầm quyền. Các nhà quan sát am hiểu tình hình Israel cho rằng, sự lựa chọn lý tưởng nhất sẽ là sự liên kết giữa Likud và Xanh-Trắng là hai khối lớn nhất trong cuộc tranh cử vừa qua để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Liên minh đa số này không có sự tham gia của các đảng phái cực đoan và Ả Rập sẽ cho phép chính phủ hoạt động ổn định trong cả nhiệm kỳ bốn năm tới.
Tuy nhiên, có nhiều trở ngại cho việc thành lập một liên minh như vậy. Sau khi kết quả bầu cử được công bố, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, người đứng đầu khối Xanh-Trắng B. Gantz đã phát biểu kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc rộng rãi với tất cả các lực lượng chính trị ở Israel. Tuy nhiên, ông tuyên bố thẳng thừng rằng, sẽ không tham gia bất cứ một chính phủ nào có B. Netanyahu.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng, thủ lĩnh đảng Yisrael BeitunaA. Liberman vừa giành được số ghế tăng từ 5 lên 8 ghế có nhiều quan điểm giống B. Gantz, sẽ trở thành một lực lượng chính trị mà nhân vật được giao thành lập chính phủ mới cần phải tranh thủ.
A. Liberman cũng khẳng định sẽ không liên minh với Likud nếu B. Netanyahu vẫn còn tại vị và không ủng hộ B. Gantz nếu Xanh-Trắng liên kết với khối Danh sách chung của Ả Rập. Ông mô tả các đại biểu Ả Rập trong Knesset không phải là đối thủ chính trị mà là kẻ thù.
Trong khi đó, khối Danh sách chung giành được 13 ghế, trở thành lực lượng lớn thứ ba trong Knesset. Đây là một sự thay đổi mới trong bản đồ chính trị Israel. Ngưới Ả Rập sẽ đóng vai trò quan trọng, ngay cả khi chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập.
Định hình liên minh giữa các đảng phái
Do một thời gian dài B. Netanyahu thi hành chính sách bài xích Ả Rập, nên việc B. Gantz bắt liên lạc và đối thoại với người đứng đầu Danh sách chung Ayman Odeh là một cử chỉ rất quan trọng.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng cần phải xem đây có phải là một bước đi xích lại gần nhau giữa Xanh-Trắng và Danh sách chung Ả Rập để thay đổi cơ cấu quyền lực ở Israel hay không?
Mặc dù có sự xích lại gần nhau giữa B. Gantz và Y. Odeh, nhưng rất khó có khả năng khối Danh sách chung được tham gia một chính phủ đoàn kết dân tộc do B. Gantz đứng đầu để đối mặt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Ảnh: The Times of Israel
Người đứng đầu Danh sách chung của khối Ả Rập Y. Odeh tuyên bố ủng hộ B. Gantz đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo.
Tuy nhiên, sự ủng hộ này kèm theo điều kiện chính phủ mới phải quyết định từ bỏ bạo lực chống lại người Ả Rập, hủy bỏ luật "Quốc gia dân tộc Do Thái" được coi là mang tính chất phân biệt chủng tộc, chấm dứt các hành động xông vào nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, không cho Thủ tướng hết nhiệm kỳ B. Netanyahu tham gia chính phủ mới và phải khởi động lại tiến trình hòa bình với chính quyền Palestine.
Đây là những điều kiện mà bất cứ chính phủ nào ở Irael cũng khó chấp nhận.
Về phần mình, mặc dù thất bại, ông B. Netanyahu vẫn đang tìm mọi cách duy trì sự thống nhất của các đảng cánh hữu và phân hóa nội bộ đảng Xanh-Trắng để lôi kéo những phần tử bất đồng chính kiến của đảng này về phe mình.
Đáp lại, ông B. Gantz cũng cố gắng gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Likud để loại bỏ B. Netanyahu, người đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với một phiên điều trần tham nhũng vào đầu tháng 10 tới.
Đồng thời, B. Gantz cũng đe dọa sẽ liên minh với khối Danh sách chung để thành lập chính phủ nhằm gây sức ép với Likud chấp nhận các điều kiện của mình về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Trong trường hợp này, Yisrael Beituna của cựu Bộ trưởng Quốc phòng A. Liberman (nói tiếng Nga) giành được 8 ghế có thể là nhân tố rất quan trọng việc thành lập chính phủ mới.
Đây là đảng giành được nhiều phiếu hơn so với cuộc bầu cử Knesset trước đây. Ông A. Liberman tuyên bố cần thiết phải thành lập một chính phủ đoàn kết với sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị giành được số phiếu cao lần này.
Tuy nhiên, bất kỳ một đảng nhỏ nào khác vẫn có thể cản trở các cuộc đàm phán liên minh.
Tình hình hiện nay cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc cũng như khủng hoảng quan điểm trong xã hội Israel. Một mặt, ảnh hưởng của các đảng cực hữu trong nước là rất lớn, mặt khác, sự căng thẳng về chính trị nội bộ giữa đảng Likud và người đứng đầu của đảng này B. Netanyahu, người giữ chức Thủ tướng từ năm 2009.
Tổng thống Rauven Rivlin sẽ là người quyết định cuối cùng trong các cuộc đàm phán. Có thể ông sẽ phải buộc các chính trị gia Israel đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, từ bỏ tham vọng cá nhân và các quan điểm của mình để đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ.
Cử tri Israel mong muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dựa trên hai đảng lớn giành được nhiều ghế nhất là Likud và Xanh-Trắng.
Từ nay cho đến khi thành lập được một chính phủ đoàn kết để tránh khả năng phải tiến hành bầu cử lần ba, chính trường Israel sẽ chứng kiến nhiều biến động, các cuộc chạy đua nhằm định hình lại các liên minh giữa các đảng phái hoặc thậm chí gây chia rẽ trong nội bộ một số đảng phái khác.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại